Bạn có tin chim lợn kêu là điềm báo có người sắp chết?

Phải chăng chim lợn thực sự là “Sứ giả của Thần Chết”, chúng chỉ đem đến những điều xui xẻo và sự chết chóc như chúng ta vẫn nghĩ hay không? Và sự thật đằng sau đó là như thế nào?

Chim lợn (hay còn gọi là cú lợn) là một một loài chim vô cùng thông minh và đáng yêu. Nhưng ở Việt Nam chúng lại gán cho cái mác “Quỷ dữ” vì mỗi khi chim lợn kêu ở cổng nhà nào thì nhà đó sắp có người chết. Nhiều cái chết xuất hiện cùng với sự trùng hợp này khiến mọi người càng tin rằng hễ chim lợn xuất hiện là “Thần Chết” cũng ngay lập tức ghé thăm.

Thậm chí chuyện này còn hình thành quan niệm: “Chim cú lợn kêu 7 tiếng thì cái chết ứng vào nam, còn 9 tiếng thì ứng vào nữ”.

Người ta thường hay đồn thổi rằng khi con người chết thì giải phóng ra một mùi rất đặc trưng mà chỉ có chim lợn mới có thể nhận biết nhờ thính giác nhạy bén và ngay sau đó chúng sẽ kêu lên để báo hiệu. Chính vì vậy mỗi khi nghe thấy tiếng éc éc như lợn kêu trong đêm tính mịch khiến không ít người nổi da gà.

Chim lợn được cho là “Sứ giả của Thần Chết”. (Ảnh: Pinterest)

Không những vậy, mỗi khi nghe thấy tiếng chim lợn kêu thì người ta lại thi nhau đón này, đoán nọ rằng có người sẽ chết trong nay mai thôi và không biết có phải là mình hay không nữa. Chính vì thế mà chim lợn bị ghét vô cùng, cứ ở đâu chúng xuất hiện thì người ngay lập tức xua đuổi, có khi còn giết chúng.

Tuy nhiên, trong thực tế thì không phải như vậy.

Các nhà khoa học cho rằng chim lợn không hề gây ra cái chết cho một ai đó mỗi khi kêu lên mà chúng thật sự là một sinh vật có ích.

Chim lợn là loài động vật hoạt động về đêm, thường sống thành đôi hoặc đơn độc và không di trú. Thức ăn của chúng chủ yếu là chuột và côn trùng, khi không bắt được chuột thì chúng chuyển sang săn thằn lằn hoặc một số loài chim nhỏ khác.

Nhìn bề ngoài trông có vẻ chậm chạp, điềm tĩnh và bí ẩn nhưng chim lợn thực sự là những sát thủ, với tốc độ của một cơn gió và những móng chân sắc như dao. Trong bóng đêm đen đặc, đôi mắt tinh tường của nó không bỏ sót một con chuột nhỏ đang chạy ở khoảng cách cả trăm mét.

Chim lợn thực sự một sát thủ về đêm khi đi săn mồi. (Ảnh: Việt báo)

Vậy quan niệm đáng sợ như mọi người vẫn tưởng tượng về chúng từ đâu mà ra?

Theo tiến sỹ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho biết: “Quan niệm chim lợn kêu là có người chết rất phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước và chính tôi cũng thừa nhận điều này. Tuy nhiên nó cũng chẳng phải là cái gì đó khó hiểu hay thần bí gì cả.”

Ông Khanh giải thích:

“Trong thực tế, khoa đã chứng minh được nhiều loài động vật có thể đoán trước được thiên tai hay cái chết như kiến sẽ xây tổ cao hơn khi trời mưa hoặc chuyện báo chí đưa tin về một con mèo ở Mỹ có thể dự báo chính xác cái chết bằng cách đến bên bệnh nhân đang trong giai đoạn hấp hối cho đến khi người này chết.”

Ngoài ra, việc chim lợn kêu lên khi có người chết có thể bắt nguồn từ đặc tính của loài này. Thông thường thân thể con người phát ra một loại sóng điện từ, khi con người chết đi thì phát ra một loại sóng (mùi hương) mà chỉ một số ít người hay động vật nhận ra, trong đó có chim lợn. Tiến sỹ Khanh dẫn chứng: “Điều này tương tự như việc bác sỹ bắt mạch để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bênh nhân hay việc loài kền kền dựa vào mùi của tử thi để xác định nguồn thức ăn vậy.”

Chim lợn có khả năng phát hiện ra sóng đặc trưng trên cơ thể người sắp chết nhờ khứu giác rất nhạy bén. (Ảnh: Birding Buddies)

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam khẳng định rằng: “Do nguồn thức ăn của chim lợn rất gần với khu vực sinh sống của con người nên chim lợn kêu trong khu dân cư hay trên các mái nhà  là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thêm vào đó, vì chúng là sinh vật hoạt động về đêm nên tiếng kêu của chúng trong không gian tĩnh mịch dễ làm người ta liên tưởng đến những điều khủng khiếp. Thực ra đó chỉ là hoạt động sinh học đơn thuần mà thôi”.

Hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào về chim lợn kêu báo hiệu có người sắp chết cũng như nghiên cứu chuyên sâu về tiếng kêu của chúng.

Giáo sư Ngô Xuân Tường thuộc Học viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: “Tiếng kêu của chim lợn dùng để dọa con mồi khiến chúng hoảng sợ và bỏ chạy để chim lợn dễ dàng bắt hơn. Hơn nữa vào mùa sinh sản, nhu cầu thức ăn tăng cao nên chúng phải nỗ lực kiếm thêm thức ăn. Vì vậy chúng sẽ kêu nhiều hơn mọi khi, thường thì chim lợn sẽ kêu nhiều hơn trong mùa sinh sản”.

Rốt cuộc, chim lợn chẳng hề đáng sợ như nhiều người tưởng tượng ra. Chuyên gia đưa thêm dẫn chứng để chứng minh cho nhận định này: “Chim lợn không những không đáng sợ mà nó còn là loài chim có ích cho nông nghiệp. Theo tài liệu, mỗi năm Cú lợn lưng xám (Tyto alba) có thể tiêu diệt 300 – 400 con chuột phá hoại mùa màng”.


Chim lợn không hề đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng tượng mà chúng rất có ích đối con người. (Ảnh: kafanews.com)

Chúng ta không nên quy hết trách nhiện cho chim lợn dù trong một vài trường hợp chim lợn kêu liên quan đến người chết. Nhưng dù chim lợn có kêu hay không con người vẫn chết như thường thôi, hết số mệnh mà! Bây giờ hãy coi việc chim lợn kêu như việc gà gáy khi trời sáng hay chuồn chuồn không bay cao thì trời vẫn nắng…

Tuy nhiên, việc tin hay không tin thì còn tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người.

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *