Nghi phạm làm giả tờ một USD với chất lượng kém song cơ quan mật vụ Mỹ trong nhiều năm không tìm ra dấu vết.
Tháng 11/1938, cơ quan Mật vụ Mỹ tại thành phố New York nhận được tờ tiền giả chỉ mệnh giá một USD song đã đặt ra nhiều nghi vấn. Kẻ nào tốn thời gian và công sức với tờ tiền giá trị nhỏ như vậy?
Những kẻ làm tiền giả thường rất tự hào về tay nghề nên luôn tìm cách làm giống như thật. Nhưng tờ tiền trước mặt nhân viên mật vụ có chất lượng kém tới nỗi họ tưởng rằng kẻ làm tiền giả cố ý chế giễu mình. Nó được in trên loại giấy có thể mua được ở bất cứ cửa hàng văn phòng phẩm nào.
Hàng series in mờ, không thẳng hàng. Chân dung cố tổng thống George Washington được vẽ lại vụng về, họ tên cũng bị sai thành “Wahsington”.
Trong một tháng, phòng giám định pháp y của Mật vụ lần lượt nhận được hơn 40 tờ một USD bị làm giả giống như trên nhưng không tìm được thủ phạm. Điều tra viên gọi kẻ làm giả tiền mặt này là “Ngài 880”, theo bí số của chuyên án.
Các vụ án trước, nhân viên mật vụ thu giữ được hàng triệu USD tiền giả vì những kẻ phạm tội thường tham lam. Nhưng ở chuyên án “Ngài 880” thì khác, nghi phạm dường như tiêu chỉ đủ sống, không bao giờ dùng quá 15 USD mỗi tuần, cũng không tiêu tiền giả hai lần tại cùng một địa điểm mà rải khắp quận Manhattan, bao gồm nhà ga, cửa hàng tiện lợi, quán bar…
Tờ tiền thật (trên) và tiền giả do “Ngài 880” làm giả. Ảnh: Art.com
Điều tra viên khoanh vùng trên bản đồ thành phố New York, dán khoảng 200.000 áp phích cảnh báo tại 10.000 cửa hàng và tìm gặp hàng chục người nhận phải tiền giả. Dù vậy, cuộc điều tra kéo dài 10 năm với quy mô và phí tổn nhiều bậc nhất trong lịch sử mật vụ vẫn không mang lại kết quả. Nhà chức trách cho rằng kẻ làm tiền giả kém nhất cũng là kẻ ẩn náu giỏi nhất.
Tới năm 1947, mật vụ đã ghi nhận khoảng 7.000 tờ tiền một USD giả có chất lượng kém, chiếm 5% trong số 137.318 USD tiền giả ước tính được lưu hành trên cả nước. Theo nhà chức trách, kẻ đứng đằng sau chuyện này ắt hẳn là người có trí tuệ bậc thầy.
Tháng 1/1948, nhóm trẻ em chơi đùa tại khu phía tây Manhattan đã phát hiện hai khuôn kẽm và 30 tờ tiền giả vùi trong nền tuyết. Sau khi nhận được số vật phẩm, nhà chức trách nhận định hai khuôn kẽm là tác phẩm của “Ngài 880”.
Điều tra viên tới khu vực tìm thấy khuôn kẽm tìm hiểu, được biết vài tuần trước căn hộ gần đó xảy ra hỏa hoạn. Lính cứu hỏa vào trong, thấy khắp nơi toàn rác nên đã vứt ra ngoài cửa sổ để tạo lối đi. Trong căn hộ, cảnh sát còn phát hiện máy in, mực, phim âm bản, và số tiền giả kém chất lượng chất đầy ngăn kéo.
Khi nhà chức trách tìm được chủ nhân căn hộ, người này mau chóng thừa nhận hành vi in tiền. Nhân vật khiến mật vụ đau đầu suốt bấy lâu nay không ngờ lại là cụ ông 73 tuổi tên Emerich Juettner, hành nghề thu gom rác, vóc dáng thấp bé, hói trên đỉnh đầu và móm mém.
Cụ ông khai di cư từ Áo sang Mỹ khi mới 13 tuổi, sau đó lập gia đình và sống ổn định tại thành phố New York. Tới năm 1937, vợ đột ngột qua đời, hai con cũng có cuộc sống riêng nên ông thu gom rác vì già yếu và không kiếm được công việc khác.
Sẵn kỹ năng chạm khắc kim loại và nhiếp ảnh cơ bản học được thời còn trẻ, ông nghĩ ra cách tạo khuôn in tiền giả. Khi nào thiếu tiền, ông in ra vài tờ chỉ đủ để mua thức ăn cho bản thân và con chó. Emerich tiết lộ chưa bao giờ đưa quá hai tờ tiền giả cho cùng một người nên không nạn nhân nào bị thiệt hại hơn một USD.
Emerich ở tuổi 73. Ảnh: Getty.
Ngày 3/9/1948, Emerich bị đưa ra xét xử tại tòa án liên bang tại thành phố New York với ba tội danh Tàng trữ khuôn tiền giả, Lưu hành tiền giả, và Sản xuất tiền giả. Mỗi tội danh đều có mức phạt cao nhất là 10 năm tù.
Xét thấy Emerich không phải là mối đe dọa tới nền kinh tế Mỹ, thẩm phán cuối cùng tuyên mức phạt thấp hơn hẳn, chỉ một năm một ngày cùng với số tiền phạt một USD. Cụ ông được trả tự do sau bốn tháng ngồi tù vì cải tạo tốt.
Sau khi vụ án được đưa tin rộng rãi, câu chuyện cuộc đời của Emerich đã trở thành cảm hứng cho bộ phim đạt giải Oscar vào năm 1950 có tên “Ngài 880”. Nhờ bộ phim, cụ ông kiếm được số tiền nhiều hơn số lợi nhuận thu được trong 10 năm làm tiền giả.
Chấp hành xong án tù, Emerich trở lại cuộc sống bình thường tại vùng ngoại ô Long Island (New York) và qua đời vào năm 1955 ở tuổi 79.
Nguồn: Soha/Helino