Thành cổ Babylon nổi tiếng với vườn treo, tháp Babel và những pháo đài bằng gạch bùn chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
(Ảnh: Pixabay)
Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ BBC nói rằng, ngày hôm qua (5/7), Ủy ban Di sản thế giới Liên Hợp Quốc đã có một cuộc họp tại Azerbaijan để xác định những địa danh mới nhất sẽ được vinh danh. Các địa danh được xem xét là các khu vực quan trọng đối với nhân loại và được các hiệp ước quốc tế bảo vệ.
Theo đó, thành cổ Babylon thuộc nền văn minh Lưỡng Hà đã chính thức được UNESCO công nhận Di sản Thế giới sau cuộc bỏ phiếu – một thành công sau gần 3 thập kỷ vận động hành lang của Iraq, Vnexpress dẫn theo AFP cho biết.
Tàn tích thành cổ Babylon, Iraq. (Ảnh: Dr. Osama Shukir Muhammed Amin/Wikipedia)
Babylon là một khu phức hợp rộng 10 km2 nằm dọc con sông Euphrates, cách thủ đô Baghdad của Iraq về phía nam khoảng 100 km.
Babylon là thành phố cổ đông dân nhất thế giới trong giai đoạn 1770 – 1670 TCN. Đây có thể là thành phố đầu tiên trong lịch sử có dân số trên 200.000 người. Thành phố này nổi tiếng với những khu vườn treo, tháp Babel , cổng Ishtar, hay những pháo đài bằng gạch bùn.
Hình mô phỏng vườn treo Babylon. (Ảnh: Anomalien)
Cổng Ishtar được phục dựng tại bảo tàng Pergamon, Berlin, Đức. (Ảnh: Wikipedia)
“Sẽ thật thiếu sót nếu danh sách Di sản Thế giới không có Babylon. Làm thế nào có thể kể về lịch sử nhân loại mà không có chương sớm nhất?”, đại diện của phái đoàn Iraq nhấn mạnh.
“Babylon là nền văn minh có chữ viết, chính quyền và sự phát triển khoa học. Việc được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới sẽ khuyến khích các nghiên cứu mới, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của du lịch”, Qahtan al-Abeed, người đứng đầu Cục Cổ vật Basra, Iraq cho biết thêm.
UNESCO đã cảnh báo địa danh này “trong điều kiện cực kỳ dễ bị tổn thương” và cần các biện pháp bảo tồn khẩn cấp do có các cấu trúc có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuy vậy tổ chức này chưa thể liệt Babylon vào danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm do vấp phải sự phản đối từ phía Iraq. Dù vậy, UNESCO vẫn sẽ làm việc với chính quyền địa phương để đưa ra các kế hoạch. bảo tồn cụ thể.
Nguồn: DKN
- 7 “dị vật” khai quật trong các ngôi mộ cổ: 3 cái cuối cùng số người biết tới không quá 10 người!
- Nền văn minh bí ẩn của người Sumer
- Món ăn để 2400 năm trong lăng mộ vẫn ‘ngon mắt’, chuyên gia ngỡ ngàng: Người xưa thật cao tay!