Công ty Surrey Nanosystems (Vương quốc Anh) từng chế tạo thành công Vantablack – vật liệu đen nhất thế giới theo đúng nghĩa đen của nó. Vantablack có thể nuốt chửng 99,8% ánh sáng đi qua giống như một hố đen sâu thẳm huyền bí.
Vantablack được các nhà khoa học Anh chế tạo ra từ năm 2014. Từ đó đến nay nó đã không ngừng được phát triển tăng cường độ đen và sử dụng nó nhiều hơn trong thực tế. Vantablack có thể hấp thụ các ánh sáng nhìn thấy được bằng mắt thường, thậm chí cả các tia cực tím và hồng ngoại cũng không ngoại lệ. Giờ đây các nhà khoa học của Surrey Nanosystems đã tuyên bố rằng, độ đen của Vantablack không có quang phổ nào đo được và nó càng khẳng định vị trí độc tôn vật liệu đen nhất trên thế giới.
Đây không phải một bức ảnh bị lỗi, mà là Vantablack. Ảnh dẫn theo GenK
Nhóm nghiên cứu cho biết, ngay cả khi chiếu một tia laser năng lượng cao trực tiếp vào Vantablack, ánh sáng sẽ bị nuốt chửng hoàn toàn và chúng ta sẽ không thấy bất cứ thứ gì hiện ra.
Kể cả Laser cũng không thoát khỏi được Vantablack. Ảnh dẫn theo Albedo Media
Tuy nhiên theo nhà khoa học Steve Northan, đồng tác giả của dự án Vantablack đã có một số giải thích sâu sắc về vật liệu đen nhất thế giới này. Ông cho biết: “Màu sắc mà chúng ta thông thường nhìn thấy là ánh sáng phản chiếu từ vật thể đến đôi mắt. Sự thay đổi tần số của ánh sáng phản chiếu này khiến cho đôi mắt của chúng ta cảm nhận được các màu sắc khác nhau. Thực chất Vantablack là vật liệu không phản chiếu lại ánh sáng đi qua nên mắt chúng ta không thấy chúng và có cảm giác Vantablack đã “ăn” mất chúng.”
Theo Steve Northan, Vantablack là vât liệu không phản chiếu ánh sáng vì nó đã hấp thụ hết ánh sáng và không cho chúng chiếu đến mắt người. Ảnh dẫn theo Surrey NanoSystems
Steve Northan cho biết thêm: “Vantablack có cấu trúc đặc biệt. Nó được tạo thành từ rất nhiều ống nano carbon. Cứ mỗi diện tích bề mặt (1 cm2) có đến 1 tỷ ống này. Khoảng cách giữa các ống chỉ là một nguyên tử. Các ánh sáng chiếu vào Vantablack sẽ bị giam giữ và mắc kẹt bên trong. Do đó chúng ta chỉ nhìn thấy màu đen của Vantablack”.
Ánh sáng chiếu vào Vantablack bị giữ lại và không thể thoát ra. Ảnh dẫn theo businessinsider.com
Đặc biệt đây cũng là vật liệu siêu nhẹ. Thành phần chính của nó là các ống cacbon nhưng bên trong lại chứa đầy không khí. Vì vậy Vantablack gần như không có khối lượng. Tuy nhiên Vantablack cũng có một số nhược điểm cần khắc phục là độ bền chưa cao, chúng khá mỏng manh và dễ bị phá hủy dưới các tác động nhỏ.
Hiện nay các ứng dụng của Vantablack trở nên rộng rãi hơn. Gần đây nhóm nghiên cứu đã tạo ra một loại sơn cho phép phủ Vantablack lên mọi bề mặt vật liệu. Nó sẽ biến mọi vật liệu khác trở thành một hố đen sâu thẳm.
Khuôn mặt biến mất hoàn toàn. Ảnh dẫn theo GenK
Hai khuôn mặt giống hệt nhau nhưng lại trông hoàn toàn khác nhau. Ảnh dẫn theo Tin Nhanh 24/7
Đặc biệt nó sẽ được sử dụng cho các kính thiên văn Hubble nhằm hạn chế ánh sáng lệch hướng để Hubble ghi lại hình ảnh rõ nét hơn và không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng Mặt trời. Theo Ban tổ chức thế vận hội Olimpic mùa đông 2018 diễn ra tại Hàn Quốc, họ sẽ đưa vật liệu Vantablack vào một số ứng dụng đặc biệt.
Bên cạnh đó, Vantablack cũng sẽ giúp ngụy trang các đối tượng khác khi khoác lên mình chiếc áo đen nhất thế giới. Trong tương lai nhân loại sẽ được chứng kiến một áo choàng của Harry Potter đầy ma thuật thực sự hay những chiếc máy bay tàng hình như một bóng ma trong một ngày không xa khi sử dụng Vantablack.
Kính thiên văn Hubble trong tương lai sẽ được sử dụng Vantablack nhằm đem lại những bức ảnh vũ trụ hay các hành tinh xa xôi một cách chân thật và sống động hơn. Ảnh dẫn theo VnReview
Video: Khả năng “nuốt chửng” ánh sáng của Vantablack
Nguồn: ĐKN