Người xưa vẫn nói: “Oan oan tương báo bao giờ mới dứt”, trên đời có một sợi dây vô hình được gọi là nhân duyên. Thứ nhân duyên này muốn thoát cũng không thoát được, bạn chỉ có cách dũng cảm đối mặt với chính nó, mới mong có thể giải khai được mọi chuyện.
Con người gặp nhau không phải là đền ơn thì cũng là trả oán. (Ảnh: Powerdigi)
Vào triều Tống, có một người trẻ tuổi trong lúc uống rượu say đã nảy sinh tranh chấp với một người khác, vì không kiềm chế được nên ra tay đánh đối phương. Nào ngờ, vị kia bị đánh loạng choạng một hồi rồi lăn ra chết.
Người thanh niên sợ phải gánh tội nên đã chạy trốn đến một nơi rất xa. Về sau, bởi vì hối hận mà xuất gia, chịu khổ tu hành, nhanh chóng đạt đến cảnh giới đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tính, trở thành một vị đại thiền sư, đệ tử có đến vài trăm người.
Vào năm vị thiền sư 70 tuổi, một buổi sáng ông bỗng nhiên tắm rửa sạch sẽ, rồi thăng tòa thuyết pháp. Ông nói với chúng đệ tử rằng: “Sắp tới đây các con không được hành động gì, cũng đừng nói lời nào, hãy để lão tăng ta giải quyết một chuyện ân oán từ 40 năm trước”.
Vị thiền sư đả tọa đến giữa trưa, đột nhiên có một binh lính đi vào trong chùa, vừa nhìn thấy vị thiền sư liền kéo cung tên lên, mặt đằng đằng sát khí.
Lão thiền sư hướng tới binh sĩ kia chắp tay hợp thập, rồi nói: “Lão tăng ngồi đây chờ đợi ngài đã rất lâu rồi!”.
Binh sĩ cảm thấy rất ngạc nhiên, lập tức bình tĩnh lại, nói: “Ta và lão hòa thượng ông xưa nay không quen biết. Nhưng không hiểu vì lẽ gì mà vừa nhìn thấy mặt ông là ta đã muốn giết. Ta thực sự không hiểu là vì nguyên nhân gì”.
Lão thiền sư nói: “Nợ thì phải trả là lẽ rất công bằng, mời ngài cứ xuống tay, đừng do dự!”
Lão thiền sư cũng quay sang nói với chúng đệ tử: “Sau khi ta chết đi, các con hãy mời vị thí chủ này dùng cơm, sau khi ăn xong thì tiễn ông ấy về nhà. Nếu như các con có nửa lời trách cứ ông ấy, thì chính là làm trái thiên ý, làm trái lời thầy, đều không phải là đệ tử của ta”.
Có nợ thì phải hoàn trả, đó là lẽ công bằng xưa nay. (Ảnh: Pinterest)
Binh sĩ sau khi nghe vị thiền sư nói xong, trong tâm càng thêm nghi hoặc. Bởi vậy nhất định yêu cầu thiền sư nói cho rõ ràng mọi chuyện.
Thiền sư nói: “Ngài bởi vì đã đầu thai chuyển kiếp một lần nên mới quên mất, còn ta vẫn sống trên đời, nên mọi chuyện vẫn nhớ rõ ràng”.
Sau đó lão thiền sư liền đem những sự tình từng xảy ra trong quá khứ nói cho binh sĩ kia biết. Binh sĩ vốn dĩ không biết chữ, nhưng sau khi nghe hết câu chuyện bỗng nhiên lớn tiếng ngâm một bài thơ:
Oan oan tương báo khi nào dứt,
Kiếp kiếp tương phùng há ngẫu nhiên?
Diện kiến thiền sư giải chân tướng,
Hôm nay đạp đất hướng Tây Thiên!
Sau khi nói xong, binh sĩ tay cầm cung tên, đứng đó mà vãng sinh. Thiền sư thấy vậy liền hạ tòa, xuống tóc cho binh sĩ, còn đặt pháp danh, thay quần áo mới rồi đưa ông ta đi chôn cất. Sau đó, thiền sư ngồi xếp bằng, tạm biệt chúng đệ tử rồi cũng tọa hóa.
Giết người 40 năm trước, 40 năm sau phải hoàn trả, tuy rằng hơi muộn, nhưng thiếu nợ phải trả là đạo lý không thể thay đổi. May là hai người này đều là những người có tâm tính cao, cho nên mới có thể biến ác duyên thành thiện duyên. Cuối cùng một người vãng sinh, một người tọa hóa. Đây thực sự là một nhân duyên kỳ lạ ngàn năm khó gặp.
Nếu vị thiền sư không phải là người đắc đạo chân chính, hoặc vị binh sĩ này không phải là người có ngộ tính cao, vậy nhất định sẽ không thể thu tay, cuối cùng oan oan tương báo không biết đến bao giờ mới dứt. Buông bỏ đi oán thù, thực ra chính là cách giải thoát cho mình vậy.
Nguồn: TH
- 5 cao thủ khinh công có thật trong lịch sử, có một thiền sư người Việt Nam
- Giấc mơ và cuộc phiêu lưu kỳ lạ của học giả từng là nhà sư ở tiền kiếp
- Nhà sư có công năng đặc dị: Mặt trăng là tàu vũ trụ do người tiền sử chế tạo