Robot thăm dò Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc đã hoạt động trở lại và chụp được một khối đá bất thường ở phần tối của Mặt trăng.
Tàu đổ bộ Hằng Nga 4 và robot thăm dò Thỏ Ngọc 2 đã “thức giấc” vào ngày 6/2 sau một thời gian ngủ đông và gửi về Trái Đất những khám phá mới, một trong số đó là bức ảnh chụp khối đá kỳ lạ trông giống như cột mốc ở vùng tối của Mặt trăng. Trong nhật ký hoạt động Thỏ Ngọc 2 được xuất bản bởi Our Space, kênh khoa học tiếng Trung liên kết với Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA), các nhà khoa học nhấn mạnh rằng cột đá này đáng được kiểm tra kỹ hơn.
Robot Thỏ Ngọc 2 phát hiện khối đá kỳ lạ trên Mặt trăng. (Ảnh: CNSA).
Nhóm điều khiển robot thăm dò đã lên kế hoạch để Thỏ Ngọc 2 tiếp cận gần khối đá và thực hiện các phân tích bằng thiết bị quang phổ kế hình ảnh hồng ngoại và cận hồng ngoại (VNIS). VNIS trước đây đã được sử dụng để nghiên cứu một số mẫu đá và đá vôi dọc theo đường đi qua miệng hố va chạm Von Kármán. Thiết bị có khả năng phát hiện ánh sáng bị phân tán hoặc phản xạ từ vật liệu để khám phá lớp phủ của chúng.
“Cột đá này giống như một mảnh vỡ nhô lên khỏi bề mặt. Điều đó chắc chắn là bất thường”, nhà nghiên cứu Mặt trăng Dan Moriarty tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, chia sẻ sự phấn khích với phát hiện mới.
Moriarty giải thích thêm rằng các tác động lặp đi lặp lại do chu kỳ nhiệt và hiện tượng phong hóa trên bề mặt Mặt trăng thường có xu hướng phá vỡ các tảng đá và mài mòn chúng thành dạng hình cầu, nếu có đủ thời gian. Cột đá mới được phát hiện có khả năng hình thành từ một vụ va chạm thiên thạch gần đó mà không trải qua quá trình trên.
Các nhà khoa học hy vọng dữ liệu quang phổ từ VNIS trong những khám phá tiếp theo sẽ cung cấp cái nhìn chi tiết hơn, cho phép xác định khối đá có phải đến từ bên ngoài vũ trụ hay không.
Nguồn: Vnexpress