Phát hiện thêm bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa

Mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy hồ nước mặn chảy bên dưới Cực Nam của sao Hỏa, qua đó cho thấy khả năng về sự sống tồn tại trên Hành tinh Đỏ.

Khu vực được chú thích trong ảnh cho thấy vị trí của băng nước gần bề mặt sao Hỏa. (Ảnh: NASA)

Các nhà khoa học đã báo cáo về phát hiện này vào năm 2018 sau khi xác định được thứ mà họ tin là một hồ lớn bị chôn vùi. Họ đã mở rộng vùng tìm kiếm ra đến vài trăm km, sử dụng dữ liệu từ một radar trên tàu thăm dò Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Astronomy hôm 28/9 vừa qua, các nhà khoa học Ý đã cung cấp thêm bằng chứng về hồ nước mặn nằm dưới lớp băng, ước tính rộng khoảng 20km-30km và sâu chừng 1,5km.




Bất ngờ hơn, họ còn phát hiện thêm 3 ao nước nhỏ xung quanh hồ này. Chúng có kích thước không giống nhau và tách biệt với cái hồ chính. “Chúng tôi không chỉ xác định được vị trí, mức độ và cường độ của các vùng có tính phản xạ cao được ghi nhận trong nghiên cứu năm 2018 mà còn tìm thấy 3 khu vực mới” đồng tác giả Elena Pettinelli cho biết.

Khoảng 4 tỉ năm trước, sao Hỏa ấm và ẩm giống như Trái Đất. Nhưng Hành tinh Đỏ đã dần trở thành khu vực khô khan và cằn cỗi như hiện nay.

Nhóm nghiên cứu do Tến sĩ Sebastian Emanuel Lauro tại Đại học Roma Tre (Ý) dẫn đầu đã sử dụng phương pháp tương tự như đã dùng trên Trái Đất để tìm ra các hồ bị chôn vùi ở Nam Cực và Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada. Trên thực tế, các phát hiện của họ dựa vào hệ thống hơn 100 radar quan sát trên tàu Mars Express (được phóng vào năm 2003) từ năm 2010 đến 2019.

Sự xuất hiện của hồ nước và những ao nước mặn nhỏ xung quanh làm tăng khả năng tồn tại sự sống dạng vi khuẩn ở trên hoặc trong sao Hỏa. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào mà nước vẫn ở dạng lỏng trong các hồ này khi nhiệt độ của chúng là khoảng -68 độ C. Trên Trái Đất, các hồ dưới băng ở Nam Cực vẫn ở dạng lỏng nhờ áp suất từ ​​băng ở trên cao. Để nước ở trạng thái lỏng dưới nhiệt độ băng giá của sao Hỏa, áp suất từ ​​lớp băng trên là không đủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng phải là những hồ nước mặn với nồng độ muối cao.




Được biết, nhiệt độ bề mặt ở Cực Nam của sao Hỏa là khoảng -113 độ C và ấm dần lên khi xuống sâu hơn.

Theo các nhà khoa học, những vùng nước này có tiềm năng thú vị về mặt sinh học và “các sứ mệnh tới sao Hỏa trong tương lai nên hướng đến khu vực này”. Họ cũng cho biết thêm rằng, có thể có nhiều nước hơn tồn tại bên dưới lớp băng ở Cực Nam của Hành tinh Đỏ, đồng thời các hồ nước ngầm không phải mới có mà chúng đã ở đó trong một thời gian dài về mặt địa chất.


Vào tháng 4/2019, một nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng nước là nguyên nhân gây ra các vệt tối trên Hành tinh Đỏ có thể đến từ rất sâu bên dưới bề mặt. Tháng 1/2020, các nhà nghiên cứu khác nhận định nước trên sao Hỏa từng chứa các thành phần có thể hỗ trợ cho sự sống. Vào tháng 3/2020, một nhóm khác phát hiện ra sự hiện diện của các phân tử hữu cơ “phù hợp với sự sống”.

NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) vào tháng 7/2020 đã phóng tàu thăm dò Perseverance vào không gian, bắt đầu hành trình kéo dài khoảng 7 tháng đến Hành tinh Đỏ. Robot này sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có việc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại trên sao Hỏa.

Nguồn: TTV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *