Trái đất hình phẳng hay hình tròn?

Tư duy ngược lại hoàn toàn với các kiến thức thiên văn được công nhận rộng rãi từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Không ít người vẫn nhất quyết tin rằng Trái Đất là phẳng và những bức ảnh Trái Đất hình cầu chúng ta thường thấy là âm mưu của NASA và các cơ quan chính phủ khác.

Niềm tin Trái đất có dạng phẳng là một trào lưu tư tưởng lỗi thời trong thời tàn của đế chế La Mã. Nó cũng giống như việc tin rằng Kim tự tháp Ai Cập được dùng để chứa ngũ cốc… Thú vị là ngày nay vẫn còn một hội nhóm tin vào điều đó. Hội này được gọi là Hội “Trái Đất Phẳng” (Flat Earth Society), được thành lập năm 2009 tại Hoa Kỳ liên tục thu hút 200 người mới gia nhập mỗi năm.

Những thành viên của hội này tin rằng Trái Đất có hình đĩa, với Bắc Cực ở trung tâm chiếc đĩa và Nam Cực là một bức tường băng cao 45 mét bao quanh để nước biển không bị chảy ra ngoài. Họ cũng cho rằng Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang canh gác bức tường này để đảm bảo không ai trèo qua và rơi ra khỏi “đĩa”.




Mô hình Trái Đất phẳng, với Bắc Cực ở trung tâm và Nam Cực bao xung quanh. (Ảnh: Creative Commons 1.0 Generic/Trekky0623).

Hội này cho rằng những bức ảnh vệ tinh chụp Trái Đất hình cầu chỉ là sản phẩm của Photoshop do NASA và chính phủ các nước tung ra. Các thiết bị GPS cũng được thiết kế để phi công tin rằng họ đang bay theo đường thẳng trên một mặt cầu, thay vì thực tế bay vòng tròn quanh đĩa.

Đi kèm với tuyên bố này là những giả thuyết đầy thú vị của họ về các hiện tượng xảy ra trên Trái Đất. Chẳng hạn, họ kết luận việc Mặt Trời và Mặt Trăng di chuyển theo vòng tròn ở khoảng cách 4.828km so với mặt phẳng Trái Đất là nguyên nhân tạo ra ngày và đêm .

Các ngôi sao thì nằm cách Trái Đất khoảng 4.988km và di chuyển liên tục khiến các lục địa được chiếu sáng tuần tự trong một chu kỳ 24 giờ. Họ cũng tin rằng có một “phản Mặt Trăng” che khuất Mặt Trăng những khi xảy ra nguyệt thực.




Cũng theo lý thuyết này, trọng lực Trái Đất chỉ là ảo giác. Thay vì bị hút xuống, các vật thể bị đẩy lên với gia tốc 9,8m/s2, nhờ một dạng năng lượng tối. Nội bộ hội Trái Đất phẳng đang tranh cãi về thuyết tương đối của Einstein có cho phép Trái Đất phẳng tăng tốc lên vô hạn nhưng không vượt qua tốc độ ánh sáng hay không. Trong mô hình của họ, các định luật Einstein vẫn được công nhận.


Lý thuyết về Trái Đất phẳng bắt nguồn từ một phương pháp tư duy gọi là “phương pháp Zetetic“, do những người theo thuyết Trái Đất phẳng phát triển vào thế kỷ 19, trong đó coi trọng quan sát cảm quan hơn bằng chứng thực nghiệm. Trong thiên văn học Zetetic, nhận thức về Trái Đất bằng phẳng dẫn đến suy luận rằng nó phải thực sự phẳng: phản Mặt Trăng, âm mưu của NASA và tất cả những giả thuyết tương tự để hợp lý hóa kết luận đó.

Giới khoa học thực chứng chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi nghe những người theo thuyết Trái Đất phẳng trình bày. Chúng thật sự kỳ quặc, ngớ ngẩn và hài hước. Tuy nhiên, những người ủng hộ thì vẫn luôn tâm đắc và coi đay là một mô hình thiên văn hợp lý hơn nhiều so với những gì người ta vẫn truyền tụng.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *