Michelle Kunimoto, một nghiên cứu sinh khoa Vật lý và Thiên văn thuộc Đại học British Columbia. Cô đã phát hiện 17 hành tinh mới, bao gồm một hành tinh có kích thước tương tự Trái đất và nằm trong Vùng có thể phát triển sự sống của tinh hệ.
Hình ảnh về 17 hành tinh mới, gồm cả hành tinh có kích thước giống Trái đất và tiềm năng có sự sống. (Ảnh: qua pixabay/CC0 1.0)
Kunimoto đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ Tàu không gian Viễn vọng Kepler (thuộc NASA). Trong quãng thời gian 4 năm đầu, Tàu Kepler đã thực hiện sứ mệnh tìm kiếm các hành tinh, đặc biệt là những hành tinh nằm trong “Vùng có thể phát triển sự sống” của ngôi sao, tức là những tinh cầu cho phép nước dạng lỏng có thể tồn tại trên bề mặt đất đá của chúng.
Hình ảnh từ 17 hành tinh, so sánh với kích thước của Sao Hỏa, Trái Đất và Sao Hải Vương. Hành tinh màu xanh lục là KIC-7340288 b, một hành tinh đá nằm trong Vùng có thể phát sinh sự sống. (Ảnh: Michelle Kunimoto)
Các phát hiện mới được đăng tải trên Tạp chí Thiên văn, bao gồm phát hiện về hành tinh đặc biệt đó với tên chính thức là KIC-7340288 b. Nó nằm hẳn trong Vùng có thể phát sinh sự sống của tinh hệ đó, và có kích cỡ chỉ bằng 1.5 lần Trái Đất – đủ nhỏ để được xem là một hành tinh đá, thay vì những hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt Trời.
“Chúng ta sẽ không đặt chân đến hành tinh đó trong khoảng thời gian gần, vì nó cách đây khoảng 1000 năm ánh sáng! Trong dữ liệu của Tàu Kepler, chỉ có được 15 hành tinh đủ nhỏ và nằm trong Vùng có thể phát sinh sự sống thôi. Có lẽ đây là một phát hiện thú vị!”, Kunimoto phát biểu.
Theo đó, hành tinh này có một năm dài 142.5 ngày, chuyển động quanh ngôi sao với khoảng cách 0.444 AU (AU – Astronomical Units, đơn vị thiên văn, bằng khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời) – chỉ to hơn quỹ đạo của Sao Thủy và nhận được lượng ánh sáng chỉ bằng 1/3 Trái Đất nhận được từ Mặt Trời.
Đối với 16 hành tinh mới khác do Michelle phát hiện, hành tinh nhỏ nhất cũng chỉ bằng 2/3 kích thước Trái Đất – một trong những tinh cầu nhỏ nhất do Tàu Kepler phát hiện được. Các hành tinh còn lại có kích thước từ lớn hơn cho đến khoảng 8 lần Trái Đất.
Cô Michelle Kunimoto, nghiên cứu sinh thiên văn học thuộc Đại học British Columbia (Ảnh: Michelle Kunimoto)
Vốn không còn xa lạ gì với công việc này, ngay từ khi còn học Đại học, cô đã phát hiện được 4 hành tinh. Hiện tại với chương trình nghiên cứu sinh tại UBC, cô đã sử dụng “phương pháp quá cảnh thiên thể (ánh sáng từ một ngôi sao bị bẻ cong dưới trường hấp dẫn từ các hành tinh của nó – transit method)” để tìm kiếm các hành tinh tiềm năng giữa đâu đó trong 200.000 ngôi sao được ghi nhận bởi dữ liệu của Kepler.
“Mỗi khi một hành tinh vận hành qua phía trước một ngôi sao, nó sẽ tạm thời chặn bớt một phần ánh sáng và làm giảm độ sáng của ngôi sao đó. Bằng cách tìm những điểm tối như thế, bạn sẽ bắt đầu lồng ghép các thông tin lại với nhau, chẳng hạn như kích thước và chu kỳ quay quanh ngôi sao của hành tinh đó”, cô nói.
Kunimoto cùng cựu sinh viên UBC là anh Henry Ngo đã hợp tác để cho ra những hình ảnh về các hành tinh trong các tinh hệ với độ phân giải cực cao, bằng việc sử dụng Máy ảnh Cận hồng ngoại và Quang phổ kế (NIRI) trên Kính viễn vọng Gemini North – 8 tại Hawaii.
“Bằng cách sử dụng phương pháp quang học thích nghi, tôi đã có được ảnh không gian chân thực của các ngôi sao. Tôi cũng biết được liệu có ngôi sao nào gần đó nhiễu loạn phép đo của Kepler hay không, như tự tạo ra các vệt tối chẳng hạn”.
Không dừng lại, Kunimoto còn sử dụng dữ liệu từ Tàu Kepler và “phương pháp quá cảnh thiên thể” để quan sát hàng nghìn hành tinh khác cũng như tái phân tích toàn bộ dữ liệu từ các ngoại hành tinh.
Ông Jaymie Matthews, Giáo sư tại Đại học British Columbia kiêm hướng dẫn Kunimoto, hào hứng chia sẻ:
“Chúng tôi sẽ ước tính số lượng hành tinh với những ngôi sao có nhiệt độ khác nhau. Với một kết quả khả quan, chúng tôi có thể tính toán được tỷ lệ xuất hiện của các Hành tinh thuộc Vùng phát triển sự sống như Trái Đất. Có bao nhiêu hành tinh như vậy? Hãy cùng chúng tôi chờ xem.”
(*Chú thích: Được cung cấp bởi Đại học British Columbia [Chú thích: tài liệu có thể được hiệu chỉnh lại độ dài và nội dung])
Nguồn : Tinhhoa/Vision Times