Mặt trời có thể sở hữu một người anh em song sinh, cùng kích cỡ, đã đào thoát và để lại dấu tích trên Đám mây Oort ngoài rìa Hệ Mặt trời.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên The Astrophysical Journal Letters, dấu vết của Mặt trời thứ 2 thể hiện trong sự tồn tại quá mức của vật chất nằm trong Đám mây Oort, một cấu trúc như lớp vỏ hình cầu bao bọc Hệ Mặt trời, đầy bụi khí, sao chổi và những thiên thạch khổng lồ. Rìa ngoài của nó lan xa đến tận 100.000 đơn vị thiên văn (AU) tính từ Mặt trời. 1 AU chính là khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất.
Hệ Mặt trời của chúng ta từng có đến 2 ngôi sao, là Mặt trời hiện tại và một người anh em song sinh – (ảnh: M. Weiss).
Theo 2 tác giả, là 2 nhà vật lý thiên văn Avi Loeb và Amir Siraj từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian (CFA – Mỹ), với cấu trúc là một hệ sao nhị phân buổi sơ khai, Hệ Mặt trời của chúng ta có khả năng bẫy các vật thể không gian nhiều hơn, từ đó tạo ra thế giới ngoài rìa dày đặc hơn bất kỳ hệ sao đơn độc nào khác.
2 ngôi sao được sinh ra trong cùng một “vườn ươm sao” (đám mây phân tử sinh ra các ngôi sao) và đã cùng đồng hành suốt một thời gian dài, cho đến khi những cơn gió sao cực mạnh hoặc lực hấp dẫn do chính thiên hà Milky Way chứa Hệ Mặt trời tạo nên kéo người anh em song sinh tách khỏi Mặt trời vĩnh viễn.
“Mặt trời thứ 2” có thể vẫn tồn tại ở đâu đó không quá xa Hệ Mặt trời của chúng ta, và có thể đã trở thành trung tâm của một hệ sao khác. Với các dấu vết để lại trên Đám mây Oort và các cấu trúc khác trong Hệ Mặt trời, ngôi sao “đào tẩu” này phải to bằng Mặt trời của chúng ta và mang năng lượng tương đương.
Nguồn: NLĐ