Theo Earthsky đưa tin, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh cỡ Trái Đất, nằm ngoài hệ mặt trời cách Trái Đất khoảng 3.000 năm ánh sáng, nó quay quanh một ngôi sao tương tự Mặt Trời.
Kế hoạch thử tìm các bản sao của Trái Đất và Mặt Trời trong Dải ngân hà – kế hoạch “Trái Đất 2.0” của NASA. (Ảnh: NASA qua earthsky)
Ngôi sao này được ký hiệu là Kepler-160, kích thước và hoạt động nhiệt của nó tương tự như Mặt Trời.
Các quan sát trước đây chỉ ra rằng Kepler-160 có hai hành tinh là Kepler-160b và Kepler-160c. Nhưng chúng lớn hơn Trái Đất rất nhiều, đồng thời quay rất sát quanh ngôi sao, khiến nhiệt độ bề mặt của chúng rất nóng và không phù hợp với sự sống. Tuy nhiên, thời gian quỹ đạo vòng quanh của Kepler-160c cho thấy có thể tồn tại một hành tinh thứ ba trong hệ thống này.
Tác giả thứ nhất của bài báo – Rene Heller – một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Hệ thống năng lượng Mặt Trời Max Planck ở Đức cho biết: “Phân tích của chúng tôi cho thấy Kepler-160 không phải có hai hành tinh, mà là tổng cộng bốn hành tinh”.
Hành tinh thứ ba là Kepler-160d, chính là hành tinh có ảnh hưởng đến thời gian quỹ đạo vòng quanh của Kepler-160c. Nhưng có một hành tinh tiềm ẩn khác đặc biệt và thú vị hơn.
Hành tinh được đề cử có ký hiệu là KOI-456.04. Nó có kích thước tương đương Trái Đất, kích cỡ là từ khoảng một nửa đến hai lần Trái Đất và nó còn chuyển động vòng quanh Kepler-160 ở một khoảng cách nhất định, khiến nó nằm ở trong khu vực có thể có sự sống của ngôi sao. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh này cho phép có nước lỏng trong đó và có tiềm năng tạo ra sự sống.
Sơ đồ mô tả cách KOI-456.04 quay quanh khu vực có thể sinh sống được của ngôi sao của nó – Kepler-160 – ở cùng khoảng cách Trái đất với Mặt Trời. Do đó, hành tinh này nhận được lượng năng lượng Mặt trời tương đương với Trái đất. (Ảnh: René Heller qua Earthsky)
Chu kỳ vận hành của nó quanh Kepler-160 là 378 ngày, tương tự như 365 ngày của Trái Đất mỗi năm. Điều này làm cho hành tinh này và Kepler-160 gần như là một bản sao của Trái Đất và Mặt Trời.
Tiến sĩ Heller nói: “KOI-456.01 tương đối lớn so với nhiều hành tinh có thể có sự sống khác. Nhưng kích thước to nhỏ của nó không sai khác quá hai lần so với Trái Đất, kết hợp với việc ngôi sao trung tâm của nó giống như Mặt Trời, khiến nó trở nên đặc biệt và quen thuộc”.
Tất cả các nhân tố trong cách hành tinh này tương tác với ngôi sao của nó có gợi ý cho chúng ta thấy là điều kiện bề mặt của nó có thể giống với Trái Đất, nhưng tất cả phụ thuộc vào việc nó có bầu khí quyển hay không. Các nhà nghiên cứu nói rằng nếu hành tinh này có bầu khí quyển ổn định và hiệu ứng nhà kính tương tự như Trái Đất, nhiệt độ trung bình sẽ tương tự như nhiệt độ trung bình toàn cầu của Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng dữ liệu quan sát hiện tại vẫn không thể xác nhận chắc chắn rằng KOI-456.01 là một hành tinh, có thể có những lỗi đo lường trong trình độ kỹ thuật vũ trụ hiện tại của chúng ta. Theo dữ liệu của các nhà thiên văn học, có xác suất 85% rằng đó là một hành tinh. Nhưng để có thể chính thức xác nhận nó là một hành tinh, nó cần đạt xác suất đến 99%.
Các quan sát của hệ thống bằng kính viễn vọng mặt đất hoặc không gian trong tương lai có thể xác nhận xem đó có phải là một hành tinh hay không. Điều này bao gồm dự án PLATO của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), kính viễn vọng này sẽ được phóng vào năm 2026 và tìm kiếm các các mục tiêu như các hành tinh có kích thước Trái Đất xung quanh các ngôi sao giống như Mặt Trời.
Nhiều hành tinh ngoài hệ Mặt Trời có kích thước Trái Đất được phát hiện trong những năm gần đây đều là quay quanh các sao lùn đỏ chứ không phải các ngôi sao như Mặt Trời. Sao lùn đỏ nhỏ hơn và lạnh hơn Mặt Trời của chúng ta, và quỹ đạo của các hành tinh xung quanh chúng gần hơn so với khoảng cách từ Mặt Trời tới Trái Đất.
Tuy nhiên, những ngôi sao lùn đỏ này phát ra bức xạ hồng ngoại, khác với ánh sáng nhìn thấy được từ Mặt Trời. Chúng cũng có thể tác động mạnh đến các hành tinh của chúng bằng các bão “mặt trời” của chúng và bức xạ năng lượng cao. Đây là lý do tại sao hiện nay khả năng có thể sinh sống trên các hành tinh này vẫn còn gây tranh cãi.
Tiến sĩ Heller nói: “Khả năng sinh sống được trên một hành tinh cũng liên quan đến bản chất của ngôi sao của nó”. Nghiên cứu này mới được công bố trên tạp chí Astronomy and Astrophysics vào ngày 4 tháng 6 năm 2020.
Nguồn: NTDVN – Theo Earthsky/Chanhkien