Các nhà khoa học ghi nhận 2 trường hợp FRBs lặp lại liên tục trong 5 năm gần đây, theo chu kỳ 16 ngày và 157 ngày.
Theo Forbes, một trong những bí ẩn của thiên văn học hiện đại vừa tìm được câu trả lời sau một nghiên cứu kéo dài 5 năm. Cụ thể, các nhà khoa học tìm được chu kỳ tín hiệu vô tuyến từ một thiên hà cách Trái Đất khoảng 3 tỷ năm ánh sáng.
Các sóng vô tuyến cực thấp xuất phát từ các “vụ nổ năng lượng” trong vũ trụ được gọi chung là vụ nổ radio nhanh (FRBs). Năm 2007, các nhà khoa học ghi nhận trường hợp FRB đầu tiên nhờ kính viễn vọng vô tuyến Parkes ở Australia.
Thông thường, có hàng nghìn FRB xuất hiện mỗi ngày và vĩnh viễn biến mất, nhưng các nhà khoa học phát hiện một điều thú vị là FRB 121102 và FRB 180916.J10158+56 lặp lại rất nhiều lần.
Năm 2014, FRB 121102 lần đầu tiên được phát hiện bởi kính viễn vọng vô tuyến Arecibo ở Puerto Rico. Đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận tín hiệu này xuất hiện liên tục 19 lần, theo một chu kỳ nhất định.
Chu kỳ xác định mỗi vụ nổ radio từ FRB 121102 kéo dài khoảng 90 ngày, sau đó là khoảng thời gian im lặng là 67 ngày. Chuỗi sự kiện tương tự lặp lại sau mỗi 157 ngày. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Royal Astronomical Society.
Kính viễn vọng vô tuyến dùng để thu các sóng radio cực thấp xuất phát từ các “vụ nổ năng lượng” trong vũ trụ được gọi chung là vụ nổ radio nhanh (FRBs). Ảnh: Kristi Mickaliger.”Thật thú vị khi tìm ra chu kỳ của FRB, nó sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về các vụ nổ trong vũ trụ hoặc nguồn gốc của các ngôi sao neutron”, Giáo sư Kaustubh Rajwade, người đứng đầu của dự án chia sẻ.
Tương tự như FRB 121102, FRB 180916.J10158+56 cũng diễn ra theo một chu kỳ, nhưng chỉ khoảng 16 ngày. Vụ nổ radio nhanh này được phát hiện bởi kính thiên văn CHIME tại Canada.
“Càng nghiên cứu thêm thì chúng ta nhận ra mình biết quá ít về nguồn gốc của vũ trụ, chắc chắn cần thêm rất nhiều quan sát để xác định được cách hình thành các vụ nổ này”, Duncan Lorimer, nhà nghiên cứu tại Đại học West Virginia nói.
Nguồn: Zing