Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra những tín hiệu bất thường đến từ trung tâm Dải Ngân Hà, có thể xuất phát từ siêu hố đen nằm tại trung tâm thiên hà của chúng ta.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters vào tháng 4, một nhóm các nhà thiên văn học Nhật Bản đã sử dụng dàn kính viễn vọng khổng lồ ALMA tại Chile để quan sát hố đen siêu lớn Sagittarius A* (Sgr A*) nằm tại trung tâm Dải Ngân Hà.
Trong quá trình quan sát, các nhà khoa học đã tiến hành ghi lại hình ảnh những ngôi sao di chuyển xung quanh Sgr A*, lập danh sách các vụ nổ bức xạ hồng ngoại của nó và nhận thấy những tín hiệu kỳ lạ xuất hiện tại hố đen này.
Đĩa bồi tụ được cho là nguồn gốc tạo ra các tín hiệu nhấp nháy của siêu hố đen. Ảnh: Đại học Keio.
Sagittarrius A*là một siêu hố đen có khối lượng nặng gấp bốn triệu lần so với Mặt Trời. Các hố đen về cơ bản là vô hình và ánh sáng không thể thoát khỏi lực hút của chúng. Nhóm thiên văn học tại trường Đại học Keio đã cố gắng theo dõi và sử dụng ALMA tập trung liên tục vào Sgr A* trong một tuần rưỡi, từ đó phát hiện ra các tín hiệu nhấp nháy như thể siêu hố đen này đang “nháy mắt” với họ.
“Nhờ có ALMA, chúng tôi đã thu thập được những dữ liệu chất lượng cao về biến thiên cường độ sóng vô tuyến của Sgr A* trong 10 ngày, 70 phút mỗi ngày”, Yuhei Iwata, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Keio và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết.
“Phát xạ này có thể liên quan đến một số hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở khu vực gần siêu hố đen”, Tomoharu Oka, đồng tác giả của nghiên cứu tiết lộ thêm.
Đội ngũ khoa học của Đại học Keio cho rằng tín các tín hiệu nhấp nháy này được tạo ra khi đĩa bồi tụ xung quanh lỗ đen bùng lên và phát ra các điểm vô tuyến quay cực nhanh, rất có thể sẽ hé lộ ra những kiến thức mới về sự hỗn loạn vùng cốt lõi trong thiên hà.
ALMA được cấu tạo từ quần thể 66 ăng-ten cho phép quan sát những hình ảnh của vũ trụ với ánh sáng milimet và dưới milimet. Ảnh: Astrobiology at NASA.
Những tín hiệu nhấp nháy được các nhà khoa học nghi ngờ có liên quan đến lớp rìa trong cùng của đĩa bồi tụ với khoảng cách rất gần với hố đen Sgr A*. Lớp rìa trong cùng này được tích tụ bởi khí và các mảnh vụn bên trong, quay quanh hố đen với tốc độ gần chạm đến tốc độ ánh sáng.
Trong suốt quá trình, các điểm nóng phát sinh phát ra ánh sáng milimet và dưới milimet. Sau đó tín hiệu nhấp nháy được khuếch đại lên khi các điểm nóng đang di chuyển về phía chúng ta trong không gian.
“Chuyển động càng nhanh thì càng khó để chụp ảnh đối tượng”, ông Tomoharu Oka kết luận.
Những đợt phát xạ này không hề mới, các nhà khoa học trước đây đã phát hiện ra nhiều đợt bùng phát thậm chí lớn và chậm hơn. Nhưng nhờ có kính thiên văn Atacama Large Millimet/Subillim Array (ALMA), giờ đây các nhà khoa học có thể phát hiện ra nhiều đợt phát xạ hơn bao giờ hết.
Nguồn: Zing