Theo tuyên bố của các nhà thiên văn học trên tạp chí vật lý thiên văn Astrophysical Journal phát hành hôm 27/2, đây là vụ nổ mãnh liệt nhất được ghi nhận trong lịch sử vũ trụ kể từ sự kiện Big Bang.
Theo CNN, vụ nổ bắt nguồn từ trung tâm cụm thiên hà Ophiuchus, cách xa Trái đất 390 triệu năm ánh sáng. Về cơ bản, cụm thiên hà là những cấu trúc lớn nhất từng được biết tới trong vũ trụ, vốn chứa hàng nghìn thiên hà liên kết lại với nhau dưới tác động của lực hấp dẫn. Vụ nổ xuất phát từ hố đen siêu lớn ở trung tâm của một thiên hà trong cụm Ophiuchus.
Ảnh chụp vụ nổ hố đen siêu lớn trong cụm thiên hà Ophiuchus. Ảnh: CNN.
Được biết, thông tin đầu tiên về vụ nổ khổng lồ này đã xuất hiện vào năm 2016. Kính thiên văn Chandra X-Ray đã chụp lại được hình ảnh “cạnh cong” bất thường tại cụm thiên hà này. Tuy nhiên, các nhà khoa học thời điểm đó đã loại trừ khả năng của một vụ nổ khối khí nóng lớn như vậy. Sau một thời gian so sánh các dữ liệu từ 4 đài quan sát, các nhà khoa học chính thức xác nhận “cạnh cong” thực sự là hệ quả của một vụ nổ khổng lồ, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó.
Theo tuyên bố của các nhà thiên văn học trên tạp chí vật lý thiên văn Astrophysical Journal phát hành hôm 27/2, đây là vụ nổ mãnh liệt nhất được ghi nhận trong lịch sử vũ trụ kể từ sự kiện Big Bang. Thậm chí, nguồn năng lượng tạo ra từ vụ nổ vừa được phát hiện này lớn gấp 5 lần MS 0735+74, vốn từng được biết đến là vụ nổ lớn nhất và dữ dội nhất trong vũ trụ. Sức mạnh này lớn đến mức, nó đã tạo ra khối cầu khí nóng có thể chứa 15 dải Ngân Hà.
“Nói một cách ví von, vụ nổ này tương tự như cách núi lửa St. Helens ở Mỹ phun trào năm 1980. Điểm khác biệt lớn nhất là trong vụ nổ này đến từ kích cỡ. Bạn có thể nhét 15 Dải Ngân hà vào 1 hàng bên trong “miệng núi lửa” của vụ phun trào này với đầy khí nóng bao quanh”, Simona Giacintucci, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân tại Washington DC cho biết.
Kính thiên văn Chandra X-Ray
Theo CNN, vụ nổ này được các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Washington (Mỹ) và Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu thiên văn vô tuyến tại miền Tây Australia phát hiện. Các nhà thiên văn học đã thực hiện quan sát này bằng cách sử dụng các kính thiên văn trên mặt đất và trong không gian, trong đó có Đài quan sát tia X Chandra của NASA, đài quan sát không gian tia X XMM- Newton của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, kính thiên văn Murchison Widefield Array của Australia và kính viễn vọng vô tuyến Giant Metrewave ở Ấn Độ.
Dữ liệu tia X kết hợp với dữ liệu bước sóng vô tuyến của hệ thống kính thiên văn trên mặt đất đã giúp các nhà thiên văn học xác nhận sự tồn tại của lỗ hổng vì nó nằm giáp với vùng chứa phát xạ vô tuyến. Những phát xạ này được tạo ra bởi electron di chuyển với tốc độ ánh sáng bên trong các tia năng lượng phóng ra từ hố đen.
Trái đất của chúng ta nhỏ bé như thế nào:
Tham khảo CNN / Science Alert
Nguồn: Trí Thức Trẻ