5 loài động vật kỳ lạ có khả năng phóng điện, mạnh nhất lên tới 1000 volt

Khá bất ngờ khi những loài động vật này có thể tự phóng ra điện dùng để tự vệ hay kiếm mồi và đặc biệt hơn là việc này không làm chúng bị thương sau mỗi lần phát điện. 

1. Cá chình điện

Cá chình điện hay còn gọi là lươn điện sống ở phía Bắc Nam Mỹ chủ yếu ở lưu vực sông Amazon và sông Orinoco Peru (Nam Mỹ), tại những nơi có ít khí oxy. Ai cũng biết cá chình điện nổi tiếng với khả năng phóng điện với cường độ cao và có thể tiêu diệt con mồi ngay tức khắc.

Cá chình điện. (Ảnh: code red)

Ở hai bên sống lưng của cá chình điện, có 2 “nhà máy điện”, mỗi “nhà máy” gồm 70 “cột điện” đấu song song, mỗi “cột” là một chồng gồm 6.000 tế bào phát điện đấu nối tiếp. Lúc gặp mồi hoặc kẻ thù, cá chình điện có thể phóng ra dòng điện với điện thế lên tới 900 V, mạnh có thể 1000 V và cường độ là 1 A, đủ để quật ngã và làm tê liệt đối thủ.

Ngoài ra, loài động vật lạ này còn sử dụng xung điện yếu hơn để xác định vị trí của con mồi, tương tự cách định vị tiếng vang của dơi và cá heo.

Cấu tạo cơ thể của cá chình điện. (Ảnh: Kenh14.vn)

Với cường độ và điện thế mạnh như vậy, cá chình điện có thể quật ngã bất cứ kẻ thù nào, kể cả cá sấu hay trăn hay thậm chí cả con người nếu đi nhầm vào nơi nhiễm điện do chúng tạo ra hoặc có hành động khiêu khích chúng. 

Tuy những trường hợp tử vong ở người do cơn sốc điện của cá chình điện là rất hiếm nhưng cũng không phải là không có. Nếu một ai đó dính phải những cú sốc điện này, họ có thể suy hô hấp, suy tim hay thậm chí bị chết đuối do bất tỉnh nhân sự. 

2. Cá đuối điện

Một số loài cá đuối trong tự nhiên ngoài việc có thể phát hiện các điện trường còn có thể tự phát ra điện thế để tìm kiếm thức ăn và đánh đuổi kẻ thù.

Cá đuối tạo ra những điện áp khác nhau phụ thuộc vào kích thước cơ thể của chúng, nếu nhỏ thì tạo ra khoảng 10V, còn nếu lớn hơn có thể là 220V. 

Cá đuối điện có khả năng tạo ra dòng điện khá lớn để kiếm ăn. (Ảnh: forumikan.net)

Tuy nhiên khi nghiên cứu cá đuối diện nhỏ, các chuyên gia nhận thấy rằng không phải lúc nào chúng cũng phóng điện làm con mồi bất tỉnh ngay cả khi có cơ hội. Chỉ khi gặp sự đe dọa từ kẻ thù, chúng mới thật sự phóng điện. Điều thú vị là  chúng không hề bị tổn thương nhờ một cơ thể hoàn toàn miễn nhiễm với điện.

3. Thú mỏ vịt

Thú mỏ vịt là một trong năm loài thú đơn huyệt còn tồn tại ( nghĩa là những loài động vật có vú duy nhất đẻ trứng thay cho đẻ con). Những đặc điểm khác biệt của loài này là đẻ trứng, mỏ vịt, đuôi hải ly, chân rái cá từng khiến các nhà tự nhiên học châu Âu khó hiểu khi họ lần đầu tiên gặp nó, một số coi đây là trò lừa bịp.

Thú mỏ vịt. (Ảnh: maliaria.blogspot.com)

Thú mỏ vịt bắt mồi vào ban đêm với mắt – tai – lỗ mũi đều đóng từng là bí ẩn làm đau đầu các nhà khoa học trong nhiều năm. Chỉ khi đi nghiên cứu sâu hơn, họ mới phát hiện ra điểm khác thường ở sinh vật kỳ lạ này là khả năng nhận biết các xung điện từ con mồi khi đi săn. 

Mỏ của thú mỏ vịt chứa gần 40.000 cảm biến điện giúp khoanh vùng con mồi, trong khi đó cơ thể chúng lại có khả năng cách điện để không bị ảnh hưởng từ các cảm biến điện.

Chiếc mỏ của thú mỏ vịt là một bộ phận cảm biến điện tuyệt vời . (Ảnh: LaPresse.ca)

Vì vậy, khi thú mỏ vịt dùng mũi đào xuống dưới cùng của dòng nước, bộ phận tích điện sẽ dò ra những dòng điện nhỏ xíu này, cho phép chúng tìm ra con mồi sống từ trong nước hoặc dưới lớp cát, mà cơ thể chúng lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng của dòng điện này.

4. Ong bắp cày phương Đông

Khác với các loài ong bắp cày khác thường tránh hoạt động trong thời điểm nóng nhất trong ngày, loài ong bắp cày phương Đông lại chọn thời điểm nóng nhất này để hoạt động để chuyển hóa ánh sáng Mặt trời thành điện năng.

Theo National Geographic; Marian Plotkin, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) đã cùng các cộng sự nghiên cứu cấu trúc xương bên ngoài của ong bắp cày phương Đông để hiểu cơ chế tạo ra điện của chúng. Họ phát hiện rằng những sắc tố trong sọc màu vàng trên cơ thể ong bắp cày có khả năng giữ ánh sáng Mặt Trời, còn sọc màu nâu có khả năng chuyển đổi ánh sáng thành điện năng. 

Ong bắp cày phương Đông. (Ảnh: Bestie)

Dù chưa chắc chắn mục đích mà ong bắp cày sử dụng điện làm gì nhưng theo các nhà nghiên cứu, điện có thể giúp loài côn trùng này tạo ra enzym hỗ trợ quá trình trao đổi chất, giúp chúng hoạt động thoải mái ngay cả ở nhiệt độ cao bằng cách chuyển đổi năng lượng nhiệt thành điện để cơ thể mát mẻ hơn. Ngoài ra điện cũng làm tăng các cơ bắp ở cánh của chúng. 

Một thí nghiệm cho thấy việc chiếu ánh sáng tia cực tím lên ong bắp cày bị gây mê sẽ làm cho chúng tỉnh dậy nhanh hơn và có thể ngay lập tức bay đi như thể chúng vừa được “sạc pin” vậy. 

5. Cá mũi voi 

Cá mũi voi có nguồn gốc từ các con sông của Tây Phi và Trung Phi, đặc biệt là lưu vực sông Niger, sông Ogun và thượng lưu sông Chari. Nó thích bùn, di chuyển chậm chạp trên các con sông bao gồm cả các nhánh sông ngập nước.

Đặc điểm nổi bật nhất của nó, như tên của nó là một chiếc vòi dài ở phần đầu với chức năng tự vệ, thông tin liên lạc, định vị, và tìm kiếm sâu và côn trùng để ăn.


Cá mũi voi. (Ảnh: aqvium.ru)

Do có thị lực kém nên cá mũi voi phải tìm kiếm thức ăn và điều hướng môi trường xung quanh bằng cách tạo ra một điện trường mà nó tạo ra bởi các cơn co thắt cơ bắp ở đuôi mà chúng không bị ảnh hưởng của dòng điên này. Sau đó, chiếc vòi dài sẽ cảm nhận mọi sự thay đổi xung quanh.

Cái vòi dài này nhạy cảm đến nỗi chúng có thể nhận biết những con rệp đã sống hoặc chết chôn sâu 2cm dưới đáy biển. Ngoài ra, cá mũi voi có thể sử dụng chiếc vòi dài để xác định khoảng cách, thân thể, hình dạng và kích thước của đối tượng. 

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *