“Lối xuyên không đến thời hiện đại” 2.300 tuổi dưới đền cổ Ai Cập

Đường hầm bí ẩn nằm sâu 20 m dưới lòng đất, dài 1.350 m và giấu mình bên dưới một ngôi đền cổ ở thành đô Taposiris Magna là bằng chứng về trình độ khoa học kỹ thuật “vượt thời gian” của người Ai Cập.

Nghe rất khó tin nhưng đường hầm bí ẩn chính là… đường ống chính của hệ thống cấp nước tiên tiến tại Taposiris Magna, được xây dựng và sử dụng vào khoảng năm 304 – 30 trước Công Nguyên, đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Đường hầm bí ẩn bên dưới Taposiris Magna – Ảnh: BỘ CỔ VẬT VÀ DU LỊCH AI CẬP

Tờ Live Science dẫn lời nhà khảo cổ học người Dominica Kathleen Martinez, trưởng nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học San Domingo đã phát hiện ra đường hầm: Đó là một đường dẫn nước khổng lồ cao 2 m, nằm sâu 13-20 m dưới lòng đất và bên dưới một ngôi đền tôn vinh thần Osiris và vợ là nữ thần Isis, hai vị thần được người Ai Cập cổ đại rất mực tôn sùng, nhất là tại Taposiris Magna.

Đường dẫn nước này là bản sao hoàn hảo của đường hầm Eupalinos ở Hy Lạp, cũng là một trong những thành tựu khoa học kỹ thuật quan trọng nhất của thời cổ đại.

Đường hầm này đã cấp nước cho khoảng 15.000-20.000 người dân sống tại thành phố cổ vào thời điểm đó.

Tàn tích ngôi đền cổ bên trên đường hầm – Ảnh: BỘ CỔ VẬT VÀ DU LỊCH AI CẬP

Theo Heritage Daily, một phần của đường hầm bị chìm dưới nước nhưng các nhà khảo cổ đã tìm ra nhiều hiện vật quý giá bị chôn vùi trong bùn trầm tích, bao gồm một số bình gốm và đồ gốm khác, cùng một khối đá vôi hình chữ nhật bí hiểm.


Các cuộc khai quật trước đây tại địa điểm này đã để lộ những ngôi mộ 2.000 năm tuổi chứa đồ tùy táng từ thời Hy Lạp và La Mã chiếm đóng, với những xác ướp có lưỡi bằng vàng, tượng bán thân của Cleopatra và 22 đồng xu mang hình ảnh của bà, bùa hộ mệnh bằng vàng và một bức tượng khổng lồ không đầu bằng đá granite.

Thành phố cổ Taposiris Magna được thành lập vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên bởi Pharaoh Ptolemy II Philadelphus, bao gồm một quần thể đền thờ lớn và “lăng mộ vĩ đại của thần Osiris” mà các nhà khoa học suy đoán rằng rất có thể ẩn giấu nơi an nghỉ của Nữ hoàng Cleopatra.

Nguồn: NLD

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *