Charles Fort: Người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng dị thường

Charles Hoy Fort (1874–1932) là “một nhà báo tự học, một nhà văn viết truyện ngắn không quá thành công, một tiểu thuyết gia và nhà sáng chế bất thành, và một triết gia thiên bẩm lập dị”, theo miêu tả của Terry Harpold, một giáo sư tiếng Anh tại trường Đại học Florida.

Ảnh chụp Charles Fort vào năm 1920. (Ảnh: Internet) Mục từ “Anomaly (dị thường)” trong từ điển. (Ảnh: Goglik83/iStock)

Ông Fort được một số người nhìn nhận như một người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng dị thường (anomalistic study), đặc biệt bởi những người tôn sùng ông, khi tự gọi bản thân họ là “Forteans”: Đây là một thuật ngữ được nhà nhân chủng học Roger W.Wescott đưa ra vào năm 1973, và được sử dụng để miêu tả “lĩnh vực nghiên cứu liên ngành các hiện tượng dị thường dưới góc nhìn khoa học” hay “những hiện tượng phi thường dường như không thể được giải thích bằng lý thuyết khoa học được chấp nhận rộng rãi hiện nay”.

Ông đã bị cuốn hút vào những hiện tượng dị thường như vậy, nên đã dành phần lớn cuộc đời thu thập các ghi chép về những hiện tượng đó.

Thời thơ ấu không mấy đầm ấm của Charles Fort
Charles Fort sinh ngày 6/8/1874, tại thành phố Albany, bang New York, Mỹ. Cha mẹ ông là những người nhập cư từ Hà Lan và đã trở nên tương đối khá giả tại Mỹ. Gia đình ông sở hữu một doanh nghiệp bán buôn hàng tạp hóa ở Albany.

Tuy khá giả nhưng ông đã có một tuổi thơ không mấy đầm ấm, vì cha ông là một người bạo hành. Một số người tin rằng chính từ những trải nghiệm này, ông đã trở nên hoài nghi và ngờ vực vào quyền lực hoặc giáo lý.

Năm 1892, khi được 18 tuổi, chàng trai trẻ Charles Fort đã chạy thoát khỏi lối sống độc đoán của cha mình bằng cách rời khỏi nhà. Ông bắt đầu làm việc như một nhà báo cho tờ một tờ báo ở New York và dần dần trở thành một biên tập viên cho tờ Long Island.

Tuy nhiên, vào năm 1893, ông bỏ việc để bắt đầu du lịch quá giang vòng quanh thế giới. Cuộc hành trình của ông đã bị cắt ngắn khi ông nhiễm sốt rét tại Nam Phi.

Sau đó, ông trở về New York, và kết hôn với Anna Filling. Một số nguồn tin cho rằng Anna “là một người nhập cư từ Ireland ông quen biết ở Albany” trong khi nguồn tin khác cho rằng cô này là “một người giúp việc người Anh trong nhà cha ông”.

Các tác phẩm của Charles Fort
Trong vài năm tiếp theo, hai vợ chồng ông sinh sống tại quận Bronx, thành phố New York. Trong quãng thời gian này, cặp vợ chồng sống trong túng thiếu, và ông đã phải kiếm ăn bằng cách viết chuyện cho các tờ báo và tạp chí. Rốt cục ông đã từ bỏ ý định viết truyện viễn tưởng.

Năm 1906, ông bắt đầu thu thập những câu chuyện dị thường.

Tuy nhiên, đây không phải là mục đích lúc ban đầu của ông. Thay vào đó, trong quá trình  nghiên cứu tại Thư viện công cộng New York, ông đã đọc được một lượng lớn tư liệu bao quát nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm khoa học, nghệ thuật, triết học và kinh tế. Chính tại đây ông đã tìm được các báo cáo về những hiện tượng dị thường, và bắt đầu thu thập chúng bằng cách ghi chép những hiện tượng này lên các mẩu giấy nhỏ.

“Năm 1906, ông bắt đầu thu thập những câu chuyện dị thường. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích lúc ban đầu của ông.”
Năm 1915, được sự khích lệ của Theodore Dreiser (một biên tập viên tạp chí ông đã gặp gỡ và kết bạn vào năm 1905), ông đã biên soạn lại các báo cáo về những hiện tượng dị thường ông thu thập được thành một cuốn sách. Trong năm tiếp theo, ông đã nhận được một khoản thừa kế khiêm tốn từ một người cậu, từ đó cho phép ông tập trung vào việc viết lách.

Chính vì vậy, vào năm 1919, cuốn sách “The book of the Damned” (Tạm dịch: cuốn sách về những người bị nguyền rủa) ra đời.




Ông Theodore Dreiser, người đã khuyến khích ông Fort biên soạn lại các tư liệu về những hiện tượng dị thường ông thu thập được thành một cuốn sách. Ảnh chụp bởi Carl Van Vechten (Ảnh: Public Domain)

Cuốn sách về những người bị nguyền rủa
Một đoàn những người bị nguyền rủa.

Khi nói về những người bị nguyền rủa, ý tôi là những người bị loại trừ.




Chúng ta sẽ có một loạt các dữ kiện mà Khoa học đã loại bỏ.

– Lời mở đầu Cuốn sách về những người bị nguyền rủa.

Cuốn sách về những người bị nguyền rủa là tác phẩm phi viễn tưởng đầu tiên được xuất bản của Charles Fort (ấn bản đầu tiên vào năm 1919). Với nội dung đề cập đến rất nhiều các loại hiện tượng dị thường, bao gồm UFOs; những cơn mưa vật thể vô cơ và hữu cơ từ trên trời đổ xuống (cá, ếch nhái và một số loại vật thể không xác định); một số mô thức thời tiết bất thường; sự tồn tại tiềm năng của những chủng sinh vật dường như chỉ có trong truyền thuyết; những vụ người mất tích bí ẩn trong các hoàn cảnh kỳ lạ; hiện tượng poltergeist (đồ đạc tự động thay đổi vị trí do tác động của linh hồn hoặc tinh linh), cùng rất nhiều các hiện tượng khác, Sách của những người bị nguyền rủa từng được nhìn nhận là cuốn sách đầu tiên được viết chủ định xoay quanh chủ đề các hiện tượng dị thường.

Một trong số những trường hợp dị thường điển hình được miêu tả trong cuốn sách là về con tàu ma Mary Celeste. Ngày 4/12/1872, người ta phát hiện thấy con tàu Mary Celeste đang trôi dạt lênh đênh trên vùng biển dậy sóng của Đại Tây Dương. Con tàu lúc được phát hiện vẫn còn trong tình trạng cực tốt với đầy đủ thực phẩm và nước ngọt, nhưng khi được neo vào bờ lại không tìm thấy bóng dáng bất kỳ ai – toàn bộ thủy thủ đoàn đã biến mất không còn dấu tích. Đây là một bí ẩn đã tồn tại trong hơn 135 năm qua.




Tranh vẽ con tàu Mary Celeste vào năm 1861. (Ảnh: Wikipedia)

Dấu chân của Quỷ (Devil’s Footprint) là một trường hợp dị thường khác được ghi chép trong cuốn sách. Ngày 9/2/1855, tại hạt Devon, Anh, người dân địa phương đã rất bối rối khi phát hiện thấy các dấu chân kỳ lạ trên tuyết—dấu chân khác với bất kể loài động vật nào họ từng nhìn thấy trước đây. Khi các nhóm dân cư từ nhiều thôn làng trải khắp trong phạm vi từ 40 đến 100 dặm lần theo các dấu chân này, sự hiếu kỳ ban đầu đã nhanh chóng chuyển thành sự kinh hãi.

Các dấu chân dài 10-13 cm với hình dạng móng guốc chẻ đôi đã xuất hiện dọc theo các bức tường, ngang qua mái nhà, từ một bên mặt này sang mặt bên kia không thể lý giải được. Các dấu chân dường như chỉ chạm rất nhẹ trên mặt tuyết, như thể chúng bị nóng và khô trên cả quãng đường đi qua. Tại nhiều nơi, các dấu chân dường như biến mất, và chỉ xuất hiện sau đó một quãng, như thể sinh vật tạo ra chúng đã bay qua một quãng ngắn. Các dấu chân theo hàng một cho thấy đây là một loài sinh vật có hai chân.

Ở một số thôn làng, dường như sinh vật tạo ra những dấu chân này đã ghé thăm từng ngôi nhà.

Đây có phải là động vật, hay là một trường hợp rối loạn phân ly tập thể, hoặc là trò quỷ của một kẻ oái ăm nào đó? Hay đây chính là do ma quỷ như rất nhiều người tin? Không ai biết chắc điều này.




Những “dấu chân của quỷ” xuất hiện sau một trận tuyết rơi nhẹ vào năm 1855. Các dấu chân này kéo dài từ thị trấn Exmouth cho đến tận vùng ngoại ô Topsham, hạt Devon, Anh. (Ảnh: Corbis)

Sự thành lập Hội Fortean
Tuy những “Fortean” (thuật ngữ chỉ những người sùng bái Charles Fort) nhìn nhận ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng dị thường, nhưng số khác lại không đồng tình với quan điểm này. Lấy ví dụ, cuốn “Từ điển của người hoài nghi” (Skeptic’s Dictionary) đã miêu tả ông Charles Fort như một người “chống chủ nghĩa giáo điều chuyên đi thu thập các câu chuyện lạ thường và kỳ dị”.




Có tuyên bố cho rằng mục đích chủ yếu của ông [khi thu thập những câu chuyện này] là để giễu cợt và chế nhạo các nhà khoa học bằng những câu chuyện mà khoa học chưa thể giải thích. Các nhà khoa học là những người nằm trong danh sách những nhân vật có quyền lực và tầm ảnh hưởng mà ông hoài nghi.

Ông qua đời ở tuổi 57, vào ngày 3/5/1932, tại quận Bronx, New York, Mỹ. Một năm trước khi mất, Hội Fortean (Hội những người sùng bái Charles Fort) đã được một người bạn của ông, Tiffany Thayer, đứng ra thành lập. Tuy nhiên ông Fort, một người hoài nghi đối với ngay cả chính tầm ảnh hưởng của mình, đã từ chối gia nhập Hội này.

“Ông Fort đã từ chối gia nhập Hội Fortean”.
Tuy một số người nhấn mạnh vào thái độ chống đối khoa học của Charles Fort, số khác lại coi ông như một người anh hùng và một nhân vật truyền cảm hứng, người đã viết ra những tư liệu về các hiện tượng dị thường mà đã có sức ảnh hưởng sâu rộng đến cách thức tiếp cận chủ đề này của chúng ta.


Ngày nay, Hội Fortean có thể được tìm thấy ở những vùng khác nhau trên thế giới, tuy nhiên Charles Fort cũng đã truyền cảm hứng cho các ấn phẩm báo chí, điển hình như một tạp chí lấy tên theo ông – Fortean Times, và một chương trình truyền hình ngắn về hiện tượng siêu thường của Anh với tên gọi Fortean TV.

Trang bìa một ấn phẩm tạp chí Fortean Times. (Ảnh: Internet)

Ảnh chụp một bài viết điển hình trên tạp chí Fortean Times. (Ảnh: Internet)

Cả tạp chí và chương trình truyền hình này đều tập trung vào những hiện tượng dị thường có lẽ sẽ rất cuốn hút Charles Fort.

Nguồn: DKN – Tác giả: Dhwty, Ancient Origin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *