Mục tiêu của Elon Musk là biến việc cấy ghép AI vào não an toàn và phổ biến như phẫu thuật mắt bằng laser vậy. Nhưng liệu điều đó có thực sự là ý tưởng hay? Tháng trước, công ty công nghệ thần kinh Neuralink của Elon Musk tiết lộ rằng họ dự định phát triển công nghệ đọc não trong vài năm tới. Một trong những mục tiêu của công ty này là có thể cấy ghép những thiết bị microchip vào bộ não của những người khuyết tật, cho phép họ điều khiển được smartphone và máy tính.
Dù công nghệ nghe có vẻ như bước ra từ phim Black Mirror này có thể nắm giữ những sức mạnh với tiềm năng thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những người khuyết tật, nhưng theo nhà tâm lý học nhận thức Susan Schneider thì đó lại không phải là một ý tưởng tuyệt vời như chúng ta vẫn nghĩ.
Musk – người đồng thời là CEO của cả Tesla và SpaceX – kỳ vọng có thể biến việc cấy ghép AI vào não người trở nên an toàn và phổ biến như phẫu thuật mắt bằng tia laser vậy. Nhưng nó sẽ hoạt động ra sao? Musk cho biết con chip cấy ghép này sẽ ghi lại thông tin phát ra bởi các nơ-ron trong não chúng ta.
Những vi xử lý bé xíu kia sẽ kết nối với bộ não thông qua những “con đường” với độ mỏng nhỏ hơn sợi tóc con người nhiều lần (khoảng 4 – 6 micromet bề ngang). Những cảm biến bên trong chúng sẽ lấp đầy bề mặt hộp sọ của bạn và sau đó chuyển tiếp thông tin đến một chiếc máy tính tí hon mà bạn đeo bên tai, gọi là “The Link”. Sau khi hoàn tất quá trình lắp đặt, não của bạn có thể kết nối đến iPhone thông qua một ứng dụng đi kèm – quả là một tương lai đầy hứa hẹn nhưng cũng thật đáng sợ.
Trong một buổi nói chuyện với tờ Financial Times, Schneider nói rằng dự án của Musk có thể được ví như “sự tự sát đối với trí óc con người”. Dù Schneider cho biết trí thông minh của não bộ chúng ta có thể kết hợp với con chip, “sẽ đến một thời điểm bạn tự kết thúc cuộc đời mình…”, và Schneider gọi đó là tình trạng “não bộ bị vắt kiệt”.
Theo Schneider, những nâng cấp mà AI mang lại có thể được sử dụng để bổ trợ cho các hoạt động thần kinh, nhưng nếu chúng phát triển đến mức thay thế những mô thần kinh đang hoạt động bình thường, thì đến một lúc nào đó, chúng sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc sống của bạn.
Elon Musk miêu tả về Neuralink
“Mối lo ngại (não người) hợp nhất với AI, dưới góc nhìn thực tế hơn so với những gì Musk hình dung, là bộ não con người sẽ dần trì trệ hoặc bị tiêu diệt hoàn toàn. Hơn nữa, cái tôi của bản thân có thể phụ thuộc vào bộ não và nếu sự tồn tại của cái tôi theo thời gian đòi hỏi phải có một sự liên tục nào đó trong cuộc sống của chúng ta – một sự liên tục của trí nhớ và đặc điểm tính cách – những thay đổi triệt để có thể phá vỡ sự liên tục cần thiết” – Schneider nói.
“Còn có vấn đề liên quan triết học nữa: bản chất của cái tôi hay tâm trí là gì? Nếu tâm trí chỉ là bộ não, thì hợp nhất hoàn toàn với AI sẽ không thu được gì cả. Tôi cho rằng những người ủng hộ hợp nhất tâm trí – máy móc nghĩ rằng cái tôi của chúng ta chỉ như một chương trình phần mềm mà thôi”.
Dù Schneider hoài nghi về kế hoạch biến con người thành những cyborg của Musk, bà nói thêm rằng thay thế những phần của bộ não bằng một vài con chip “sẽ không gây tác động tàn khốc lắm”. Tuy nhiên, theo quan sát của nhà triết học Derek Parfit, vẫn chưa rõ thay thế bao nhiêu là đủ? “Liệu chúng ta sẽ thay thế được 15% hệ thần kinh? Hay 75%? Lựa chọn nào cũng có vẻ tự tiện cả” – Schneider nói.
Musk không phải là người duy nhất muốn mang lại những cải tổ triệt để cho bộ não của con người trong tương lai. Ray Kurzweil, nhà tương lai học và là Giám đốc kỹ thuật tại Google, cho biết ông kỳ vọng chúng ta sẽ có thể sao lưu bộ não lên đám mây vào năm 2045 – và đó là điều sẽ biến chúng ta trở nên bất tử.
Nhưng Schneider chỉ ra rằng chúng ta không nên đặt trọn niềm tin vào việc hợp nhất con người với AI. Thay vào đó, cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa xoay quanh những khả năng và hậu quả mà công nghệ hợp nhất này mang lại với chúng ta.
Tham khảo: TheNextWeb
Nguồn: Trithuctre