Ngay cả trong thời hiện đại, những người sắp trải qua ca phẫu thuật mổ não đều cảm thấy lo sợ – với một lý do chính đáng. Sọ não là một trong những khu vực nhạy cảm nhất của cơ thể người, và não bộ là một báu vật được các bác sĩ phẫu thuật rất coi trọng.
Bức tranh “Nhà phẫu thuật” vào năm 1555, của tác giả Jan Sanders van Hemessen, miêu tả một ca phẫu thuật khoan sọ. (Ảnh: Wikipedia)
Theo bản năng, mọi người đều hiểu rằng nếu não bộ vô tình phải hứng chịu một tổn thương dù chỉ nhỏ nhất, thì hậu quả sẽ là khôn lường.
Nhưng, thật đáng ngạc nhiên khi biết được rằng điều được xem như một kỳ tích táo bạo nhất của nền y học hiện đại lại là một kỹ thuật đã có lịch sử vô cùng xa xưa. Kỹ thuật khoan sọ—việc khắc hoặc khoan một lỗ trên sọ não—là điều con người đã thực hành trên khắp thế giới trong hàng nghìn năm qua. Những sọ não bị khoan đã được tìm thấy ở nhiều khu vực khác nhau trên Trái Đất, bao gồm cả trong những tàn tích ở “Thế giới mới” (New World – chỉ Châu Mỹ) của những nền văn hóa thời tiền Cô-lôm-bô, bắt đầu với một mẫu vật của người Peru được phát hiện vào năm 1863.
Một số ví dụ khác có niên đại từ Thời kỳ đồ đá mới (Neolithic), ví như hộp sọ 5000 năm tuổi với hai lỗ khoan được tìm thấy ở Pháp. Sự hồi phục sọ não là bằng chứng rõ ràng cho thấy cá nhân đó đã sống rất nhiều năm sau khi trải qua cuộc phẫu thuật công phu này.
Lùi xa hơn nữa về lịch sử, thêm nhiều bằng chứng về kỹ thuật khoan sọ đã được phát hiện từ Thời kỳ đồ đá giữa (Mesolithic), trong giai đoạn từ 10.000 đến 5.000 năm trước đây. Hộp sọ lâu đời nhất bị khoan xương từng được phát hiện cho đến nay đã được khai quật ở Ukraine vào năm 1966, với niên đại trong khoảng từ 8.020 đến 7.620 năm—thời đại mà hầu hết các nhà khảo cổ học tin rằng con người mới chỉ bước ra khỏi giai đoạn cư trú trong các hang động.
Ảnh minh họa kỹ thuật khoan sọ thời cổ đại. (Ảnh: Danielle Kurin)
Không chỉ là y học
Những quy trình phẫu thuật tinh vi như vậy đã cho thấy một trình độ y học tiên tiến, dù rằng một số nhà nhân chủng lại cho đây là các nghi thức bí ẩn dựa trên số lượng những hộp sọ bị khoan xương được tìm thấy tại một số địa điểm nhất định. Ở Baumes-Chaudes, Pháp, trong tổng số 350 hộp sọ được giám định, có đến 60 hộp sọ đã xuất hiện dấu hiệu bị khoan xương.
Với một tỷ lệ lớn lạ thường các hộp sọ bị khoan xương như vậy, một số người cho rằng “đặc quyền” này chỉ được dành cho một nhóm người đặc biệt. Lấy ví dụ, các vị vua Pha-ra-ông của Ai Cập cổ đại sẽ được khoan sọ vào một thời điểm nhất định trong cuộc đời, vì có tuyên bố cho rằng điều này sẽ giúp linh hồn của họ dễ dàng “thoát xác” hơn sau khi mất.
Ngày nay, các bác sĩ y khoa đã phải dùng đến phương pháp tinh vi này chỉ để làm giảm áp lực cho hộp sọ và dẫn lưu máu tụ của bệnh nhân trong trường hợp xuất huyết não, nhưng vẫn phải thận trọng để không thương tổn tới bộ phận xương bảo vệ của não bộ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng người xưa còn có lý do khác ngoài lý do y học.
Một số cá nhân tuyên bố rằng tổ tiên của chúng ta đã từng sử dụng thuật khoan xương để điều trị các chứng bệnh về tâm lý – hi vọng giải thoát bộ não bị rối loạn khỏi sự giày vò khi bị ma ám. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu khác lại cho rằng thủ pháp mở não thời cổ đại là để đem lại những trải nghiệm tâm linh xuất thần. Một niềm tin như vậy vẫn còn tồn tại ngay cả trong thời hiện đại. Năm 1962, một người Hà Lan tên Bart Hughes đã công bố cuốn sách “Cơ chế thể tích máu não (The Mechanism of Brainblood volume)”, trong đó ông giả định rằng việc khoan một lỗ trên sọ não người sẽ giúp thể tích máu não sẽ tăng lên.
Sau khi làm như vậy, ông Hughes tin rằng những cá nhân được tiến hành khoan sọ có thể gia tăng sự tỉnh thức, kèm theo một khả năng nhận thức cao hơn, gần giống với một đứa trẻ sơ sinh vẫn còn ‘chỗ thóp’ trên đầu. Bằng cách ‘trồng cây chuối’ hoặc ăn những thực phẩm và thảo mộc giúp gia tăng lưu lượng máu lên não, cũng có thể tạm thời đạt được một trạng thái tương tự .
Tuy nhiên, ông Hughes quan tâm tới một trạng thái lâu dài hơn so so với phương pháp đơn thuần sử dụng thảo mộc, nên ông đã tiến hành phẫu thuật khoan sọ chính mình vào năm 1965. Một vài người đã theo bước ông Hughes; đáng chú ý nhất là nghệ sĩ Amanda Feilding, người đã ghi lại quá trình chịu đựng dữ dội của bà trong bộ phim tài liệu Heartbeat in the Brain (Tạm dịch: Nhịp tim trong bộ não).
Các dụng cụ khoan sọ
Trong một số biện pháp y học cổ đại, nếu bệnh nhân bị đau đầu do khối u, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ để gõ vào các vị trí khác nhau trên đầu. Khi cá nhân đó kêu lên vì đau đớn, bác sĩ có thể chắc chắn rằng đã tìm được khối u. Sau đó, ca phẫu thuật sẽ được tiến hành với bệnh nhân, chỉ viện đến một số kỹ thuật gây mê nguyên thủy. Các chuyên gia sẽ cắt lớp da đầu và sau đó đập vỡ lớp xương bằng một dụng cụ thô sơ, thật cẩn thận để không làm tổn thương đến bộ não. Làm thế nào họ cắt và loại bỏ những mảnh xương vỡ vẫn còn là một điều bí ẩn, vì hộp sọ không phải là một bộ phận có thể dễ dàng chọc xuyên qua. Một khi ca phẫu thuật được hoàn thành (có thể dưới những điều kiện khử trùng vô cùng tồi tệ), các mô mềm sẽ được khâu kín lại với nhau. Vì vào thời đó không có các bộ phận cơ thể giả (tay, chân, răng,…) như ngày nay, nên các mảnh hộp sọ bị vỡ không thể được gắn trở lại. Rốt cuộc, da non sẽ mọc phủ trùm lên lỗ khoan đó.
Người Inca cổ đại có một lưỡi dao phẫu thuật đặc biệt gọi là ‘tumi’. Biểu tượng nổi tiếng này đã được Viện Phẫu thuật Peru sử dụng, được xem như một phần không thể thiếu trong văn hóa Inca cổ đại, và đã được sử dụng rộng rãi để thúc đẩy ngành du lịch ở Peru. Lưỡi dao bí ấn có chạm khắc một người đàn ông đội một chiếc mũ trùm đầu, đứng trên đỉnh một vật trông giống lưỡi dao hình cái xẻng. Hiện vật thiêng liêng này có một lịch sử thậm chí còn trước cả nền văn minh Inca. Năm 2006, 12 con dao Tumi đã được phát hiện ở khu mộ người Peru cổ đại thời tiền Inca.
Lưỡi dao Tumi của người Inca cổ đại. (Ảnh: Wikimedia)
Hippocrates, ông tổ ngành y học Tây phương, đã đề xuất biện pháp khoan sọ để chữa trị những vết thương ở khu vực đầu, và những người Hy Lạp cổ đại đã có một vài dụng cụ để tiến hành loại hình phẫu thuật trên. Một ví dụ là ốc tháp (terebra) hình chữ t, với cách sử dụng khá tương tự như một mũi khoan nguyên thủy.
Ốc tháp terebra. (Ảnh: Wikipedia)
Người Ai Cập cổ đại có thể cảm thấy tự hào với một loạt các dụng cụ y tế tương đối tiên tiến của mình, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã từng thực hiện một số ca phẫu thuật khoan sọ chỉ với búa và đục. Một điều thú vị đáng chú ý trong quy trình phẫu thuật của người Ai Cập cổ đại là sự xuất hiện của một “người cầm máu”. Những bậc thầy y học cổ đại này được cho là sở hữu sức mạnh ngăn chặn tình trạng xuất huyết não chỉ nhờ vào sự hiện diện của họ trong căn phòng phẫu thuật.
Kỹ thuật khoan sọ đã phát triển được trên 10.000 năm, và dần dần hình thành nên một quy trình phẫu thuật y học tiêu chuẩn hiện đại, nhưng phần lớn giới y học đều đã nghiêm túc cảnh báo việc đeo đuổi một cách không cần thiết biện pháp khoan sọ, do khả năng phát triển một số hệ quả chết người kèm theo. Những người ủng hộ biện pháp khoan sọ vẫn tuyên bố rằng bệnh nhân có thể đạt tới một trạng thái phấn chấn thông qua việc khoan sọ, nhưng nhiều chuyên gia y tế lại cho rằng những lợi ích nêu trên sẽ khó có khả năng xảy ra và không tương xứng với nguy cơ tiềm tàng.
Vậy kỹ thuật khoan sọ xuất hiện như thế nào và ai là những nhà phẫu thuật đầu tiên? Phải chăng những người cổ đại chỉ đơn thuần tìm cách xoa dịu những cơn đau đầu trầm trọng, hay phải chăng một loạt những hiện vật đáng kể được tìm thấy khắp nơi trên thế giới đã cho thấy tổ tiên của chúng ta còn có những động cơ khác khi thúc đẩy việc tiến hành một hình thức phẫu thuật ẩn chứa đầy nguy cơ như vậy?
Nguồn: DKN – Theo Secretchina
- 4 nền văn minh ngoài hành tinh có thể đe dọa Trái đất đang ẩn náu trong Dải Ngân hà?
- Tái sinh động vật chết: Những thử nghiệm kinh hoàng của Liên Xô cũ
- 8 bí ẩn lớn nhất về vũ trụ vẫn chưa có lời giải đáp