Tìm hài cốt Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc đầu tư máy khủng: Không đào bới, quá hoành tráng!

Các nhà khảo cổ học Trung Quốc sẽ sử dụng cỗ máy đặc biệt giúp xác định chính xác hầm mộ đặt hài cốt và kho báu trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng.

Tần Thuỷ Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng là một trong số ít đó. Từ lâu, cuộc đời và lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng đã là một chủ đề hấp dẫn với các chuyên gia nghiên cứu và các nhà khoa học trên thế giới.

Theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên, lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng được xây dựng bởi hàng trăm nghìn người trong gần 40 năm mới hoàn thành vào khoảng năm 208 TCN.

Tổng diện tích của lăng mộ ước tính gấp hơn 70 lần Tử Cẩm Thành. Lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc cũng được coi là lăng mộ hoàng gia lớn nhất từng được xây dựng cho một cá nhân trên thế giới.

Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), tên thật là Doanh Chính, là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời chính là vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu vào năm 221 TCN. Không chỉ tạo ra nhiều công trình khổng lồ, Tần Thuỷ Hoàng còn được biết đến là vị hoàng đế đam mê quyền lực vĩnh cửu.

Mặc dù những công trình ở bề mặt của lăng mộ không còn trụ vững sau hơn 2.000 năm, nhưng các cấu trúc dưới lòng đất hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Một số nhà khảo cổ học cho rằng, sau khi kiểm tra toàn bộ khu vực một cách cẩn thận, họ không phát hiện ra lỗ hổng nào cho thấy những kẻ trộm mộ từng đột nhập vào lăng mộ. Điều này có nghĩa là hầm mộ trung tâm nơi đặt quan tài của Tần Thuỷ Hoàng và những kho báu quý giá nhất vẫn chưa bị xáo trộn.

Cỗ máy có thể xâm nhập địa cung của lăng mộ
Nghiên cứu này do chính phủ Trung Quốc cấp kinh phí đầu tư nhằm đánh giá về tính khả thi của dự án cho thấy, cần ít nhất hai cỗ máy dò tia vũ trụ. Chúng sẽ được đặt ở các vị trí khác nhau, dưới bề mặt lăng mộ gần 100 m. Thiết bị này có kích cỡ lớn bằng chiếc máy giặt và có thể phát hiện ra hạt hạ nguyên tử có nguồn gốc vũ trụ xuyên qua mặt đất.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Acta Physica Sinica của Hiệp hội Vật lý Trung Quốc ngày 13/12, Giáo sư Liu Yuanyuan và các cộng sự tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết, dữ liệu từ nghiên cứu này sẽ cho phép các nhà khoa học xác định được cấu trúc ẩn mà các phương pháp khác không thể quan sát với độ chi tiết cao.

Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng.




Trước đó, trong những năm 70 của thế kỷ 20, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 8.000 chiến binh đất nung, đội quân hùng hậu được cho là để bảo vệ hoàng đế ở thế giới bên kia. Hàng nghìn chiến binh đất nung này được chôn ở hố đất cách xa trung tâm của lăng mộ.

Từ đó, sau nhiều thập kỷ điều tra, các nhà khảo cổ cũng đã xác nhận về sự tồn tại của một cung điện dưới lòng đất cao hơn 30m. Các chuyên gia còn phát hiện bằng chứng phù hợp với những mô tả của sử gia Tư Mã Thiên, đặc biệt là những dòng nước chứa đầy thuỷ ngân nhằm mô phỏng cho những con sông lớn ở Trung Quốc và biển.

Tuy nhiên, cấu trúc chi tiết của cung điện, cũng như vị trí chính xác của hầm mộ trung tâm, nơi đặt hài cốt của hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng vẫn còn là điều bí ẩn. Ngoài ra, những mô tả khác của Tư Mã Thiên trong “Sử ký”, như các cạm bẫy trang bị cung tên được cài đặt để bắn vào bất cứ ai dám tiến vào lăng mộ, vẫn chưa được xác nhận.

Bí mật địa cung của lăng mộ sẽ được hé mở?
Tia vũ trụ không phải là một khái niệm mới. Theo các nhà khoa học, sử dụng tia vũ trụ trong khảo cổ học có thể bắt nguồn từ những năm 1960.

Mặt khác, các nhà vật lý thiên văn cũng phát hiện ra rằng, các tia vũ trụ có thể va chạm với phân tử ở trong không khí và tạo ra hạt gọi là muon. Loại hạt này có khả năng đâm xuyên qua hầu hết mọi vật thể. Đặc biệt, hạt muon có khả năng dễ bị hấp thụ hơn khi xuyên qua các vật liệu dày đặc.

Theo đó, bằng cách so sánh số lượng hạt muon mà cỗ máy dò nhận được từ các góc độ khác nhau, các nhà khảo cổ học có thể tìm ra các cấu trúc rỗng, chẳng hạn như hầm mộ ẩn hoặc lối đi bí mật trong toà nhà.

Tuy nhiên, ý tưởng này phần lớn vẫn mang tính giả thuyết, bởi hạt muon không dễ tìm. Trên thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học phải dựa vào các thiết bị cồng kềnh, thậm chí có kích thước bằng cả một căn phòng. Do đó, việc ứng dụng vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn.




Các tia vũ trụ có thể va chạm với phân tử ở trong không khí và tạo ra hạt gọi là muon.

Trong những năm gần đây, do có những thành tựu trong lĩnh vực vật lý hạt, kích thước của cỗ máy dò tia vũ trụ đã được thu nhỏ đáng kể. Theo đó, năm 2017, một nhóm chuyên gia khảo cổ ở Ai Cập đã sử dụng một thiết bị dò đi động để tìm thấy hầm mộ dài 30 m ở bên trong kim tự tháp 4.500 năm tuổi.

Thiết bị dò đi động giúp tìm thấy hầm mộ dài 30 m ở bên trong kim tự tháp 4.500 năm tuổi.

Giáo sư Liu Yuanyuan và các cộng sự đưa ra nhận định trong một bài báo nghiên cứu rằng, Trung Quốc có một số lượng lớn các di tích văn hoá cần được tiến hành nghiên cứu cấp thiết. Hạt muon có thể là một bổ sung quan trọng cho những phương pháp địa vật lý truyền thống.

Ông Yang Dikun, trợ lý giáo sự địa vật lý và các cộng sự tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam ở Thâm Quyến (Trung Quốc), nhận định rằng dự án này khả thi. Theo ông Yang Dikun: “Máy dò muon mà chúng tôi chế tạo và sử dụng trong công tác điều tra thực địa hiện nay đã trở nên rất nhỏ gọn và có thể mang theo bên người”.

Tuy nhiên, phương pháp sử dụng tia vũ trụ cũng có không ít thách thức. Theo ông Yang, các thiết bị dò tìm phải được lắp đặt ở độ sâu thích hợp mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc những đồ tạo tác ở bên trên.

Không giống như những phương pháp phát hiện khác có thể cho kết quả gần như ngay lập tức, máy dò muon phải thu thập đủ số lượng hạt để phục vụ phân tích trong thời gian dài. Do đó, thực hiện nghiên cứu này cần có sự kiên nhẫn nhất định.

Trên thực tế, các mô phỏng máy tính do nhóm của Giáo sư Liu thực hiện chỉ ra rằng, có thể mất một năm để thu thập đủ dữ liệu nhằm tạo ra hình ảnh rõ nét.


Theo ông Yang, các nhà khảo cổ cũng đã tìm cách để lập bản đồ lăng mộ bằng những phương pháp khác. Đặc biệt, máy dò dị thường trọng lực cũng có thể phát hiện vật chất với mật độ khác nhau, nhưng nó bị hạn chế ở trong một khu vực nhỏ và độ chính xác thì dễ bị ảnh hưởng bởi các nhiễu loạn môi trường. Trong khi đó, tín hiệu điện từ lại nhạy nhất với các cấu trúc có chứa kim loại và radar xuyên đất chỉ bị giới hạn về độ sâu.

Nếu dự án này được tiến hành, các nhà khảo cổ học sẽ có thể xác định được căn hầm bí mật chứa hài cốt và kho báu của Tần Thuỷ Hoàng, vị hoàng đế nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Nguồn: SH – Bài viết tham khảo nguồn: SCMP, Sohu, Baidu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *