Át bích – “Lá bài tử thần” và bí mật gây sốc trong bộ bài Tây

Át bích không chỉ là lá bài mạnh nhất trong bộ bài Tây mà còn là lá bài được trang trí cầu kỳ nhất. Ẩn sau đó là những câu chuyện thú vị không phải ai cũng biết.

Át bích được xem là lá bài trang trí cầu kỳ nhất trong bộ bài Tây. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Theo trang UIJ, Át bích (hay quân Át chủ bài, tiếng Anh: Aces of Spades) là lá bài dễ nhận thấy nhất trong bất cứ bộ bài nào vì các họa tiết được thiết kế rất công phu. Nhưng không phải ngẫu nhiên, nó được lựa chọn để trở thành lá bài đặc biệt nhất của bộ bài Tây. Đằng sau nó là những câu chuyện rất thú vị.

Sơ lược về lịch sử bộ bài
Trước khi nghe những câu chuyện liên quan tới lá bài Át bích, chúng ta nên tìm hiểu qua về nguồn gốc lịch sử của việc chơi bài. Theo trang Live About, dù còn một số tranh cãi nhưng nhiều sử gia đồng ý rằng, việc chơi bài có nguồn gốc từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 10 và được xem là trò giải trí thời điểm đó. Trong quá trình thông thương, nó được lan rộng và xuất hiện ở châu Âu.

Vào thế kỷ 15, các lá bài được làm thủ công vì vậy giá của chúng rất đắt, chỉ những người giàu có và trong hoàng gia mới đủ điều kiện để mua.

Việc chơi bài có nguồn gốc ở châu Á trước khi lan sang châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới. 

Theo trang Live About, việc chơi bài có nguồn gốc ở châu Á trước khi lan sang châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới. (Ảnh minh họa: Justdial).




Theo thời gian, các nhà sản xuất Pháp đã tiêu chuẩn hóa 4 chất (cơ, rô, bích, tép) cùng hình dạng và màu sắc của chúng – để sản xuất được hàng loạt và hạ chi phí.

Điều này càng khiến các bộ bài trở nên phổ biến khắp châu Âu, Anh và các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ. Vào khoảng thế kỷ 19, người Mỹ bắt đầu sản xuất các bộ bài của riêng mình.

“Lá bài tử thần”
Theo trang Psy Warrior, chưa rõ ý tưởng cho rằng Át bích là “lá bài tử thần” lần đầu tiên xuất phát từ đâu. Nhưng vào những năm 1930 – thời điểm băng nhóm tội phạm Murder Incorporated ở Mỹ lộng hành, ít nhất 2 thành viên xã hội đen bị giết chết và thứ phát hiện trên tay họ chính là lá bài Át bích.

Năm 2010, một người nghiên cứu lịch sử ở Anh đã đưa ra căn cứ lịch sử liên quan tới việc Át bích được xem là “lá bài tử thần”.

Theo lý giải của người này, bộ bài Tây có 52 lá (không tính 2 lá Joker – hay còn gọi là phăng teo ở Việt Nam). Mỗi lá bài tượng trưng cho một tuần trong năm. 13 lá cùng chất (cơ, rô, bích, tép) tượng trưng cho 13 tháng trong năm. Trong quá khứ, nước Anh từng chia một năm thành 13 tháng, mỗi tháng 28 ngày và lẻ ra một ngày.

4 chất  – cơ, rô, bích, tép –  tượng trưng cho 4 mùa xuân – hạ – thu – đông. Các chất màu đỏ đại diện cho sự nữ tính, ấm áp, tích cực, phát triển. Trong khi đó, chất màu đen thể hiện sự nam tính, lạnh lùng, tiêu cực và thoái lui.

Át bích còn liên quan tới Yule, cách gọi thời xưa của một số nước châu Âu chỉ giai đoạn đầu của mùa đông, bắt đầu từ ngày 21/12. Đây cũng là thời điểm nạn đói hoành hành do thời tiết khắc nghiệt.

Các nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm trong giai đoạn này sẽ cạn kiệt và phần thịt cuối cùng sẽ được chia nhỏ để ăn trong các tháng tiếp theo. Nhiều người không có đồ ăn sẽ bị chết đói.




Các lễ vật cúng tế được dâng cho người chết và người già sẽ nói ra các nguyện vọng cuối cùng để phòng khi họ nhắm mắt xuôi tay ở thời điểm này.

Át bích thời kỳ đó được xem là đại diện cho sự kết thúc của một năm và mang hàm ý: Cuối cùng, cái chết sẽ tìm tới tất cả chúng ta, không có ngoại lệ, dù bạn là vua hay dân thường.

Lá bài này trong Tarot, bộ bài được sử dụng ở châu Âu từ thế kỷ 15, là một thanh kiếm, biểu tượng của chiến tranh. Và thương vong trong chiến trận là điều khó tránh khỏi.

Át bích từng bị coi là “lá bài tử thần”. (Ảnh minh họa).




Năm 2012, một độc giả Canada gửi cho trang Psy Warrior một cách giải thích khá hợp lý về việc Át bích (Ace of Spades) được gọi là “lá bài tử thần”. Người này giải thích: “Từ Spade có nghĩa là cái xẻng và hình đại diện cho chất bích cũng là hình vẽ giản thể của cái xẻng. Và xẻng là thứ dùng để đào mộ”.

Năm 2020, tác giả Gary Monger đã chỉ ra một câu chuyện khác liên quan tới việc lá bài Át bích là “lá bài tử thần”. Theo Gary, Richard Harding, chủ một công ty sản xuất các bộ bài, đã giả mạo con dấu – được đóng trên lá bài Át bích chứng nhận bộ bài đã được nộp thuế. Việc này giúp Richard trốn thuế và trở nên giàu có. Nhưng mọi chuyện sau đó bị bại lộ, Richard bị tòa Old Bailey kết tội và bị treo cổ năm 1805. Nếu một người bị treo cổ vì lá bài Át bích thì đây có thể là lý do chính đáng để gọi nó là “lá bài tử thần”.

Vì sao Át bích được trang trí cầu kỳ nhất?
Theo trang UIJ, lời giải đáp cho câu hỏi trên nằm ở nước Anh vào thế kỷ 16.

Bộ bài ngày nay sử dụng được gọi là bộ bài Anh – Mỹ, được phát triển từ bộ bài Anh. Từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 18, vì quá phổ biến, các bộ bài trở thành nguồn thu lớn với hoàng gia thời kỳ đó. Vì vậy, chúng bị đánh thuế.

Nữ hoàng Anne là người đầu tiên áp dụng loại thuế này vào năm 1588, với các sửa đổi được thực hiện năm 1628 và 1711.




Năm 1828, người ta đã đóng dấu trên một lá của bộ bài để chứng tỏ bộ bài đó đã được nộp thuế. Vì là lá bài đầu tiên trong bộ bài khi mở ra nên Át bích thường được đóng dấu.

Cũng trong năm 1828, con dấu được thay thế bằng lá bài Át bích được in sẵn họa tiết cầu kỳ. Khi có lá bài Át bích với họa tiết này trong bộ bài, nó đồng nghĩa với việc công ty sản xuất bộ bài đã nộp thuế. Họa tiết trên lá bài Át bích còn được gọi là “Old Frizzle” và nó trông như họa tiết trên một tờ tiền.

Một “Old Frizzle” với họa tiết cầu kỳ từng được in trên lá bài Át bích. (Ảnh: UIJunkie).


Tới năm 1862, “Old Frizzle” bị xóa bỏ. Các nhà sản xuất được tự do sáng tạo hình để in lên lá bài Át bích. Vì đây đã là một truyền thống nên các nhà sản xuất đều muốn có một họa tiết riêng, mang những đặc trưng nổi bật nhất của công ty để xây dựng thương hiệu. Tới năm 1960, thuế này bị bãi bỏ vì chi phí cho nhân lực đi thu tốn kém hơn số thuế thu được.

Tuy nhiên, việc trang trí và thiết kế họa tiết cho lá bài Át bích vẫn được giữ nguyên. Đó là lý do tại sao Át bích vẫn là lá bài có họa tiết cầu kỳ nhất.

Ngoài ra, theo trang Scalar, vì Át bích là quân bài mạnh nhất trong bộ bài nên nó được sử dụng làm biểu tượng của nhiều đơn vị quân đội khác nhau kể từ Thế chiến II.

Nguồn: KH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *