Từ thời cổ đại đến nay, dân gian Trung Quốc vẫn luôn lưu truyền 5 câu chuyện kể về giấc mộng đẹp. Nội dung câu chuyện vô cùng kinh điển, cung cấp cho con người ngày nay nhiều ý nghĩa thiết thực.
Giấc mộng Hoàng Lương
5 giấc mộng đẹp nổi tiếng lịch sử cung cấp cho chúng ta nhiều ý nghĩa thiết thực (ảnh Winnie Wang, Khán Trung Quốc).
Vào thời nhà Đường, có một cao nhân tu luyện đắc đạo tên là Lã Ông. Trong quá trình du ngoạn qua Hàm Đan, ông tình cờ gặp một người trẻ tuổi tên là Lư Sinh. Mặc dù hai người có tuổi đời khác biệt rất lớn nhưng vừa gặp đã như thân thiết từ lâu.
Trong quá trình trò chuyện, Lư Sinh tâm sự nỗi khổ tâm của mình với Lã Ông, cậu nói rằng bản thân đã nỗ lực nhiều năm nhưng lại trở thành kẻ vô tích sự, đọc đủ các loại thi thư nhưng không có đất dụng võ, những gì chờ đợi cậu lại chỉ là cuộc sống của một người bình thường, ước mơ tìm kiếm quan cao lộc hậu đời này không thể thành hiện thực.
Biết được hoàn cảnh sống khổ não của Lư Sinh, Lã Ông nóng lòng muốn giúp cậu thanh niên tìm đáp án của vấn đề.
Lư Sinh càng nói càng bị kích động, nội tâm càng trở nên phẫn uất hơn, cuối cùng thấy bản thân mệt mỏi quá nên đã quyết định đi ngủ một lát. Lúc này Lã Ông đã lấy cho Lư Sinh chiếc gối đầu và nói rằng cậu có thể làm được điều đó sau khi tỉnh giấc.
Ban đầu Lư Sinh còn tưởng rằng đó là Lã Ông an ủi mình, nhưng khi cậu thực sự tiến vào giấc mộng thì lại thấy giống như đang ở cuộc sống thực tại. Cậu mơ thấy đêm động phòng hoa chúc của chính mình, lại thấy bản thân thi đậu ghi danh bảng vàng, sau đó đậu tiến sĩ và đặc biệt là còn trở thành quan tể tướng trong triều. Chỉ tiếc rằng thế đạo vô thường, tạo hóa trêu ngươi, tại trong cảnh mộng, thân là Tể tướng cũng không thể sống an ổn mà bị người hãm hại và bị đẩy vào chốn ngục tù. Đúng vào thời điểm bản thân đang lo lắng cho sống chết của chính mình thì giấc mộng cũng kết thúc.
Lư Sinh tỉnh dậy ngay khi giấc mơ kết thúc. Lúc này, cậu mới nhận ra đó chỉ là một giấc mơ, nồi kê vàng mà chủ quán nấu vẫn chưa chín. Cậu mới nói lời cảm ơn Lã Ông: “Đối với sự tồn tại của vinh nhục, vận số nghèo túng và thành đạt, đạo lý được mất, sinh tử tồn vong, hiện tại tôi đã ngộ ra được triệt để rồi. Giấc mộng này chính là tiên sinh dùng để ngăn chặn tư tâm và dục vọng của tôi”.
Câu chuyện này cũng chính là nguồn gốc của thành ngữ “Giấc mộng Hoàng Lương” (giấc mộng kê vàng). Thành ngữ này cũng nhắn nhủ với người đời rằng, vinh nhục được mất của con người trên thế gian chẳng qua chỉ là giấc mộng huyễn hoặc mà thôi. Kỳ thực đây cũng là Lã Ông đã làm phép để Lư Sinh ngộ ra ý nghĩa thật sự của đời người.
Nam Kha nhất mộng
Vào thời nhà Đường, một hôm người đàn ông tên là Thuần Vu Phần ngồi ngủ dưới gốc cây hòe và tiến vào giấc mộng.
Trong mơ, cậu thấy hai sứ giả mặc áo tím mời lên xe, xe ngựa hướng về cây hòe lớn kế tiếp phi tới. Bản thân thấy đi đến Đại Hòe An Quốc, ở đây cậu được quốc vương trọng dụng, được bổ nhiệm làm quan Thái Thú, đồng thời nhà vua còn gả con gái cho mình, có thể nói cậu là ví dụ điển hình của câu nói ‘đã qua cơn bĩ cực sẽ đến ngày thái lai’, vận khí dường như đã được bùng nổ.
Nhưng mà, tháng ngày hạnh phúc cũng chẳng được là bao. Cậu bị nhà vua nghi kỵ, niệm tình cũ mà không giết, cuối cùng đã đưa cậu trở về quê cũ. Đến lúc này Thuần Vu Phần cũng chợt bừng tỉnh. Sau khi tỉnh lại cậu phát hiện Đại Hòe An Quốc thực ra chính là huyệt động của kiến ở dưới gốc cây hòe, chỗ mà cậu đã dựa vào. Nơi trong giấc mơ cậu đến, hết thảy đều là hư giả.
Cảnh tượng nực cười trong mơ đã nói cho mọi người một đạo lý, đấy chính là đừng suy nghĩ viển vông, đừng quá trục lợi, đối với mọi sự việc thì cần bảo trì quan niệm và nội tâm ngay chính. Nếu như muốn trèo cao đi xa, quá so đo được mất, kết quả lại chính là tự làm khổ mình, lưu lại tiếng thở dài trách oán số phận mà thôi.
Mộng điệp Trang Chu
Một hôm Trang Tử ngủ mơ, ông thấy bản thân biến thành hồ điệp (con bướm), cảnh tượng trong mơ chân thật tới mức khiến Trang Tử quên cả bản thân, rằng bản thân chính là hồ điệp. Trong mộng, ông đang tìm kiếm xem chỗ mà hồ điệp ở là ở nơi nào. Khi tỉnh dậy ông phát hiện bản thân là Trang Tử, cảnh tượng trong mơ chân thật tới mức khiến ông nhất thời không phân biệt được là Trang Chu mộng thấy hồ điệp hay bản thân là hồ điệp mộng thấy Trang Chu.
Trong cuộc sống, thật thật giả giả, khó phân thị phi, mắt nhìn thấy cũng không nhất định là thật. Gặp chuyện thì cần bình tĩnh thanh tỉnh, không mù quáng tin người, đừng dễ dàng đưa ra kết luận, không phán xét người khác tốt xấu thế nào. Kiên định giữ vững tâm tính, làm người chân thật, không thẹn với lòng thì mới có thể vui vẻ ung dung tự tại.
Tranh Trang Chu mộng điệp chọn ra từ ‘U cư nhạc sự đồ’ của Lục Trì thời nhà Minh (nguồn ảnh: internet)
Giang Yêm mộng bút
Vào thời Nam Bắc triều, có một người rất giỏi văn chương tên là Giang Yêm. Nghe nói, một hôm ông mằm mộng thấy Quách Phác, một nhà đại văn học thời Ngụy Tấn đặt vào tay ông một chiếc bút ngũ sắc.
Từ đó về sau, câu từ văn vẻ của Giang Yêm trào ra như suối tuôn, nội dung cũng rất đặc sắc, ngày càng được nhiều người thưởng thức. Về sau ông cũng được triều đình trọng dụng. Nhưng khi tuổi về già, một hôm Giang Yêm lại nằm mơ thấy Quách Phác nói với ông: “Bút của ta ở chỗ khanh đã nhiều năm, có thể lấy về rồi“. Cây bút được nói đến chính là bút ngũ sắc mà ông từng mơ thấy trước đây.
Sau đó, câu từ văn vẻ của Giang Yêm không còn được như trước nữa, nội dung bài viết cũng không có gì đặc sắc. Câu chuyện này cũng chính là nguồn cơn sinh ra thành ngữ “Giang lang tài tẫn”. Bởi vì tài văn chương của ông không còn như trước, cho nên mọi người nói rằng tài viết văn trời ban cho, ông đã dùng hết.
Câu chuyện cũng cho chúng ta một lời nhắc nhở: Sống đến già, học đến già. Một người nếu muốn tài năng văn chương của mình không bị suy giảm thì cần hải duy trì thói quen không ngừng học tập.
La Hàm mộng điểu
Vào thời Đông Tấn, một thanh niên tên là La Hàm từng nằm mơ thấy một con chim sặc sỡ bay vào miệng mình. Vậy mà cậu đã thực sự nuốt sống con chim đó.
Sau khi tỉnh dậy khỏi giấc mơ, La Hàm dường như đã trở thành một người khác. Ông không chỉ có trình độ văn học ngày càng cao, tác phẩm mà cậu viết từ đó về sau cũng khiến mọi người kinh ngạc thán phục. Nhờ vậy mà cậu cũng được triều đình trọng dụng, lúc cuối đời cũng được coi như áo gấm về làng.
Tài văn chương trước và sau giấc mơ của cậu cũng không có nhiều thay đổi. Ngôn từ và cách diễn đạt trong các bài viết vẫn đẹp đẽ như xưa. Tất nhiên, đây cũng là thành quả của quá trình làm việc chăm chỉ chưa từng lười biếng của La Hàm.
Nguồn: DKN
- Cổ nhân thường nói “dục tốc bất đạt”, thực ra câu sau mới tinh tuý nhất
- Câu chuyện về nhà sưu tập sách “ám ảnh” nhất thế giới
- Nửa người, nửa thú không còn là truyền thuyết – hộp Pandora đã được mở?