Khi chúng ta gặp phải những chuyện không được như ý, hết thảy điều này nói không chừng lại chính là sự an bài tốt nhất.
Cuộc đời Võ Tắc Thiên
Vào những năm Thiên Thụ, Võ Tắc Thiên có thói quen thích thay đổi chữ để tạo ra những chữ mới, tuy nhiên bà đã đụng phải rất nhiều điều kỵ.
Có một người U Châu (ngày nay thuộc tây nam Bắc Kinh) tên là Tầm Như Ý đã dâng lên Võ Tắc Thiên một phong thư nói rằng: “Chữ quốc (國) bên trong có chữ hoặc (或), mà chữ hoặc 或 này chính là điềm chỉ thiên hạ sẽ đại loạn. Xin bệ hạ hãy đổi thành chữ vũ (武, chữ này cũng là họ của Võ Tắc Thiên) bên trong bộ vi (口) để ngăn chặn điềm gở này”. Võ Tắc Thiên sau khi xem xong bức thư đã rất cao hứng, liền hạ lệnh tạo chữ theo yêu cầu của Tầm Như Ý.
Hơn một tháng sau, lại có người dâng lên một phong thư nói rằng: “Chữ vũ (武) đặt trong bộ vi (口), chữ chẳng khác gì chữ tù (囚: nghĩa là người bị bỏ tù), đây là điềm hết sức không may”. Võ Tắc Thiên xem thư xong đã vô cùng kinh ngạc, lập tức thu hồi mệnh lệnh, cho sửa chữ quốc (國) thành chữ quốc 圀 có bát phương (八方) ở bên trong bộ vi (口).
Sau này khi Hiếu Hoà trở thành hoàng đế, quả nhiên Võ Tắc Thiên đã bị giam ở cung Thượng Dương (上陽宮: thượng dương tức mặt trời lên, ý là mặt trời chiếu khắp nơi, chiếu bát phương, ứng với bát phương ở bên trong bộ vi 口 của chữ quốc 圀).
Trích từ sách Triều dã thiêm tái của Trương Trạc thời Đường.
Quan viên Lại bộ ngồi chưa ấm chỗ
Triều Đường có vị tên là Thẩm Quân Lượng, có thể nhìn thấy được sự tình ở chốn u minh, biết trước việc sinh tử của một người. Vào một ngày của năm Thượng Nguyên thời vua Đường Túc Tông, khi Viên ngoại lang Lại bộ Trương Nhân Huy gặp Thẩm Quân Lượng trong một lần tham gia tiệc rượu, bèn hỏi rằng: “Minh công nhìn xem tôi lúc nào thì có thể thăng chức?” Thẩm Quân Lượng đáp rằng: “Chức quan của tiên sinh ở Lại bộ còn ngồi chưa ấm chỗ, cần gì lo nghĩ đến việc không thể lên chức?”
Một lúc sau, Trương Nhân Huy đi vệ sinh, Thẩm Quân Lượng nói với mọi người rằng: “Trương Viên ngoại lang còn có thể sống nhiều nhất là mười ngày, nào có thời gian suy nghĩ có thăng quan hay không chứ?”
Quả nhiên không sai, bảy ngày sau Trương Nhân Huy đột nhiên qua đời.
Quốc vương thoát nạn
Có một quốc vương thích săn bắn và thường hay cùng với thừa tướng cải trang vi hành. Câu cửa miệng mà vị thừa tướng thường hay nói nhất chính là “mọi chuyện đều là an bài tốt nhất”.
Một ngày kia, quốc vương vào rừng săn bắn, một mũi tên bắn ngã một con báo hoa. Quốc vương vội xuống ngựa kiểm tra chiến lợi phẩm của mình, nào ngờ, con báo hoa đột nhiên bất dậy, dùng hết sức lực sau cùng bổ nhào về phía quốc vương, ngón tay út của quốc vương bị nó cắn đứt một đoạn.
Quốc vương cho gọi thừa tướng đến uống rượu giải sầu, nào ngờ thừa tướng lại mỉm cười nói: “Bệ hạ, mong người hãy nghĩ thoáng một chút, mọi chuyện đều là sự an bài tốt nhất cả!”.
Quốc vương nghe xong rất tức giận, nói: “Nếu như quả nhân tống giam nhà người vào ngục, đây cũng là an bài tốt nhất ư?”.
Thừa tướng mỉm cười, nói: “Nếu là như vậy, thần cũng tin chắc rằng đây là an bài tốt nhất”. Quốc vương giận dữ, sai người áp giải thừa tướng vào trong ngục giam.
Một tháng sau, vết thương của quốc vương đã lành, một mình vi hành bên ngoài.
Ông đi đến một núi xa xôi, bỗng một nhóm thổ dân từ tên núi xông đến, bắt trói quốc vương rồi giải về bộ lạc.
Bộ lạc nguyên thủy trên núi hàng tháng đến ngày trăng tròn đều sẽ xuống núi tìm vật hiến tế để cúng tế nữ thần trăng tròn, người thổ dân chuẩn bị đem quốc vương đi thiêu sống.
Ngay trong lúc quốc vương cảm thấy tuyệt vọng, thầy tế mặt bỗng biến sắc, ông phát hiện ngón tay út của quốc vương thiếu mất nửa đoạn, là tế phẩm không được nguyên vẹn, nhận lấy tế phẩm như vậy, nữ thần trăng tròn sẽ nổi cơn thịnh nộ, thế là thổ dân bèn thả quốc vương đi.
Quốc vương mừng rỡ vô cùng, sau khi về cung gọi người thả thừa tướng ra, bày tiệc rượu, quốc vương mời rượu thừa tướng, nói: “Lời khanh nói quả không sau chút nào, mọi chuyện đều là sự an bài tốt nhất! Nếu như không phải trẫm bị con báo hoa đó cắn một phát thì hôm nay e rằng ngay cả mạng sống cũng đã không còn”.
Quốc vương như chợt nhớ ra điều gì đó, hỏi thừa tướng: “Còn khanh vô duyên vô cớ bị tống giam trong ngục hơn một tháng như vậy, đây lại nói thế nào đây?”.
Thừa tướng chậm rãi uống một ngụm rượu, rồi nói: “Nếu như thần không phải bị giam trong nhà ngục, thế thì người cải trang đi cùng với bệ hạ nhất định là thần rồi, khi thổ dân phát hiện bệ hạ không thích hợp làm vật tế nữa, thế chẳng phải sẽ đến phiên thần hay sao?”.
Quốc vương không nhịn được, lớn tiếng cười ha hả, nói: “Quả nhiên không sai, mọi chuyện đều là sự an bài tốt nhất!”.
Câu chuyện này nói với chúng ta một đạo lý: Khi chúng ta gặp phải những chuyện không được như ý, hết thảy điều này nói không chừng lại chính là sự an bài tốt nhất! Vậy nên ta không cần phải phiền não, càng không nên chán nản, chỉ nhìn mọi chuyện trong nhất thời.
Hãy để tầm mắt vươn xa hơn, đừng tự oán trách bản thân, càng không nên oán trời trách người. Một điều chắc chắn là tâm trạng tiêu cực không bao giờ giúp cho bạn vượt qua nghịch cảnh, chỉ có sự dũng cảm đối diện, nỗ lực và tin rằng trời không tuyệt đường người, bạn sẽ thấy trắc trở nào thực ra cũng đều là món quà của ông trời mà thôi.
Nguồn: VDH
- Ngược dòng thời gian, xuyên không về quá khứ
- Nhà khoa học khốn đốn vì lời nguyền trên viên đá quý
- Ghi chép về sét hòn giáng xuống Anh 800 năm trước