Triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta đã kết thúc từ lâu, nhưng những bí ẩn về đời sống hậu cung vẫn khiến hậu thế không khỏi tò mò.
Tử Cấm thành Huế thời xưa. (Ảnh: VOZ)
Kể từ khi vua Bảo Đại thoái vị, có khá nhiều câu chuyện về cuộc sống của phi tần, cung nữ được lan truyền. Trong đó, phần lớn đề cập đến các quy định hà khắc mà bậc đế vương áp dụng trong cung cấm.
Sớm tối cô độc trong cung
Doanh nghiệp & Tiếp thị cho biết, khi đã sinh sống trong cung, cuộc sống của người phụ nữ sẽ biến đổi hoàn toàn so với bên ngoài. Thậm chí, việc về thăm gia đình cũng là chuyện hiếm hoi, trừ trường hợp cha mẹ bệnh nặng. Chính vì vậy, các cung tần mỹ nữ hầu như chỉ dạo quanh trong cung từ ngày này qua tháng nọ.
Không thể phủ nhận họ khá nhàn hạ, không cần bận tâm bữa no bữa đủ. Tuy nhiên, cũng chính điều này khiến nhiều người rơi vào cảnh cô đơn, buồn chán. Để thay đổi không khí, cung phi lớn tuổi chỉ có thể nghe tiếng tụng kinh phát ra từ ngôi chùa thuộc cung Diên Thọ. Trong khi người trẻ tuổi muốn tham gia các buổi hát múa, xem kịch thì phải nấp sau tấm rèm rồi quan sát từ xa.
Cửa chính Tử Cấm thành của hoàng cung Huế. (Ảnh: Doanh nghiệp & Tiếp thị)
Sống tại hậu cung, không phải lúc nào cung phi cũng được phép gặp vua. Thay vào đó, việc xin gặp mặt người đứng đầu hoàng cung đều có quy định rõ ràng, cần thông qua nữ quan và thái giám.
Đặc biệt, cung phi vào đại nội sẽ không được giao thiệp với đàn ông. Trong trường hợp ngự y muốn khám bệnh, chỉ có thể bắt mạch qua cổ tay được phủ một tấm lụa mỏng; toàn bộ cơ thể người bệnh cũng bị tấm rèm che kín.
Tuân thủ các quy định nghiêm ngặt
Trang phục và cách trang điểm của phi tần triều Nguyễn. (Ảnh: Doanh nghiệp & Tiếp thị)
Khi chuyển đến Tử Cấm thành, việc duy trì diện mạo của cung phi phải tuân theo một vài quy định. Ví dụ, cung phi không được mặc trang phục ngoài có màu đen và màu trắng, màu vàng chỉ dành cho vua. Thông thường, các bà sẽ mặc đồ màu lục và đỏ, mỗi sáng đều diện áo rộng, chít khăn đi thỉnh an vua. Duy nhất có Nam Phương Hoàng hậu – chính thất của vua Bảo Đại được phép mặc trang phục màu vàng cam, khá tương đồng với sắc vàng của đế vương.
Ngoài ra, họ phải nhuộm răng đen, để móng tay dài, tóc rẽ ngôi giữa. Về giao tiếp, tuyệt đối không sử dụng những câu từ mang nghĩa thô tục, điềm gở như câm, điếc, bệnh, đau, đui què… Đặc biệt, có khá nhiều từ cấm kỵ không được nhắc đến, nếu gọi nhầm có thể mang trọng tội, ví dụ như tên của các thành viên trong hoàng tộc.
Nam Phương Hoàng hậu trước và sau khi nhập cung. (Ảnh: Vietnamnet)
Khó tránh khỏi “cung đấu”
Kể từ thời vua Minh Mạng, các cung tần mỹ nữ sẽ được chia thành 9 bậc. Người đứng đầu là chính thất của vua, có quyền quản lý hậu cung. Những người còn lại chủ yếu là con của quan trong triều. Đại thần nào có phẩm cấp cao thì con gái sẽ được hưởng nhiều đặc quyền hơn và ngược lại.
Ân phi Hồ Thị Chỉ – phi tần của vua Khải Định. (Ảnh: Dân Việt)
Tử Cấm thành vốn sở hữu hàng trăm người phụ nữ, mỗi người mang một vẻ đẹp và tính cách riêng biệt. Tất cả đều chỉ hướng đến một người đàn ông duy nhất là vua, do đó không ít người nảy sinh lòng đố kỵ, ghen tuông, dẫn đến nhiều cuộc phong ba bão táp. Chính vì vậy, để sống yên ổn trong hậu cung không phải là chuyện đơn giản.
Những thông tin trên chỉ là một phần nhỏ trong số những bí ẩn về cuộc sống của phi tần triều Nguyễn. Thực hư 24 giờ mỗi ngày của họ diễn ra chi tiết như thế nào, có lẽ chỉ có chính người trong cuộc mới có thể nắm rõ.
Nguồn: Yan
- Giải mã hiện tượng rắn thần Việt Nam: Mào trên đầu không phải tâm linh
- “Chiếc gương sát nhân” khiến nhiều người tử vong khi nhìn vào
- Sự thật cực kinh hãi đằng sau “thứ kỳ quái” mà thái giám luôn nhét trong giày