Chuyện ly kỳ tại Cửu Môn Khẩu, cho thấy sức mạnh vô cùng của thiện tâm

Thế giới còn quá nhiều điều huyền bí mà con người không thể nào giải thích cho được. Đặc biệt, không ít những người với tư tưởng vô thần đã có hành vi mạo phạm tới thế giới tâm linh, cuối cùng đã phải nhận hậu họa. Dưới đây là một câu chuyện được người trong cuộc kể lại.

Trước khi đi công tác đến huyện Tuy Trung, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), những người bạn ở địa phương đã mời chúng tôi đi du ngoạn Cửu Môn Khẩu của Vạn Lý Trường Thành. Khi đi được nửa đường, chúng tôi đã gặp một người đàn ông trung niên làm nghề bán rượu.

Cửu Môn Khẩu của Vạn Lý Trường Thành là ranh giới giữa 2 tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh. (Ảnh: Read01)

Người đàn ông này tính tình vui vẻ, chất phác, nói chuyện cũng rất sảng khoái. Lúc đó đúng vào bữa trưa, ông một hơi uống hết nửa bát rượu, mặt mày ửng đỏ, tràn đầy vẻ hưng phấn. Cảm thấy hợp ý, người anh trong nhóm liền bắt chuyện với ông, cũng là để nghỉ chân. Trong lúc nói đến rượu, người đàn ông vẻ mặt đầy tự hào, đã kể lại câu chuyện dưới đây…




Cửu Môn Khẩu là ranh giới giữa 2 tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh, còn người đàn ông thì sống trong một ngôi làng trên núi ở Hà Bắc cách Cửu Môn Khẩu không xa. Ông nội của người đàn ông này là một thợ rèn, rất khéo léo và nhiệt tình. Bởi vì ngôi làng nằm trên núi, rất khó ra ngoài, cho nên các loại công cụ làm nông, làm mộc ở trong thôn đều là do ông nội chế tạo sửa chữa. Chỉ cần bà con hàng xóm có nhu cầu, ông đều sẵn sàng giúp đỡ.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm chính quyền vào 1949, tại sơn thôn vắng vẻ này cũng bắt đầu xuất hiện các loại vận động chính trị, khiến cho “gà chó cũng không yên”. Ông nội nhìn thấy thôn dân khổ sở đấu tố lẫn nhau, liền cảm thán: “Nếu tiếp tục như vậy, người dân sẽ chẳng còn cơm mà ăn”. Từ đó về sau, ông nội âm thầm làm việc trong một thời gian.

Một ngày nọ, ông nội gọi người con (bố của người đàn ông bán rượu) đến trước mặt và nói: “Ta chắc cũng không sống được bao lâu nữa, nhân lúc còn khỏe ta đã làm ra một số công cụ, con cần bảo quản cho tốt, người dân trong thôn có thể sẽ có lúc cần đến”. Không lâu sau thì ông nội qua đời, bộ công cụ được lưu lại đã giúp ích rất nhiều cho những thôn dân ở vùng núi hẻo lánh này.




Bởi gia đình ông được mọi người trong thôn rất kính trọng nên sau khi xuất hiện công xã nhân dân, người bố được bầu làm đội trưởng đội sản xuất, công việc đương nhiên là phải chịu khổ, còn phải cần cù và nhiệt tình. Trong thôn lại đề xuất việc gia nhập đảng, người bố nói: “Tôi là người tín Thần, tin tưởng thiện ác hữu báo”, nên kiên quyết không gia nhập.

Cảnh Hồng vệ binh đang đập phá các văn vật và di tích cổ xưa trong thời Đại Cách mạng Văn hóa. (Ảnh tư liệu)

Về sau, Đại Cách mạng Văn hóa bắt đầu, phong trào phá tứ cựu, bài trừ mê tín nổi lên khiến các hiện vật và tượng cổ trong thôn cũng bị phá hủy. Điều này khiến những thôn dân đời đời tín Thần, trọng đức đều cảm thấy khó hiểu, nhưng một số người bình thường là kẻ tiểu nhân nay lại giành được quyền lực, gây ra biết bao sóng gió.




Trong thôn có một hồ nước trong vắt, bên cạnh hồ có con rồng tạc bằng đá, không ai biết nó có từ khi nào. Hồ nước này nằm trên nền đá, diện tích không lớn, dù không có nguồn nước nhưng lại chưa bao giờ khô cạn. Người đàn ông khi còn nhỏ thường xuyên cùng bạn bè tới hồ nước này chơi đùa.

Vào những năm đầu Cách mạng Văn hóa, một kẻ phá hoại đã lên núi đánh gãy đầu rồng và ném xuống một đầm nước dưới chân núi. Chẳng bao lâu, một trận lụt quét qua, tất cả các con đường từ Hà Bắc đến Liêu Ninh đều bị ngập chìm trong nước.

Người dân địa phương đã căng một sợi dây giữa hai ngọn núi để đưa người qua sông. Một hôm, kẻ mà trước đó đã đập gãy đầu rồng cũng bám vào dây thừng đi qua đò, nhưng vừa đi đến giữa dòng thì dây thừng bị đứt, hất người này ngã xuống nước mất mạng.

Sau khi rồng đá bị mất đầu, hồ nước trên núi cũng khô cạn. Người bố đối với việc này luôn canh cánh trong lòng, vì vậy ông đã quyết định đến đầm nước dưới chân núi để tìm đầu rồng. Nhưng vì nước quá sâu không thể tìm được, ông liền đi một quãng đường dài đến Liêu Ninh và mượn một máy bơm để xả nước và khiêng đầu rồng lên núi, cung kính lắp đặt lại như cũ.




Hình ảnh Cửu Môn Khẩu tại Trung Quốc. (Ảnh: Zhihu)

Dân làng nghe tin đầu rồng đã được gắn lại, liền vội vàng lên hồ nước để lễ bái. Có một đứa bé trong lúc chơi đùa đã đánh vào mặt của rồng đá, lúc đó cũng không ai để ý. Tuy nhiên, lúc xuống núi đã xảy ra sự cố ngoài ý muốn, một đàn ong vò vẽ đột nhiên bay tới, không nhắm vào người khác, mà cứ bay tới đốt vào người đứa bé nọ. Đứa bé che đầu, che mặt để tránh vội, trong lúc hoảng loạn đã rơi xuống vực tử vong. Hồ nước trên núi không lâu sau đó lại đầy ắp trở lại. 

Cuối những năm 1980, có một năm hạn hán khốc liệt, rất nhiều sông ngòi, ao hồ đều khô cạn, đồng ruộng cũng không có nước tưới, xung quanh có nhiều giếng nhưng đều không có nước. Người bố cũng đã đào một cái giếng nhỏ trong sân nhà, kỳ lạ là nước giếng lại chảy ra không ngừng, có vị ngọt mát, những thôn dân bên cạnh đều tới gánh nước về ăn, giải tỏa nhu cầu bức thiết của dân làng.


Sau cải cách mở cửa, gia đình người đàn ông bắt đầu nấu rượu bằng nước giếng này, rượu nấu ra thơm lừng, nức tiếng gần xa, cũng mang lại một khoản thu nhập đáng kể cho gia đình nhân hậu này.

Câu chuyện kết thúc, rượu cũng đã uống xong, người đàn ông chất phác mặt đỏ bừng, tâm đắc nói: “Cái này gọi là thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Con người nhất định phải hành thiện tích đức mới có được hậu vận tốt đẹp!”.

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *