Tại sao khoa học và triết học gia cũng là “người một nhà”?

Nhà vật lý học đoạt giải Nobel người Đức là Heisenberg đã từng nói một câu như thế này: “Thay vì nói tôi là nhà khoa học, thì hãy gọi tôi là triết học gia”.

Einstein, Heisenberg, tranh vẽ Lão Tử và Khổng Tử. Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nếu đi sâu vào sẽ phát hiện được triết học là những điều có giá trị thực tiễn, ví dụ những từ như “thế giới” hay “vũ trụ”… đều mang trong nó quan điểm triết học và cả khoa học. Điều này được giải thích như thế nào?

Trong video “khai màn” kênh YouTube chính thức “Thiên Lượng thời phân” đăng ngày 14/4/2019, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã giới thiệu 3 chuyên mục chính của kênh, đồng thời phân tích rất rõ ràng dễ hiểu về triết học, khoa học, mối quan hệ triết học – khoa học – sử học, hay như tại sao người ta nói “Kinh Sử bất phân gia”… đồng thời kèm theo lượng thông tin rất có tính tham khảo như sau.

3 chuyên mục kênh “Thiên Lượng thời phân” và câu chuyện thay đổi quan điểm triết học của Einstein

Giáo sư Chương phân kênh thành 3 chuyên mục.

Thứ nhất là “Chính luận thiên hạ”,  nơi đàm luận cách nhìn của cá nhân về các vấn đề thời sự, cũng có lúc trình bày một số tin tức mới.

Thứ hai là “Sử hải dương phàm” (史海揚帆: biển sử giương buồm), nơi để Giáo sư Chương giảng sử vốn chứa rất nhiều trí huệ.

Thứ ba là “Triết tư tâm ngữ” (哲思心語: suy nghĩ minh triết, lời nói thật tâm), nơi đàm luận về các vấn đề có tính sâu sắc như xã hội học, nhân tính (tính cách con người) v.v.

Chuyên mục thứ ba nghe có vẻ cao thâm, dễ làm khán thính giả “bỏ chạy” vì thông thường người ta thích xem những video vui vẻ vui nhộn, nhưng Giáo sư Chương kể một câu chuyện về Einstein như sau.

Einstein là một nhà vật lý học bậc thầy thời cận đại, cũng là người đặt định cho vật lý hiện đại. Khi vừa mới tốt nghiệp, Einstein chưa tìm được một công việc lý tưởng, ông chỉ là nhân viên nhỏ trong Cục cấp bằng sáng chế Thuỵ Sĩ. Đối với người thông minh như ông, việc kiểm tra các bằng sáng chế có đúng quy định hay không là một điều rất dễ dàng, vì vậy ông có rất nhiều thời gian để suy nghĩ, đôi lúc có biểu hiện như… ngây người.

Ông từng ngây người ngồi trong xe buýt đi qua thành phố Bern – nơi có một chiếc đồng hồ rất lớn và rất nổi tiếng. Lúc đó trong đầu ông nổi lên một “cơn bão”. Ông nghĩ: khi chúng ta nhìn thấy vật gì đó, trên thực tế là do ánh sáng phản xạ gửi đến mắt chúng ta, cho nên mới thấy được nó.

Einstein đột nhiên nghĩ: thời khắc hiện tại (ví dụ như 9 giờ), nếu ở thời điểm này mà tôi bắt đầu di chuyển với tốc độ ánh sáng, kiểu như khi ánh sáng chiếu vào mắt thì bắt đầu di chuyển với tốc độ ánh sáng. Kết quả tạo thành điều gì? Chính là tất cả ánh sáng phát ra sau khoảnh khắc này không thể chiếu vào mắt nữa, tất cả những gì nhìn thấy đều là khoảnh khắc 9 giờ này, nói cách khác: thời gian như ngưng đọng.

Einstein phát hiện rằng: khi di chuyển với tốc độ ánh sáng, thì thời gian ngừng lại. Lúc này ông ý thức ra một vấn đề: thời gian không phải là một khái niệm bất biến, nó liên quan đến tốc độ chuyển động. Einstein nói lúc đó cảm hứng tràn ngập trong đầu mình.

Trong năm ấy, Einstein đã xuất bản 4 bài luận văn, một trong số đó là thuyết tương đối hẹp. Bây giờ thuyết tương đối hẹp trở thành kiến thức chung ở đại học, nhưng lúc đó lại là một vấn đề mà chưa ai nghĩ đến, nó chính là đột phá lớn trong vật lý hiện đại. Từ cơ học cổ điển của Newton đến thuyết tương đối của Einstein, đột phá này không phải dựa vào quan trắc trong quá khứ sau đó đưa ra giả thiết rồi nghiệm chứng, mà là cách nhìn thời – không (thời – không quan) của Einstein đã phát sinh thay đổi.

“Thế giới”, “vũ trụ”… là khái niệm thời – không, cũng là khái niệm triết học

Là một người am hiểu khoa học và triết học, Giáo sư Chương phát hiện: “thời – không quan” phát sinh thay đổi chính là triết học phát sinh thay đổi.

Giáo sư Chương giai thích rằng, hoàn cảnh sinh sống hiện tại của chúng ta được gọi là “thế giới”, tiếng Anh là World. Một điều lạ là trong khái niệm truyền thống Trung Quốc không có từ “thế giới” (世界), mà đây là từ vựng do Phật giáo Ấn Độ đưa đến. Cái gọi là Thế – 世, trên thực tế là khái niệm thời gian – time. Còn Giới – 界 chính là khái niệm không gian – Dimension. Do đó trên bề mặt, từ “thế giới” chính là thời – không (thời gian và không gian).

Đạo lý đồng dạng nói rằng chúng ta sinh sống trong “vũ trụ” (宇宙), tiếng Anh là universe. Từ văn tự bề mặt mà giải thích “vũ trụ”, kỳ thực cũng là khái niệm thời – không.

Bởi vì khi tra từ điển, “trên dưới mười phương” gọi là Vũ – 宇, tức khái niệm không gian. “Từ xưa đến nay” gọi là Trụ – 宙, đây là khái niệm thời gian.

Do đó “vũ trụ” cũng là thời – không, “thế giới” cũng là thời không, thời – không cũng là thời – không. Chỉ là vật lý học gọi là thời – không, Phật giáo gọi là ‘thế giới’, người Trung Quốc gọi là “vũ trụ”… Trên thực tế nó chỉ là một khái niệm.

Quay trở lại câu chuyện của Einstein, khi “thời – không quan” của ông phát sinh thay đổi, trên thực tế là “thế giới quan” của ông cũng phát sinh thay đổi, “vũ trụ quan” của ông cũng phát sinh thay đổi. Nói cách khác, khi Einstein nhìn vũ trụ và thế giới một lần mới, ông sản sinh ra một loại triết học mới.

Trên thực tế ở thời đại Einstein, hầu như mỗi bước phát triển khoa học trọng đại, đều có đột phá với tư tưởng triết học lúc bấy giờ. 

Có một nhà vật lý học rất nổi tiếng tên là Heisenberg, lúc còn rất trẻ (31 tuổi) đã đạt giải thưởng Nobel. Khi đó ông đề xuất nguyên lý bất định, tức nguyên lý về tính bất xác định trong cơ học lượng tử. Sau này Heisenberg đã nói một câu: “Thay vì nói tôi là nhà khoa học, thì hãy gọi tôi là triết học gia”

Nhà vật lý học người Đức Heisenberg – người từng đạt giải Nobel vào năm 31 tuổi. Ảnh chụp từ kênh YouTube Thiên Lượng thời phân đăng ngày 14/4/2019.

Giáo sư Chương kể những câu chuyện trên là muốn nói rằng: khi quan niệm “triết học” của một người phát sinh thay đổi, thì toàn bộ phương thức nhìn “thế giới” đều phát sinh thay đổi.

Trong chuyên mục “Triết tư tâm ngữ”, Giáo sư Chương muốn đưa ra/giới thiệu cho mọi người một loại triết học như thế.

Triết học rất gần gũi và có tính “ứng dụng” cao

Triết học rất gần gũi

Giáo sư Chương nói rằng, trong truyền thống Trung Quốc, cách nhìn đối với triết học không giống những gì chúng ta tưởng tượng là những thứ rất xa vời. Thực tế lại không phải như vậy. Lúc nhỏ người Trung Quốc đã học thuộc lòng Tam tự kinh. Bản thân câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” liên quan đến vấn đề “tính thiện tính ác”, chính là liên quan đến vấn đề ‘nhân tính’ (tính cách con người), liên quan đến một loại triết học của Nho gia.

Giáo sư Chương nói thêm, người hiện đại có thể không tin những điều của Đạo gia như: thái dược luyện đan (hái thuốc luyện đan), đạo trường sinh… nhưng chúng ta rất khó tránh khỏi phương thức tư duy của Đạo gia như: 

Phúc hoạ tương ỷ (phúc hoạ dựa nhau, tức phúc hoạ có thể chuyển hoá)

Bác cực tất phục, bĩ cực thái lai (ý nói vật cực tất phản)

Thiên lý chi hành thủ ư túc hạ (hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân)

Thận chung như thuỷ tắc vô bại sự (cẩn thận từ đầu đến cuối sẽ không thất bại)
v.v.
Rất nhiều điều Lão Tử giảng đã trở thành thành ngữ, trên thực tế là một loại triết học của Đạo gia.

Lão Tử giảng một câu như thế này: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi”, ý tứ là: việc học thì càng ngày càng tăng, việc đạo thì càng ngày càng giảm, giảm lại càng giảm, đạt đến vô vi.

Việc học thì mỗi ngày nhiều hơn một ít để tiến bộ, nhưng “vi đạo” (ví như muốn tu luyện) thì mỗi ngày phải giảm một ít. Trong câu này ít nhất Lão Tử thấy “vi học” và “vi đạo” có sự khác biệt. Trong “Triết tư tâm ngữ”, Giáo sư Chương hy vọng đàm luận về “vi đạo” nhiều hơn.

Có người cho rằng nếu nắm vững triết học sẽ trở thành người thông minh tuyệt đỉnh. Cũng có thể như vậy, nhưng Giáo sư Chương nhìn nhận thêm rằng: ít nhất nếu không nắm được triết học, thì sẽ khuyết thiếu trong phương pháp phân tích, độ sâu trong góc độ nhìn nhận, tính toàn diện của vấn đề v.v.

Vậy 2 chuyên mục còn lại có quan hệ gì với “Triết tư tâm ngữ’?

Là nhà sử học và chuyên gia phân tích thời sự, Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, sau khi nắm vững triết học, bạn sẽ có một góc nhìn hoàn toàn mới đối với lịch sử và cuộc sống hiện thực.

Giáo sư Chương đưa ra ví dụ về hình học phẳng. Khi học hình học phẳng, ví như hình học phẳng Ơ-clit, chúng ta có thể thấy rất đơn giản, chỉ có vài tiên đề nhìn qua là hiểu, kiểu như “qua 2 điểm (không trùng) ta vẽ được đường thẳng”… Nhưng khi chúng ta làm đề/bài tập, chúng ta sẽ phát hiện mình chưa hiểu, bởi vì một số chứng minh hình học rất phức tạp. Vì vậy, khi không ngừng làm bài tập, chúng ta sẽ củng cố được hiểu biết của mình về các tiên đề.

Đối với triết học cũng như thế. Triết học chân chính sau khi đến một tầng cao nhất định, kỳ thực vô cùng đơn giản. Nhưng đợi đến khi gặp chuyện thật sự, ví như những chuyện xảy ra hiện nay hoặc vào thời cổ đại, bạn vẫn phát hiện có rất nhiều vấn đề bạn không biết nó là chuyện gì.

Do đó chuyên mục “Triết tư tâm ngữ” như là một tổng kết cho 2 chuyên mục kia.

Hiểu được triết học của ĐCSTQ, sẽ phân tích được cục diện chính trị của tổ chức này
Có người sẽ nói rằng Giáo sư Chương giảng rất “náo nhiệt”, trên thực tế liệu Giáo sư Chương có thấy rõ không. Giáo sư Chương đã kể ra 2 câu chuyện.

Thứ nhất là vào ngày 6/2/2012, Vương Lập Quân chạy từ Trùng Khánh đến Đại sứ quán Mỹ ở Thành Đô, đây là sự việc rất lớn khi đó.

Lúc ấy rất nhiều người phân tích rằng Bạc Hy Lai sẽ không bị sao, vì ĐCSTQ sắp khai mạc Đại hội 18, cho rằng tâm thái của ĐCSTQ là “duy trì ổn định”, “ngăn chặn tổn thất”, không muốn Bộ Chính trị có xáo động quá lớn…

Còn có người cho rằng Bạc Hy Lai sẽ giữ chức vụ nhàn rỗi khi đến Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, thậm chí nói rằng Bạc Hy Lai vẫn còn hy vọng làm Thường Uỷ Bộ Chính trị.

Nhưng 2 ngày sau sự kiện Vương Lập Quân tức ngày 8/2/2012, Giáo sư Chương đã viết lượng lớn bài viết nói rằng Bạc Hy Lai sẽ gặp vấn đề, thậm chí nói rằng đến Lưỡng hội, Bạc Hy Lai sẽ bị bắt. Khi người khác nói Bạc Hy Lai vì sao không gặp chuyện, Giáo sư Chương đã dự kiến được bước tiếp theo chính là: Chu Vĩnh Khang sẽ bị bắt. 

Đây là dự đoán khá táo bạo thời đó, bởi vì từ sau cải cách mở cửa, ĐCSTQ có luật bất thành văn là “Hình bất thượng Thường Uỷ” (Hình phạt không áp dụng lên Thường Uỷ), khi đó Chu Vĩnh Khang là Thường Uỷ Bộ Chính trị. Cho nên nhiều người cho rằng việc bắt Chu Vĩnh Khang là điều không tưởng. Nhưng đến ngày 13/2/2012 (một tuần sau vụ Vương Lập Quân), khi Bạc Hy Lai còn chưa ngã ngựa, Giáo sư Chương đã dự đoán Chu Vĩnh Khang sẽ gặp chuyện.

Giáo sư Chương đã viết loạt bài “Huyền cơ 24 lần dự đoán chính xác cục diện chính trị Trung Quốc”, trong đó có cột hiển thị ngày Giáo sư Chương dự đoán và cột ngày ứng nghiệm.

Ảnh chụp màn hình nội dung 3 dự đoán của Giáo sư Chương vào ngày 8, 13 và 16 tháng 2 năm 2012.

Tại sao Giáo sư Chương làm được như vậy?

Giáo sư Chương giải thích rằng, đây là việc rất đơn giản đối với bản thân mình, đồng thời cũng dễ lý giải.

Khi nhìn thông lệ chốn quan trường ĐCSTQ, thì việc quan chức cấp Phó Quốc gia ngã ngựa trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã hình thành từ năm 1997. Cho nên việc Bạc Hy Lai ngã ngựa là điều dễ hiểu. Khi Tập Cận Bình bắt Chu Vĩnh Khang, ông đã phá vỡ luật bất thành văn của ĐCSTQ là “Hình bất thượng Thường Uỷ”.

Nếu hiểu được hình thức triết học của ĐCSTQ, chúng ta sẽ biết rằng việc Tập Cận Bình sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ là điều bất đắc dĩ mới làm, bởi vì khi ông phá vỡ luật bất thành văn, bản thân ông lâm vào nguy cơ sẽ bị thanh toán trong tương lai. Dù người khác có lăng mạ ông như thế nào, ông vẫn phải làm bởi vì nó liên quan đến an toàn trong tương lai, thậm chí tính mạng của người trong gia đình ông.

Giáo sư Chương đưa thêm ví dụ về chiến tranh thương mại. Nhiều người cho rằng thương chiến này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế ĐCSTQ, khiến tổ chức này rớt đài. Cho nên có thể nhiều người từ vấn đề sản xuất dư thừa của ngành công nghiệp Trung Quốc, tỷ giá hối đoái, hay bong bóng bất động sản… để suy nghĩ chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng đến xu hướng chính trị của ĐCSTQ. Đứng từ góc độ kinh tế, người ta vẫn cảm thấy rằng, dù thương chiến có thành hay không cũng là một đòn giáng mạnh vào ĐCSTQ, thậm chí dẫn đến khủng hoảng chính trị.

Nhưng nếu hiểu được triết học của ĐCSTQ, chúng ta sẽ biết rằng đây không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ gặp khó khăn về kinh tế.

Có 2 thời điểm mà ĐCSTQ gặp khó khăn về kinh tế. Một là sau cách mạng văn hoá, ĐCSTQ từng nói kinh tế Trung Quốc đang bên bờ sụp đổ. Hai là nạn đói lớn kéo dài 3 năm từ 1959 đến 1962, đã có 30-45 triệu người Trung Quốc (nửa số dân Việt Nam bây giờ) chết đói. Nhưng ĐCSTQ có sụp đổ vì vấn đề kinh tế này không? Không. ĐCSTQ đã củng cố chế độ chuyên chính của mình vào thời ấy, sau đó sử dụng các chủng các dạng bạo lực để duy trì chính quyền.

Điều Giáo sư Chương muốn nói đó là: khi xem vấn đề kinh tế, chúng ta không nên cục hạn, chỉ đứng tại góc độ kinh tế; mà nên từ góc độ chính trị, nhân tính v.v. để suy nghĩ, như thế chúng ta mới có góc nhìn hoặc kết luận khác với người khác.

“Kinh và Sử” bất phân gia

Giáo sư Chương đề cập thêm về chuyên mục “Sử hải dương phàm” “Chính luận thiên hạ”. “Sử hải dương phàm” trên thực tế là lấy “Sử” để giải thích triết học.

Thời Trung Quốc cổ đại thì “Kinh” (經) và “Sử” (史) không tách rời. Người Trung Quốc thời xưa có một cách nói là: “Cương nhật độc kinh, nhu nhật độc sử” (剛日讀經, 柔日讀史: ngày nắng đọc Kinh, ngày mây đọc Sử), nói cách khác là thường xuyên đọc Kinh Sử; hoặc câu “Kinh Sử bất phân gia”. 

Giáo sư Chương lấy ví dụ về cuốn “Tứ khố toàn thư” của vua Càn Long, gồm 4 bộ: Kinh (經), Sử (史), Tử (子), Tập (集).

Kinh (經) là kinh điển của Nho gia, trên thực tế cũng là triết học của Nho gia. Sử (史) chính là thông qua lịch sử mà giải thích kinh điển. Ví như Tư Mã Quang viết “Tư trị thông giám”, chính là dùng một số hiện tượng lịch sử để nói Hoàng đế vì sao nên “nhân chính” (仁政: nền chính trị nhân nghĩa); bởi vì Khổng Tử giảng là thế này thế kia, lịch sử phát sinh sự kiện này kia đều chiểu theo một bộ triết học của Nho gia. Do đó Tư Mã Quang cũng là dùng lịch sử để giải thích kinh điển. Đây là “Kinh” và “Sử” trong “Tứ khố toàn thư“.

Tử” (子) là học thuyết ngoài Nho gia, giống như Chư Tử thời Tiên Tần: Hàn Phi Tử, Trang Tử, Tôn Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử, bao gồm cả những điều của Thích giáo v.v. đây đều là tư tưởng triết học. Những tư tưởng này đều quy về “Tử“.

Vì thế cả “Kinh” và “Tử” đều quy về triết học. “Sử” thì giải thích “Kinh“. Còn “Tập” (集) là để gia tăng “văn tài” (tài văn chương), kiểu như “Thi tập” (tập thơ). Đây là lý do vì sao Trung Quốc cổ đại có câu “Kinh Sử bất phân gia”.


Tuy rằng không nói quá chi tiết, nhưng chỉ với vài câu chuyện dẫn dắt cùng những nét phác thảo sơ khởi, Giáo sư Chương đã cho chúng ta nhìn nhận khái quát về tư duy và góc nhìn độc lập, để có thể tự mình phân tích thông tin.

Đồng thời từ những chia sẻ trên, chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng của việc “ôn cố tri tân”, “ôn cổ minh kim”, cũng tức là tính quan trọng của lịch sử trong việc soi chiếu những vấn đề hiện tại.

Tất cả cũng là những điều Giáo sư Chương gửi gắm trong khẩu hiệu/slogan của kênh Youtube cá nhân, với hy vọng mỗi người có thể dần làm được: “Dùng trí huệ cổ xưa, cùng những kinh điển bất hủ, để vén màn sương che mờ hiện thực – Thiên Lượng thời phân”.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *