Mỹ nhân khiến “gian hùng tam quốc” si mê, Tào Tháo từng đánh đông dẹp bắc để giành lấy nhưng cuối cùng vẫn phải nhường con trai

Điêu Thuyền được cho là người đẹp nổi tiếng nhất thời Tam Quốc, nhưng trên thực tế có một người khác xứng danh là “đệ nhất mỹ nhân” thời đại này, khiến 3 cha con Tào Tháo siêu lòng.

Khi nhắc đến mỹ nhân trong Tam Quốc, nhiều người có lẽ sẽ nghĩ đến Điêu Thuyền, một trong “tứ đại mỹ nhân” bên cạnh Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Ngọc Hoàn.

Tuy nhiên, sự tồn tại của Điêu Thuyền đến nay vẫn còn bị nghi ngờ, mà cho dù là một mỹ nhân có thực, thì nàng vẫn chẳng thể được coi là “đệ nhất mỹ nhân Tam Quốc” vì còn có Lạc Thần Chân Mật.

Nàng còn được gọi là Chân Phục hoặc Chân Lạc, nổi tiếng với nhiều truyền thuyết xoay quanh mình. Chân phu nhân được lưu truyền trong dân gian với sắc đẹp lộng lẫy và tài năng văn học siêu Việt. Nụ cười mỹ nữ Chân Mật từng làm ngất ngây biết bao người, đến nỗi cả ba cha con nhà họ Tào là Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực đều si mê.

Có một câu nói trong dân gian được cho là ở thời Tam Quốc dùng để miêu tả sắc đẹp của nàng: “Giang Nam hữu Nhị Kiều, Hà Bắc Chân Phục tiếu”.

Văn Chiêu Chân Hoàng Hậu – Ảnh minh họa

Lạc Thần Chân Mật là ai?

Chân Mật sinh năm 182, thời Hán Linh Đế, người quận Trung Sơn (nay là Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Cha của Chân Lạc mất năm nàng 2 tuổi.

Dù cha mất sớm, nhưng gia đình họ Chân vẫn còn khá giả.

Một lần, Trương phu nhân đưa các con đến gặp một thầy bói tên là Lưu Lương xem tướng, ông ta chỉ vào Chân thị mà nói: “Mai này cô bé này sẽ trở thành một người tôn quý”. Từ nhỏ đến lớn, Chân thị đối với chuyện xem bói toán này không mảy may thích thú. Khi lên 8 tuổi, có những người múa tạp kỹ cưỡi ngựa trước sân nhà, các anh chị em của bà đều thích thú trèo lên mái nhà mà nhìn, riêng Chân thị không đi. Thấy làm lạ, các chị của bà đều hỏi nguyên do, Chân thị ung dung đáp: “Mấy cái này chỉ có trẻ con mới thích xem thôi!”.

Khi lên 9 tuổi, Chân thị rất thích đọc sách, đặc biệt rất thông minh, chỉ cần nhìn qua tiêu đề là đã lĩnh hội được các ý nghĩa, do vậy bà hay cùng các anh trai học chuyện bút nghiên.

Tào Tháo dù si mê Chân Mật nhưng buộc phải nhường con trai Tào Phi

Chân thị lúc ấy mới hơn 10 tuổi, xã hội loạn lạc, thiên tai liên tục, dân chúng đói khổ, nhìn tình hình mà nói với mẹ rằng: “Loạn thế cầu bảo, thật sự không phải thượng sách. Thất phu vô tội, hoài bích có tội, đây là tham của hại thân. Hiện tại dân chúng đều đang cực kì đói khát, chi bằng nhà ta đem ngũ cốc dự trữ khai ra cứu tế, vào lúc này việc ấy mới chính là ban ơn đức hạnh!”. Cả nhà đều thấy lời nói của bà có lý, vì vậy đem toàn bộ lương thực dự trữ trong nhà tiến hành phân phát cho nạn dân.

Sau này, khi đến tuổi thành thân, Chân Lạc được bá chủ phương Bắc đương thời là nhà quân phiệt Viên Thiệu cưới về cho con trai Viên Hy.

Năm 204, quân Tào Tháo chiếm được thủ phủ của Ký Châu, Chân Mật phu nhân đã lọt vào tay của quân Tào. Ai cũng biết Tào Tháo có sở thích đặc biệt là hứng thú với vợ thiên hạ, hơn nữa nhan sắc của Chân Mật đã được vang xa từ lâu. Thế nên sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo đã hạ lệnh không cho phép ai động đến gia quyến nhà họ Viên.

Song, thật không may Tào Phi lại là người đầu tiên dẫn quân vào Viên phủ và gặp được Chân Mật trước, nên dù tiếc đứt ruột thì Tào Tháo vẫn phải cưới nàng cho con trai mình.

Chân Mật dù xinh đẹp tuyệt trần nhưng cuộc đời lại bi thương

Theo nhiều sách kể lại rằng, khi Tào Phi xông vào nhà họ Viên thì thấy cảnh vợ Viên Thiệu và Chân Mật đang ôm nhau khóc, đầu bù tóc rối, mặt nhọ. Ngay lập tức, Tào Phi kéo nàng lại gần, lấy ống tay áo nhẹ nhàng lau mặt cho nàng thì thốt lên rằng: “Thật là một tiên nữ”!.

Sau khi kết hôn, Chân Mật hạ sinh cho Tào Phi một con trai đặt tên là Tào Duệ. Thời gian này Chân Mật rất được Tào Phi sủng ái. Khi Tào Tháo qua đời và Tào Phi xưng đế, ông bắt đầu lạnh nhạt với Chân Mật, quay sang sủng ái Quý tần Quách Nữ Vương cùng các Lý Quý nhân, rồi Âm Quý nhân, sau đó lại nạp thêm hai con gái của Hán Hiến Đế. Từ đây, tấn bi kịch trong cuộc đời nàng Chân Mật cũng bắt đầu.

Phận đời ngập trong nước mắt của Chân Mật

Theo đó, Quách Nữ Vương luôn tỏ ra ghen tức quyết tâm tiêu diệt Chân Mật để trở thành chủ hậu cung.

Quách Thị bày độc kế, để bùa trong phòng của Tào Phi rồi tố cáo Chân thị yểm bùa hãm hại chồng.

Tào Phi cho người điều tra và quả nhiên tìm thấy tượng gỗ có khắc tên mình trong phòng của Chân Mật. Chứng cớ rành rành, nàng bị Tào Phi ra lệnh cho uống thuốc độc tự tử. Bi thảm hơn, khi chết, nàng còn bị nhét đầy cám vào mồm, rũ tóc che khuất mặt mới được mai táng. Cuộc đời mỹ nữ lừng danh thời Tam Quốc kết thúc bi thảm như vậy ở tuổi 39.

Văn Chiêu Chân Hoàng Hậu từng được đồn thổi có tình cảm với em chồng Tào Thực

Sau khi Tào Phi qua đời, Tào Duệ nối ngôi, Chân Mật mới được con ruột của mình truy phong làm Hoàng hậu. Chưởng lễ quan sau đó dâng sớ tấu nên dâng thụy hiệu thêm cho Chân hậu, lấy chữ “Văn” trong thụy của Tiên đế cùng một chữ mang tính diễn tả, nên là Văn Chiêu hoàng hậu.


Riêng về mối quan hệ Tào Thực – em trai Tào Phi với Chân Mật, nhiều sách vở chép lại rằng, từ lâu họ đã có tình cảm sâu nặng nhưng không dám vượt qua ranh giới. Tào Thực hoàn toàn xiêu lòng trước sắc đẹp, vẻ dịu dàng, hiền hậu của chị dâu, và với tài văn thơ của mình, ông đã lay động tâm hồn của mỹ nữ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân Thực bị Phi ghét cay ghét đắng, ra sức chèn ép.

“Lạc Thần Phú” trứ danh của Tào Thực được sáng tác sau khi ông mộng thấy người chị dâu quá cố. Tào Thực dùng hình ảnh ẩn dụ của “Mật Phi – thần của Lạc Thủy” để nói về vẻ đẹp của nàng Chân Mật.

Nguồn: SH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *