Giáo sư nhân chủng học Charles Golden của Đại học Brandeis và các đồng nghiệp đã tìm thấy thủ đô bị thất lạc của vương quốc Sak Tz’i’ cổ đại thuộc nền văn minh Maya tại một trang trại chăn nuôi gia súc, nơi mà ngày nay thuộc bang Chiapas ở phía đông nam Mexico.
Vương quốc Sak Tz’i’ thuộc nền văn minh Maya bí ẩn được tìm thấy tại một trang trại chăn nuôi ở Mexico. (Ảnh minh họa nền văn minh Maya: Pixabay)
Giáo sư Golden đã hợp tác với nhà nghiên cứu khảo cổ sinh vật học của Đại học Brown Andrew Scherer và một nhóm các nhà nghiên cứu từ Mexico, Canada và Hoa Kỳ, đã bắt đầu khai quật địa điểm này từ tháng 6 năm 2018.
Một trong số những phát hiện của các nhà khoa học là một kho các di tích của người Maya cổ đại, trong đó có một di tích quan trọng là bản khắc chữ mô tả các nghi lễ, những trận chiến, một con rắn nước thần thoại và điệu nhảy của thần mưa. Họ cũng tìm thấy tàn dư của kim tự tháp, một cung điện hoàng gia và sân bóng tại vị trí khai quật.
Những con bò vẫn gặm cỏ trong trang trại nơi các nhà khoa học đang tổ chức công việc khai quật di tích. Việc đảm bảo để các loài động vật xung quanh không giẫm đạp lên những nơi đang khai quật, rơi xuống hố sâu hoặc làm bẩn khu vực làm việc bằng phân của chúng cũng là một trong những thách thức hàng ngày của các nhà khoa học.
Hình bên trái, bản vẽ của bản khắc được tìm thấy tại hiện trường khai quật vương quốc Sak Tz’i’. Hình bên phải, mô hình 3 chiều kỹ thuật số. (Ảnh: Stephen Houston (Đại học Brown)/Charles Golden (Đại học Brandeis))
Giáo sư Golden và các nhà nghiên cứu của ông tin rằng địa điểm khảo cổ – được đặt tên theo địa danh hiện nay gần khu vực đó là Lacanja Tzeltal – là thủ đô của vương quốc Sak Tz’i’ cổ đại thuộc nền văn hóa Maya, nơi mà ngày nay là bang Chiapas ở phía đông nam Mexico.
Có khả năng thành phố được xây dựng lần đầu tiên vào những năm 750 trước Công nguyên và sau đó bị xâm chiếm trong hơn 1.000 năm.
Các học giả đã tìm kiếm bằng chứng về vương quốc Sak Tz’i’ từ năm 1994 khi họ nghiên cứu các tài liệu tham khảo trong các bản khắc được tìm thấy tại các địa điểm khai quật khác về nền văn minh Maya. Vương quốc cũng được đề cập đến trong các tác phẩm điêu khắc ở trong các bảo tàng trên khắp thế giới. Sak Tz’i’ không phải là vương quốc hùng mạnh nhất trong số các vương quốc của nền văn minh Maya, và tàn dư của nó còn khiêm tốn so với các địa điểm nổi tiếng hơn ở Chichen Itza và Palenque gần đó.
Nhưng Golden nói rằng việc phát hiện ra Sak Tz’i’ là một bước tiến lớn trong sự hiểu biết của chúng ta về chính trị và văn hóa Maya cổ đại. Ông cố gắng so sánh Sak Tz’i với bản đồ châu Âu thời trung cổ từ các tài liệu và nghiên cứu lịch sử về một nơi gọi là France. “Đây là một câu đố lớn đối với nhân loại’’, Golden nói. Golden và các cộng tác viên của ông đã công bố kết quả nghiên cứu của họ trên Tạp chí Khảo cổ học.
Vương quốc Sak Tz’i’ được tìm thấy như thế nào?
Vào tháng 6 năm 2014, để thực hiện một đề tài cho luận văn tốt nghiệp, sinh viên cao học Whittaker Schroder của Đại học Pennsylvania, người đã làm việc trong dự án của Golden, đã lái xe vòng quanh Chiapas xem xét các công trình khảo cổ. Khoảng cuối thời gian ở Chiapas, một người đàn ông bán Carnitas (món thịt lợn hầm xé phay, một món ăn đặc trưng của người Mexico) ở bên đường cao tốc thỉnh thoảng vẫy tay gọi khi anh đi qua.
Schroder nghĩ rằng anh ta muốn bán thức ăn cho mình. Là người ăn chay, nên anh không dừng lại và vẫn tiếp tục lái xe đi qua. Cuối cùng, một ngày trước khi đi khỏi Chiapas, Schroder nghĩ rằng không có gì để mất và quyết định dừng xe lại.
Rốt cuộc, người đàn ông không quan tâm đến việc bán Carnitas cho Schroder. Anh ấy nói với Schroder rằng, bạn của anh ấy đã phát hiện ra một viên đá cổ. Anh ấy biết Schroder, người đã làm nghiên cứu trong khu vực này trong nhiều năm, rất quan tâm đến khảo cổ nền văn minh Maya. Anh ấy hỏi xem các sinh viên cao học có muốn xem vật đó không. Ngày hôm sau Schroder và một sinh viên cao học khác, Jeffrey Dobereiner của Đại học Harvard, đã gặp người bạn của người bán đồ ăn, một chủ trang trại gia súc, chủ cửa hàng tiện lợi và là một thợ mộc, và xác nhận tính xác thực của một bản khắc thời cổ đại. Sau đó, anh báo cho Golden và Scherer biết tình hình.
Bản đồ khu vực khai quật vương quốc Sak Tz’i’, có hình giống chiếc móng ngựa: ở bên trái là khu vực cung điện; ở bên phải và khu vực trung tâm là Trung tâm nghi lễ và giao thương hàng hóa. (Ảnh: Charles Golden)
Phải mất thêm năm năm để thương lượng cho phép khai quật trên tài sản của người chủ trang trại. Ở Mexico, di sản văn hóa như các địa điểm của người Maya cổ đại được coi là tài sản của nhà nước, vì vậy người chủ trang trại lo lắng đất đai của mình có thể bị chính quyền tịch thu. Golden và Scherer đã làm việc với ông ấy và các quan chức chính phủ để đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra.
Cuộc sống hàng ngày ở vương quốc Sak Tz’i’
Vương quốc Sak Tz’i’ tương đối nhỏ, nằm giữa biên giới Mexico-Guatemala ngày nay.
Tại sao nó được gọi là Sak Tz’i’, có nghĩa là con chó trắng, cho đến nay vẫn không ai biết được điều đó. Cư dân thời cổ đại sống ở vùng nông thôn chủ yếu dựa vào thu hoạch các loại cây trồng và làm nghề thủ công về đồ gốm và đá. Golden và các đồng nghiệp đã tìm thấy tàn dư của những gì có khả năng là một khu thương mại sầm uất của thành phố, nơi những loại hàng hóa thủ công này được mang đến để thực hiện giao thương.
Cư dân ở các vùng khác của vương quốc cũng đến thành phố để tham dự các trò chơi bóng nghi lễ, trong đó người chơi giữ một quả bóng cao su rắn, đôi khi nặng đến 9kg (20 pounds), họ vừa đập bóng làm cho nảy lên xuống, qua lại trên một sân chơi hẹp và di chuyển trong khi đẩy đối phương bằng hông và vai của họ. Ở phía đông bắc của thành phố là những tàn tích của một kim tự tháp cao 13,7m (45 feet) và một số cấu trúc xung quanh từng là nơi cư trú của giới thống trị xã hội và địa điểm cho các nghi lễ tôn giáo.
Trung tâm của các hoạt động tôn giáo và chính trị là Quảng trường “Plaza Muk’ul Ton’’, một khu vực rộng 0,6 ha (1,5 mẫu Anh), nơi người dân tập trung cho các nghi lễ. Một hành lang kết hợp cầu thang dẫn từ quảng trường đến một nền tháp cao, nơi các đền thờ và sảnh tiếp tân được xây dựng thành hàng lối rõ ràng và các thành viên của hoàng gia từng tổ chức các nghi lễ của triều đình ở đây và có thể các công trình đã bị chôn vùi.
Chiến tranh và hòa bình ở vương quốc Sak Tz’i’
Sak Tz’i’ có sự bất hạnh khi xung quanh họ là các vương quốc mạnh hơn.
Đối với người dân thủ đô và vùng nông thôn lân cận, điều này có nghĩa là mối đe dọa vĩnh viễn của chiến tranh và can thiệp bạo lực vào cuộc sống hàng ngày. Golden và các cộng tác viên của ông đã tìm thấy bằng chứng cho thấy thủ đô được bao quanh một bên bởi những hào nước dốc đứng. Ở phía bên kia, những bức tường gạch được xây dựng để ngăn chặn những kẻ xâm lược. Những công sự này không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Những chữ khắc trên một tượng đài kể về thời điểm ít nhất một phần của thành phố bị đốt cháy trong cuộc xung đột với các vương quốc láng giềng. Cuối cùng, sự sống sót của Sak Tz’i’ có thể phụ thuộc nhiều vào khả năng đàm phán hòa bình với các nước láng giềng – và thậm chí còn kết giao với nhau – tạo ra sức mạnh quân sự của vương quốc. Golden cho biết đây là một trong những lý do khiến cho khá nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới quan tâm đến vương quốc Sak Tz’i’. Các nhà khảo cổ học cũng biết rất ít về cách các vương quốc Maya cỡ trung đã điều động và xoay sở để kiên trì đối mặt với sự thù địch liên tục từ các vương quốc hùng mạnh hơn như thế nào.
Các di tích của vương quốc Sak Tz’i’
Cho đến nay, hàng chục tác phẩm điêu khắc đã được tìm thấy giữa các tàn tích tại địa điểm khai quật thành phố Sak Tz’i’, mặc dù nhiều tác phẩm đã bị hư hại do cướp bóc hoặc xuống cấp qua hàng thiên niên kỷ do mưa, cháy rừng và thảm thực vật nhiệt đới tươi tốt. Tác phẩm điêu khắc được bảo quản tốt nhất là bản khắc ban đầu được người bạn của người bán đồ ăn Carnitas đưa cho Schroder.
Một bản khắc có kích thước 61 x 122 cm (2 x 4 feet), những dòng chữ khắc trên đó kể những câu chuyện về một con rắn nước thần thoại, được mô tả trong các khớp nối thơ mộng như “bầu trời sáng bóng, đất sáng bóng’’,các vị thần già nua, lạnh lùng mà chưa ai biết được tên của họ. Ngoài ra còn có các bản ghi về cuộc sống của các quốc vương triều đình.
Có một dòng chữ khác kể về trận lụt thần thoại, trong khi những dòng chữ khác nữa liệt kê những ngày tháng lịch sử cho sự ra đời và trận chiến của nhiều quốc vương khác nhau, bao gồm một vị quốc vương tên là K’ab Kante’. Sự đan xen giữa huyền thoại và hiện thực này là điển hình của các bản chữ khắc của người Maya và có ý nghĩa đặc biệt đối với các học giả và độc giả nghiên cứu về văn hóa Maya cổ đại. Ở dưới cùng của bản khắc là một nhân vật hoàng gia đang nhảy múa. Người Maya tin rằng những người trong hoàng gia có thể trở thành một vị thần hoặc thậm chí thực sự biến thành một vị thần. Trong trường hợp này, người của hoàng gia đó được hóa trang thành thần mưa kết nối với những cơn bão nhiệt đới dữ dội, gọi là Yopaat.
Schroder (trái) và Scherer (phải) đang khai quật trong sân bóng của Sak Tz’i’, họ phải dựng một hàng rào xung quanh để che chắn không cho những con bò bước vào hố khai quật. (Ảnh: Charles Golden)
Trong tay phải, người này cầm một chiếc rìu tạo ra tia sét của cơn bão, về khía cạnh thần thánh chiếc rìu có tên là K’awiil. Trong tay trái của mình, người này mang theo một “manopl’’, một chiếc găng sắt hoặc dùi cui được sử dụng trong chiến đấu.
Khám phá vương quốc Sak Tz’i tiếp theo như thế nào’?
Với sự cho phép của chính phủ Mexico và cộng đồng địa phương, Golden, Scherer và các cộng sự có kế hoạch trở lại Sak Tz’i’ vào tháng Sáu tới.
Họ sẽ tiếp tục lập bản đồ thành phố cổ bằng cách sử dụng, một trong số các công cụ của họ, một thiết bị kỹ thuật gọi là LIDAR (light detection and ranging – phát hiện bằng ánh sáng từ xa) trong đó một công cụ tìm kiếm bằng tia laser được gắn trên máy bay hoặc máy bay không người lái để phát hiện các kiến trúc và địa hình dưới mặt đất, ngay cả dưới tán rừng rậm rạp.
Các thành viên trong nhóm sẽ cố định các tòa nhà cổ đại có nguy cơ sụp đổ, và tiếp tục tìm kiếm các tài liệu như những tác phẩm điêu khắc vẫn nằm trong đống đổ nát cổ xưa. Họ cũng sẽ khám phá thêm về khu vực mà họ tin là nơi giao thương buôn bán của cư dân, hy vọng tìm thấy nhiều bằng chứng về các loại hàng hóa được bán ở đó và các xưởng sản xuất dụng cụ bằng đá và các sản phẩm khác của nền văn minh Maya cổ đại.
Golden nói rằng các nhà khoa học đang chú ý đặc biệt đến việc hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương, ông nói thêm:
“Để thành công thực sự, nghiên cứu sẽ cần đưa ra các những hiểu biết mới về nền văn minh Maya cổ đại và không gì tốt hơn là sự hợp tác có ý nghĩa địa phương với con cháu hiện nay của họ’’.
Những nền văn minh cổ xưa luôn mang đến cho chúng ta những bất ngờ về công nghệ phục vụ cuộc sống dân sinh, nhưng hầu hết các công nghệ đó đều thân thiện với môi trường, đưa con người hòa nhập vào tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên. Chính vì vậy mà họ đã có được sự tồn tại lâu dài.
Chúng ta hãy thử nhìn lại những năm gần đây của thời đại hiện nay, việc sử dụng các loại hóa chất, phân bón hóa học, túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa khác đã tàn phá môi trường tự nhiên vô cùng lớn và nhanh chóng. Công nghiệp khai khoáng cho nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hiện đại của chúng ta đã bất chấp môi trường mà khai thác triệt để các nguồn tài nguyên hóa thạch dưới lòng đất. Vì sự thích ăn ngon mà đã tận diệt sự sống của các sinh vật biển, rừng… Như vậy chẳng phải chúng ta đang rút ngắn sự tồn tại của chính chúng ta hay sao? Mỗi chúng ta đều đang mong muốn tìm cách trả lời cho câu hỏi này.
Nguồn: NTDVN
- “Phượng hoàng trắng trong truyền thuyết” xuất hiện khiến dân mạng dậy sóng
- Những dự đoán của nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking về ngày tàn của Trái Đất
- Một cuốn Thiên thư suốt 600 năm không ai có thể hiểu được: Những lời tiên tri cần được giải mã?