6 cung thủ “bách phát bách trúng” trong lịch sử Việt Nam

Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước xuất sinh rất nhiều các dũng tướng nước Nam với tài thiện xạ, bách phát bách trúng còn mãi lưu danh sử sách.

1. La Xuân Kiều (?)

Ông là một trong Tây Sơn Lục Kỳ Sỹ, người huyện Phù Cát, Bình Định. La Xuân Kiều, người cũng như tên, hết sức thanh tao và tài hoa phong nhã. Nhan sắc của ông không có thông tin lưu trữ, nhưng đây là đang nói tới nét đẹp nội hàm ở mặt tài năng. Ông là người am hiểu văn thơ chữ Nôm, chữ Hán. Đặc biệt ông còn cực giỏi cưỡi ngựa bắn cung.

La Xuân Kiều và Vĩ Mao Cung (Ảnh minh họa)

Họ La có một cây cung đặc biệt, được gọi là Vĩ Mao Cung, là một trong Tứ Đại Thần Cung thời kỳ này. Sở dĩ có cái tên Vĩ Mao Cung là do dây cung được bện từ đuôi ngựa và thân cung được làm từ một loại gỗ quý. Bên cạnh đó, sử sách còn ghi lại mỗi khi Vĩ Mao bắn, một âm thanh trong trẻo du dương phát ra và khi âm dứt thì tên vừa trúng hồng tâm. Vĩ Mao Cung là một vật bất ly thân của La Xuân Kiều. Cũng nhờ Vĩ Mao mà La Xuân Kiều được nổi danh trong số các xạ thủ đương thời và ngược lại, nhờ tài năng của La Xuân Kiều mà Vĩ Mao đã có thể vươn lên hàng Thần Khí cùng thời.

2. Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320)

Phạm Ngũ Lão là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.

Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam).

Mãnh tướng Phạm Ngũ Lão (Ảnh minh họa)

Phạm Ngũ Lão là một trong những nhân vật văn võ toàn tài nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ông nổi bật lên là một viên mãnh tướng bách chiến bách thắng với mưu lược và võ nghệ hơn người. Để sánh võ nghệ với Phạm Ngũ Lão thời kỳ này chỉ có một mình Nguyễn Khoái là kỳ phùng địch thủ, chỉ có duy nhất 2 viên mãnh tướng này của quân đội nhà Trần là có thể đơn đả độc đấu với hổ tướng Toa Đô của nhà Nguyên, một viên tướng nổi tiếng kiêu dũng thiện chiến với sức mạnh vô địch đã từng tung hoành hàng trăm trận.

Không chỉ sở hữu võ nghệ tuyệt luân, ông còn nổi tiếng là một tay cung thủ trác tuyệt. Còn nhớ trước khi về dưới trướng của Hưng Đạo Vương, ông đã từng lên kinh ứng thí võ trạng nguyên. Ngũ Lão đã từng bắn đứt giải cờ của vua với khoảng cách 100 bước (khoảng 166m), do điều này mà ông bị đuổi về quê đan sọt.

3. Đinh Văn Tả (1602-1685)

Đinh Văn Tả là tướng thời Lê Trung Hưng. Ông vốn là người có sức khỏe, tính khí ngang tàng và đặc biệt tài năng bắn cung được coi là thiên hạ vô địch vào thời kỳ này. Trong một buổi Đinh Văn Tả ra xem trường thi võ, thấy các thí sinh thi nhau trổ tài bắn cung, ông cười mà nói rằng bọn họ là đồ vô năng, chỉ phí lương bổng của triều đình.

Quan trường thấy thế liền mời ông vào để thử tài. Ông liền lấy cung bắn 10 phát vào 10 tấm bia khác nhau. Mười phát trúng cả 10. Ông được viên quan trường tâu lên chúa Trịnh Tráng, sau đó được phong làm chức Võ Giai, thường được cử cầm quân dẹp giặc, lập được nhiều chiến công hiển hách.

Tướng Đinh Văn Tả (Ảnh minh họa)

Năm 1667, chúa Trịnh cho lập sinh từ của Đinh Văn Tả. Có thể thấy đây là một trường hợp hiếm trong trong suốt các triều đại phong kiến Việt Nam. Chúng ta biết vào thời Trần chỉ có Trần Hưng Đạo được lập đền thờ khi còn sống. Xét về địa vị và tiếng tăm thì Hưng Đạo Vương hơn hẳn Đinh Văn Tả, hơn nữa Trần Hưng Đạo còn là hoàng thân quốc thích. Điều này cho thấy được sự ân sủng đặc biệt của nhà Lê đối với vị danh tướng này.

4. Nguyễn Quang Huy (?)

Nguyễn Quang Huy gốc người Phú Yên, được sử sách miêu tả như một nhân vật nổi bật với khả năng tinh thông binh pháp và bản lĩnh võ nghệ cá nhân. Ông đặc biệt được vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) quý trọng và tín cẩn giao cho chức Phòng ngự sứ tại trấn Bình Thuận.

Chúa Nguyễn Ánh suýt mất mạng dưới tay Thiết Quai Cung của Nguyễn Quang Huy (Ảnh minh họa)

Nguyễn Quang Huy lui về Phú Yên sau khi Bình Thuận bị Nguyễn Phúc Ánh chiếm. Năm Kỷ Mùi (1799), hay tin thành Quy Nhơn bị Phúc Ánh uy hiếp, Quang Huy kéo quân ra, trong một ngày mà hạ gục 25 viên tướng của Phúc Ánh. Giữa lúc đang tả xung hữu đột, chợt thấy Phúc Ánh đứng trên thành, Nguyễn Quang Huy vẫn bình tĩnh giương cung. Trúng tên ngã bất tỉnh, Phúc Ánh buộc phải rút hẳn về Gia Định.

Tương truyền, Nguyễn Quang Huy dùng cây Thiết Quai Cung trong suốt đời binh nghiệp của mình. Đó là một cây cung bằng thép (thiết quai) nên nặng gấp ba bốn lần cung thường, uy lực cũng đáng sợ gấp mấy lần như thế.

5. Lý Văn Bưu (?)

Lý Văn Bưu là một danh tướng nhà Tây Sơn, dưới trướng của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, một trong Tây Sơn Thất Hổ Tướng. Ông sở hữu Kỳ Nam Cung, một trong Tứ Đại Thần Cung thời bấy giờ. Cây Kỳ Nam Cung này có một cấu trúc đặc biệt. Giữa nơi cánh cung, chỗ tay cầm có tháp gỗ quý Kỳ Nam. Kỳ Nam là một loài gỗ quý họ Trầm Hương, khi treo cung nơi phòng thì hương trầm thơm ngát khắp nhà. Lúc dùng nơi trận địa, hương trầm làm tăng nội lực nên Lý Văn Bưu bắn trăm phát trăm trúng. Càng bắn nội lực càng tăng, tên càng trúng đích.

Kỳ Nam Cung của Lý Văn Bưu càng bắn nội lực càng tăng (Ảnh minh họa)

Ngày ấy, khi đang nhà Tây Sơn đang trong giai đoạn xây dựng lực lượng, tại dãy núi Ninh Thuận có một con hổ to lớn như con trâu mộng, rất hung dữ và tinh khôn, nó thường xuyên xuống thôn bắt bò, lợn thậm chí là cả người để ăn thịt. Tương truyền da của nó dày đến mức giáo mác đâm ko làm chết được nó mà chỉ làm nó xây sát. Tất cả thợ săn, trai tráng trong vùng đều không ai diệt trừ nổi nó.

Nghe tiếng Lý Văn Bưu xách Kỳ Nam Cung vào rừng và tiêu diệt con hổ dữ. Gặp được hổ, họ Lý giương Kỳ Nam Cung bắn một phát vào đầu cọp.

Tên xuyên từ mắt phải ra đến sau ót. Cọp còn hăng sức xông đến. Lý Văn Bưu tiếp liền hai phát. Tuy da hổ cứng rắn song tên vẫn xuyên ngang cuống họng và yết hầu. Cọp giãy giụa một hồi lâu mới chết. Dân làng và các vùng lân cận đều khâm phục thần oai của ông và kéo theo gia nhập quân Tây Sơn rất đông đảo. Trong các trận Nam chiến, đánh nhau với quân Xiêm và Bắc chiến với quân Mãn Thanh, cây Kỳ Nam Cung cũng đã ra sức giúp Lý Văn Bưu lập được nhiều chiến công.

6. Đặng Xuân Phong (?)

Đặng Xuân Phong cũng là một danh tướng thời Tây Sơn. Nói đến bắn cung thời kỳ này thì có lẽ Đặng Xuân Phong là anh tài số một, khả năng bộ xạ, kỵ xạ đều khó có ai vượt qua nổi họ Đặng. Ông người làng Dũng Hòa, Huyện Tuy Viễn (Tây Sơn) võ nghệ cao cường, sức mạnh hơn người có tài cưỡi ngựa bắn cung. Đặng Xuân Phong sử cây Liên Phát Cung, cũng là một trong Tứ Đại Thần Cung. Cánh cung làm bằng thép có độ cứng và đàn hồi cao nên sức bật rất mạnh. Nhờ ở sức mạnh và tài luyện tập, Đặng Xuân Phong có thể bắn một lần 4 mũi tên. Do tính cách ưa nhàn, không thích công danh, nên khi nhà Tây Sơn chiêu mộ anh tài, Xuân Phong không ra hưởng ứng.

Đặng Xuân Phong được mời tham gia phong trào Tây Sơn nhờ tài xạ điêu (Ảnh minh họa)

Một hôm Bùi Thị Xuân đang đứng ở vườn trầu Kiên Mỹ, chợt thấy một tráng sĩ trẻ tuổi tay cầm côn đồng, vai mang cung sắt, mình cưỡi ngựa ô, từ thôn Thuận Nghĩa chạy lên Phú Lạc. Thái độ hiên ngang, tướng mạo trung hậu. Nữ tướng thầm khen, theo dõi dò xét. Đến chân hòn Trưng Sơn, tráng sĩ giục ngựa lên núi.Đường núi gập ghềnh mà ngựa chạy như trên đất bằng. Ngựa chạy quanh quất một hồi lâu rồi dừng nơi một khoảnh đất trống bằng phẳng nằm lưng chừng núi. Chợt một bầy quạ bay ngang qua. Tiếng kêu rộn ràng. Tráng sĩ liền trương cung bắn 2 phát, 2 con quạ trúng tên rơi xuống, rồi lại nhanh tay ra liên tiếp 5 phát nữa 5 con quạ như 5 quả chín rụng xuống. Biết là người có tài, Bùi Thị Xuân sau khi thăm dò gốc tích, đã cùng với Vũ Đình Tú đến tận làng Dũng Hòa kết bạn và mời tham gia đại sự, xây dựng nhà Tây Sơn.


Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *