Kỳ quan thế giới cổ đại: Ai Cập phê duyệt tái xây dựng ngọn hải đăng Alexandria

Ngọn hải đăng Alexandria là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Kỳ công trong ngành xây dựng này cao tới 130m cho tới khi nó bị phá hủy trong một trận động đất vào thế kỷ 14 SCN.

Tranh minh họa “Ngọn hải đăng Alexandria” của họa sĩ Fischer von Erlach, 1656 – 1723 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Ngọn hải đăng sẽ tái xuất hiện, chính quyền Ai Cập vừa thông qua kế hoạch xây dựng lại công trình kiến trúc cao chót vót này.

Tranh minh họa “Hải đăng Alexandria” của họa sĩ Maarten van Heemskerck (1498–1574). (Ảnh: Wikimedia Commons)

Được xây dựng vào cuối vương triều Ptolemy I hoặc vào đầu vương triều Ptolemy II, trong khoảng giai đoạn 280 TCN, ngọn hải đăng này nằm trên mũi phía đông hòn đảo Pharos. Posidippus xứ Pella, một nhà thơ sinh sống ở Alexandria trong giai đoạn trị vì của Ptolemy II, đã viết một bài thơ trên một mảnh giấy cói, ghi nhận Sostratus xứ Cnidus là kiến trúc sư của công trình này.

Một số miêu tả đề cập đến một bức tượng to lớn, khắc họa hình ảnh vị quốc vương Alexander Đại đế hoặc Ptolemy I dưới hình tượng thần Mặt trời Helios, từng tọa lạc trên đỉnh ngọn hải đăng. Đây có thể là một thông điệp rõ ràng cho bất kỳ ai tiến vào Alexandria bằng đường biển, rằng thành phố hiện đang nằm dưới ‘sự cai quản của vua Ptolemy’. Ngoài ra, điều này còn thể hiện chủ nghĩa làm việc tốt (εὐεργετέω – một thuật ngữ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “làm việc tốt”, trong đó những người dư giả và có địa vị đóng góp một phần tài sản cho xã hội) của vương triều vừa mới được kiến lập.




Bức phác họa “Hải đăng Alexandria” vào thế kỷ 17. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Ngoài việc là một biểu tượng tuyên truyền nhằm hợp pháp hóa sự trị vì của Ptolemy I, hải đăng Alexandria cũng có một chức năng rất thiết thực. Giống với tất cả các ngọn hải đăng khác, nó hỗ trợ các hoa tiêu định hướng và tìm đường về cảng.

Theo sử gia Strabo, “Đây là một đề xuất từ kiến trúc sư Sostratus xứ Cnidus, một người bạn của quốc vương, vì sự an toàn của các thủy thủ, như nội dung chạm khắc có ghi: vì bờ biển không có cảng và thấp ở cả hai bên bờ, ngoài ra còn có các rạn san hô và vùng nước nông, nên những người đưa thuyền vào bờ từ ngoài khơi cần một loại tín hiệu ở nơi cao dễ thấy để hỗ trợ họ điều hướng theo đúng lối vào cảng.




Ngoài ra cửa phía tây cũng không hề dễ vào, dù nó không đòi hỏi sự thận trọng như các cửa khác”. Từ sự mô tả này, có thể suy ra rằng Alexandria là một thành phố rất quan trọng ở Ai Cập vào thời Ptolemy, vì nó không chỉ là thủ đô của vương triều này, mà còn là cửa ngõ thông ra biển Địa Trung Hải. Do đó, việc xây dựng ngọn hải đăng có mục đích đảm bảo cho tàu bè, đặc biệt là tàu buôn, có thể cập cảng Alexandria một cách an toàn, từ đó mang đến những lợi ích kinh tế to lớn cho vương triều Ptolemy.

Hải đăng Alexandria đã bị hư hại trong một loạt các trận động đất trong khoảng từ thế kỷ 3 cho đến thế kỷ 12, và được cho là đã bị phá hủy hoàn toàn vào đầu thế kỷ 14. Năm 1994, hàng trăm khối đá lớn nguyên bản xây ngọn hải đăng đã được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi hòn đảo.


Ngọn hải đăng được xây dựng để bảo vệ tàu thuyền vào cảng Alexandria. Hình vẽ ‘Hải đăng Alexandria’ trong bản đồ của Jansson Jansonius (năm 1630). (Ảnh: Wikimedia Commons)

Hải đăng Alexandria gồm 3 phần chính: phân khúc vuông phía dưới với một lõi trung tâm, phân khúc hình bát giác ở giữa, và phân khúc tròn trên đỉnh. Một tấm gương được dùng để phản chiếu ánh sáng Mặt trời vào ban ngày, và một ngọn lửa được thắp sáng về đêm để định hướng cho tàu bè.

Tờ Cairo Post đưa tin rằng theo kế hoạch, nơi tái dựng ngọn hải đăng sẽ chỉ cách vị trí lúc ban đầu một vài mét về phía tây nam, do nằm ở vị trí đó hiện nay là pháo đài Citadel Qaitbay.

Nguồn: DKN – Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *