Vì sao lại có kim tự tháp này ở giữa thành Rome?

Đại Kim tự tháp Giza chắc chắn là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất xứ Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, các kim tự tháp tương tự cũng được tìm thấy trên khắp Châu Âu và xa hơn nữa.

Kim tự tháp ở Rome (Ảnh: rome-tour.co.uk)

Các kim tự tháp theo phong cách Ai Cập đã được phát hiện ở biên giới phía nam của Sudan ngày nay. Những kim tự tháp này đã được vị vua của Vương quốc Kush xây dựng. Năm 30 TCN, Ai Cập trở thành một tỉnh của Đế quốc La Mã, và người La Mã thậm chí đã triển khai một cuộc viễn chinh tại lãnh thổ Kush vào năm 23 TCN. Có khả năng sự tiếp xúc với các kim tự tháp Ai Cập, hay kim tự tháp Kush, hay cả hai, đã phần nào ảnh hưởng đến lối kiến trúc của Kim tự tháp Cestius ở một trong những nơi khó ngờ nhất, thành Rome, Italy.

Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập. (Ảnh: Shutterstock)

Trước hết cần nói rõ rằng Kim tự tháp Cestius không phải là kim tự tháp có phong cách Ai Cập duy nhất ở Rome. Cũng có một kim tự tháp khác, gọi là ‘Kim tự tháp Romulus’, người ta tin rằng 2 kim tự tháp này là lăng mộ của những người đặt nền móng đầu tiên cho thành Rome. Kim tự tháp Romulus với kích thước lớn hơn, nằm giữa thành Vatican và lăng Hadrian (cũng được gọi là Castel Sant’Angelo), đã bị tháo dỡ vào khoảng giữa thế kỷ 16 để thu thập đá cẩm thạch phục vụ việc xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (St. Peter’s Basilica).




Tác phẩm ‘Cảnh tượng Thập tự giá’ của họa sĩ Raphael. Kim tự tháp Romulus được phác họa ở đằng sau phông nền. (Ảnh: Wikimedia)

Kim tự tháp Cestius đã được xây dựng dọc theo con đường Via Ostiensis trong giai đoạn giữa năm 18 và 12 TCN. Kim tự tháp này có phần nhân bằng bê tông và một bức màn gạch, và phần bề ngoài của nó được bao phủ bằng đá cẩm thạch Luni. Phần đáy kim tự tháp là một hình vuông có cạnh dài 29,5 m, trong khi chiều cao của nó lên đến 36,4 m. Trong kim tự tháp là một hầm mộ mái vòm rộng khoảng 23 m2, và được dựng tường theo lối kiến trúc Ai cập vào thời điểm chôn cất. Vào thế kỷ thứ 3 SCN, kim tự tháp này được sáp nhập với một chu vi tường bao gọi là tường thành Aurelian. Một tương những cánh cổng phía nam, Porta San Paolo chỉ là một pháo đài tàn tích bằng đá của công trình này.




Kim tự tháp Cestius được sáp nhập vào tường thành Aurelian. (Ảnh: Wikimedia)

Kim tự tháp này sau đó đã dần chìm vào quên lãng, và chỉ được tái phát hiện vào khoảng những năm 1600. Trong khoảng thời gian này, kim tự tháp đã được phục hồi, và chữ khắc trên các mặt của nó đã được phát hiện. Theo chữ khắc ở hai cánh phía đông và phía tây của kim tự tháp, công trình này được xây thành một lăng mộ cho một người đàn ông tên là Gaius Cestius Epulo, con trai của Lucius, thuộc bộ lạc Pobilia.

Chữ khắc cũng đề cập đến Cestius là một pháp quan, một hộ dân quan chuyên bảo vệ lợi ích của những người dân thấp cổ bé họng, đồng thời là một trong 7 người thi hành mệnh lệnh của Epulones (một hội tu sĩ chịu trách nhiệm chuẩn bị yến tiệc để dâng lên các vị Thần). Một dòng khắc thứ hai tuyên bố rằng việc xây dựng công trình này đã được hoàn thiện trong 330 ngày.




Dòng chữ khắc trên Kim tự tháp Cestius. (Ảnh: Wikimedia)

Điểm đáng chú ý là Kim tự tháp Cestius có hình dạng dốc hơn và nhọn hơn so với các kim tự tháp Ai Cập. Đây có thể là nguyên nhân lý giải cho sự hiện diện của các kim tự tháp dốc, nhọn miêu tả những cảnh tượng ở Ai Cập cổ đại trong nền nghệ thuật thời Trung Cổ và Phục Hưng  Châu Âu. Người ta cho rằng Kim tự tháp Cestius là kim tự tháp duy nhất mà các họa sĩ Châu Âu có thể chiêm ngưỡng vào thời đó, nên họ đã lấy nó làm hình mẫu. Có khả năng Cestius và các kiến trúc sư của ông đã nhìn sai góc nghiêng của kim tự tháp, nhưng cũng có thể kim tự tháp này được phác họa dựa trên khuôn mẫu kim tự tháp Kush, vốn có cấu trúc dốc và nhọn hơn kim tự tháp Ai Cập.  

Các kim tự tháp Kush thường dốc và nhọn hơn so với các kim tự tháp Ai Cập. (Ảnh: Wikimedia)

Trong chuyến du lịch Grand Tour (một chuyến du lịch truyền thống của những người nam trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu ở Châu Âu), kim tự tháp Cestius là một địa điểm không thể bỏ qua, và nó đã truyền cảm hứng cho các nhà văn như Percy Bysshe Shelley (mà tro thiêu xác lại tình cờ được chôn cất ở nghĩa địa đạo Tin Lành gần đó) và Thomas Hardy. Qua nhiều thế kỷ, Kim tự tháp Cestius đã bị đập vỡ thành nhiều mảnh vụn.


Cuộc trùng tu quy mô lớn đầu tiên đã được tiến hành vào những năm 1600, và cuộc trùng tu hầm mộ đã được tiến hành vào năm 2001. Năm 2011, nhiều dự án trùng tu đã được lên kế hoạch, và nguồn tài trợ bao gồm một triệu euro đóng góp của một doanh nhân Nhật Bản. Với một dự án trùng tu như vậy đang được tiến hành, Kim tự tháp Cestius sẽ tiếp tục đứng vững trong một khoảng thời gian dài.

Nguồn: DKN – Tác giả: Ḏḥwty, Ancient Origins

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *