Công nghệ mới cho thấy Tấm vải liệm Turin đúng là đến từ thời kỳ của Chúa Giê-su

Vào năm 1988, sử dụng phương pháp carbon phóng xạ, các nhà khoa học xác định rằng Tấm vải liệm Turin, di chỉ mà nhiều người tin rằng đó là tấm khăn chôn cất của Chúa Giê-su, có niên đại cách đây khoảng 700 năm.

Tấm vải liệm thành Turin có hình ảnh khuôn mặt Chúa Giê-su, dương bản (trái) và ảnh được xử lý kỹ thuật số (phải). (Ảnh: Wikipedia)

Do đó, nghiên cứu cho rằng tấm vải không đúng là mảnh vải đã khâm liệm chúa. Tuy nhiên, kết luận đó không thể làm mất đi niềm tin của hàng ngàn người hành hương đến Turin để tôn kính thánh tích. Giờ đây, một công nghệ xác định niên đại mới cho kết quả mảnh vải này đúng là đến từ thời kỳ của Chúa Giê-su. 

Nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Liberato de Caro thuộc Viện Tinh thể học của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Ý, ở Bari. Tiến sĩ de Caro đã sử dụng một phương pháp được gọi là “Tán xạ tia X góc rộng” (WAXS), đo độ lão hóa tự nhiên trong cellulose của lanh để xác định thời điểm mảnh vải được tạo ra.

Phương pháp WAXS có một số đặc điểm nổi bật khiến nó trở nên đáng mong đợi hơn so với xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ, đặc biệt là nó hoàn toàn không phá hủy mẫu. Hơn nữa, phương pháp mới này sử dụng mẫu vải có kích thước nhỏ hơn nhiều, chỉ xấp xỉ 0,5 mm x 1 mm.

Những bất cập của phương pháp đo đồng vị Carbon-14
Trong báo cáo được công bố trên trang web của Sở Khoa học Hóa học và Công nghệ Vật liệu của Ý, Tiến sĩ de Caro đã chỉ ra một vài bất cập trong việc xác định niên đại bằng phân tích Carbon-14. Ông lưu ý rằng các mẫu vải có thể dễ dàng bị ô nhiễm bởi các chất có thể làm sai lệch kết quả xác định niên đại.

Ông viết: “Nấm mốc và vi khuẩn khu trú trên sợi vải, và bụi bẩn hoặc khoáng chất chứa cacbon – chẳng hạn như đá vôi – bám vào vải, trong khoảng trống giữa các sợi chiếm khoảng 50% thể tích mảnh vải ở cấp độ vi mô, có thể rất khó để loại bỏ hoàn toàn trong giai đoạn làm sạch mẫu. Điều này có thể làm việc xác định niên đại bị sai lệch”.

Ngoài ra, De Caro còn lưu ý rằng các mẫu vải mới thậm chí có thể bị làm giàu bởi Carbon-14. Do đó, sẽ rất khó xác định niên đại carbon được đo là trên tấm vải ban đầu, hay tấm vải đã bị làm giàu.

Xác định niên đại bằng WAXS
De Caro giải thích rằng phương pháp WAXS đã được sử dụng trên nhiều mẫu vải được ghi nhận là có tuổi từ năm 3000 trước Công nguyên (TCN) đến năm 2000 sau Công nguyên (SCN). Ông đã so sánh kết quả đo của Tấm vải liệm Turin đối với những mẫu vải khác và thấy rằng nó phù hợp nhất với một mảnh vải được cho là đến từ cuộc bao vây Masada, Israel, vào năm 55-74 SCN.

Nếu chính xác, những phát hiện sẽ cho thấy tấm vải liệm có nguồn gốc từ khoảng thời gian cóa mặt Chúa Giê-su, và điều này có nghĩa là nó thực sự là tấm vải chôn cất của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, de Caro đã khuyến nghị cần thận trọng, vì niên đại mới đo được quá khác biệt so với niên đại đo bằng Carbon-14.




Tiến sĩ de Caro đề nghị rằng phân tích WAXS nên được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm khác để xác nhận phát hiện của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với National Catholic Register, ông nói:

“Kỹ thuật xác định niên đại vải lanh bằng tia X là không gây ra sự phá hủy. Do đó, nó có thể được lặp lại nhiều lần trên cùng một mẫu… sẽ tốt hơn nếu có một bộ sưu tập các phép đo tia X được thực hiện bởi một số phòng thí nghiệm, trên một số mẫu có kích thước tối đa là milimet, được lấy từ Tấm vải liệm”.

Niên đại về Chúa Giê-su
Hầu hết các học giả đồng ý rằng Giê-su là một người Do Thái vùng Galilea, sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất và qua đời trong khoảng từ năm 30 đến 36 SCN tại xứ Judea, ông chỉ sống và hoạt động tại Galilea và Judea chứ không ở nơi khác.

Các sách Phúc Âm chỉ tập trung vào quãng đời ba năm cuối khi Giê-su sống dưới trần gian, đặc biệt là tuần lễ cuối cùng trước khi bị đóng đinh vào thập giá, nhưng chúng cũng cung cấp một số manh mối liên quan đến năm sinh của Chúa Giê-su. Đoạn Mátthêu 2:1 liên kết sự giáng sinh của Chúa Giê-su với sự cai trị của Herod Đại đế – người đã chết vào khoảng năm thứ 4 TCN, và đoạn Luca 1:5 viết rằng Herod đã trị vì trước khi Chúa Giê-su giáng sinh, ngoài ra Phúc Âm này còn đề cập đến cuộc điều tra dân số của chính quyền La Mã diễn ra mười năm sau đó. Luke 3:1-2 và 3:23 viết rằng Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ khi ông khoảng 30 tuổi, và đó là năm thứ 15 của triều đại Tiberius (khoảng năm 28 hoặc 29 SCN). Qua những chi tiết này và bằng các phương pháp phân tích khác nhau, hầu hết các học giả đi đến đồng thuận rằng Chúa Giê-su sinh trong khoảng từ năm thứ 6 đến 4 TCN.

Về thời điểm qua đời, tức là sự kiện ông bị đóng đinh trên cây thập giá, hầu hết các học giả đồng ý rằng sự kiện này xảy ra trong khoảng từ năm 30 đến 33 SCN. Các sách Phúc Âm nói rằng sự kiện này xảy ra trong thành xứ Judea mà Pilate là tổng trấn thuộc quyền La Mã khoảng năm 26-36 SCN. Người ta tin rằng ngày mà Phaolô theo Kitô giáo (ước tính khoảng năm 33-36 SCN) có mối liên hệ nào đó đến cho ngày Chúa Giê-su bị đóng đinh qua việc phân tích thư của Thánh Phaolô và Sách Công vụ Tông đồ. Các nhà thiên văn từ thời Isaac Newton đã cố gắng ước lượng chính xác ngày Chúa Giê-su bị đóng đinh bằng cách phân tích chuyển động của Mặt Trăng và tính theo lịch sử của lễ Vượt Qua theo lịch của người Do Thái. Và ngày giả thiết được chấp nhận rộng rãi nhất theo phương pháp này là ngày 7 tháng 4 năm 30 SCN; và ngày 3 tháng 4 năm 33 SCN.


Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *