Triết học duy vật cho rằng não bộ là một dạng vật chất sống đặc biệt, có tổ chức cao, trải qua quá trình tiến hóa lâu dài về mặt sinh vật và xã hội. Não bộ cũng là nơi tạo ra ý thức của con người, hay nói một cách khác, ý thức là thuộc tính của não bộ. Tuy nhiên, những phát hiện của khoa học hàng chục năm qua cùng với những trải nghiệm tự thân của hàng vạn người khẳng định rằng não bộ không phải là nơi sản sinh ra ý thức. Vậy vai trò của não bộ thực sự là gì?
Trong khi các phát hiện khoa học cho thấy chức năng sinh học của não bộ được mô tả là chính xác thì chức năng nhận thức của não bộ vẫn là nan đề đối với khoa học. Cũng có nghĩa là vai trò của não bộ trong vấn đề nhận thức của con người vẫn là điều bí ẩn. Chúng ta hãy thử tìm hiểu về vấn đề này.
(Ảnh: Shutterstock)
Bảy ngày trải nghiệm phi thường của bác sĩ phẫu thuật thần kinh
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh, Tiến sĩ Y khoa Eben Alexander, thành viên của Hiệp hội Y khoa Mỹ, là một bác sĩ uy tín với hơn 100 bài báo khoa học đã được bình duyệt. Hơn 25 năm làm bác sĩ ngoại thần kinh, Eben thường xuyên được các bệnh nhân kể với ông về các trải nghiệm cận tử khi họ được ông điều trị, nhưng ông vẫn luôn nghĩ đó hoàn toàn chỉ là ảo giác khi não của họ gặp vấn đề.
Ngày 10/10/2008, Eben – người mà cả đời gần như chẳng bao giờ bệnh tật gì – bỗng bị đau lưng dữ dội, và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Lynchburg, Virginia (chính nơi ông đang làm việc) trong tình trạng hôn mê, co giật. Ông được xác định là bị viêm màng não nghiêm trọng do khuẩn E. coli, cực kỳ hiếm gặp.
Eben Alexander đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu trong 7 ngày với tỷ lệ tử vong được xác định là trên 97%. Tuy vậy, trong 7 ngày hôn mê đó, ông đã trải qua một trải nghiệm cận tử phi thường và vô cùng mỹ diệu.
Tỉnh dậy sau căn bệnh hy hữu, Eben đã viết cuốn sách “Chứng cứ về thiên đường“. Cuốn sách được cho là đã phá vỡ nhiều điều cấm kỵ của giới y học hàn lâm và nhiều tuần liên tục đứng đầu danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times.
Ý thức là một thực thể tồn tại độc lập với cơ thể người
Trước khi rơi vào hôn mê, Eben Alexander là một bác sĩ thuần túy trong thế giới khoa học. Ông đã có nhiều năm làm việc tại một số viện nghiên cứu uy tín nhất trên thế giới, cố gắng tìm hiểu mối liên quan giữa não bộ con người và ý thức.
Điều đó khiến Eben tin hơn hầu hết mọi người rằng về mặt logic, việc ý thức có thể tồn tại độc lập với cơ thể là hoàn toàn bất khả thi. Eben cũng đã từng tin rằng ý thức chỉ là sản phẩm phụ của vật chất, nó không đóng vai trò quan trọng trong các quá trình vật chất.
Nhưng trong trải nghiệm cận tử, khi rời bỏ cơ thể vật chất của mình, Eben đã trực tiếp trải nghiệm sự thật rằng ý thức của con người tồn tại độc lập với não bộ và cơ thể người.
Ông tự tin nói rằng: khi còn ở “Cổng vào” và “Cốt lõi” (2 vùng đất trên “thiên đường” mà Eben đã trải nghiệm) thì thật ra ông cũng đang “làm nghiên cứu khoa học”, dù lúc đó ý thức của ông không có khái niệm gì về thuật ngữ này. Eben viết trong cuốn “Chứng cứ về thiên đường”:
“Thứ khoa học dựa trên công cụ chân thật nhất và tinh tế nhất của mọi công trình nghiên cứu khoa học mà chúng ta sở hữu: Chính là bản thân ý thức […] Ý thức không chỉ tồn tại độc lập với cơ thể mà còn là thứ cơ bản nhất của mọi thứ […] Việc theo đuổi thực tại cốt lõi của vũ trụ là bất khả thi nếu không dùng đến ý thức. Ý thức không hề là một thứ sản phẩm phụ và không quan trọng của các quá trình vật chất, nó không chỉ rất thật – thật ra nó còn thật hơn toàn bộ sự tồn tại vật chất còn lại, và rất có thể là thứ cơ bản nhất của mọi thứ”.
Eben Alexander cho rằng sự thống trị của các phương pháp khoa học chỉ đơn thuần dựa trên thế giới vật chất trong suốt hơn 400 năm qua đã tạo ra một vấn đề rất lớn: chúng ta đã mất liên lạc với vùng đất bí ẩn sâu sắc nằm ở trung tâm của sự tồn tại – ý thức của chúng ta.
Các báo cáo thí nghiệm khoa học được bình duyệt của giáo sư Gary Schwartz (Hoa Kỳ) khẳng định rằng sau khi chết đi, linh hồn (hay ý thức) của một người vẫn thực sự tồn tại. Và linh hồn ấy, là một dạng tồn tại vật chất, có thể tác động vào micro, cảm biến ánh sáng hay nói chuyện với các nhà ngoại cảm để chứng minh sự tồn tại của mình.
Tiến sĩ Dirk K.F. Meijer của Đại học Groningen ở Hà Lan, đưa ra giả thuyết rằng ý thức nằm trong một trường xung quanh não bộ. Trường này nằm trong một không gian khác. Nó trao đổi thông tin với não thông qua rối lượng tử (quantum entanglement) và một số phương cách khác. Và trường ý thức này có một số điểm tương đồng với lỗ đen.
Một đồng nghiệp khác của Eben, Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Peter Fenwick, người đã nghiên cứu về các trải nghiệm cận tử hơn 50 năm. Ông cho rằng ý thức con người không nằm trong não bộ, nó là một thuộc tính đặc trưng của vũ trụ và nằm bên ngoài não bộ như vật chất tối hay năng lượng tối.
Vậy vai trò của não bộ là gì nếu nó không là nơi tạo ra ý thức hay tinh thần của con người?
Eben Alexander: Não bộ chỉ giống như một cái van giảm áp
Eben Alexander cho rằng sự tồn tại của ý thức là một bí ẩn hoàn toàn vượt khỏi khả năng giải quyết của các nhà vật lý học hay các nhà khoa học thần kinh, và chính sự thất bại của họ đã che mờ mối quan hệ mật thiết giữa ý thức và cơ học lượng tử – và cùng với nó là mối quan hệ giữa ý thức và thực tại vật chất, cũng chính là mối quan hệ giữa ý thức và não bộ.
Tỉnh lại sau trải nghiệm cận tử, Eben phát hiện ra vai trò của não bộ là khác với những điều mà ông quan niệm trước đây:
“Bản thân não bộ không tạo ra ý thức. Não bộ chỉ giống như một cái van giảm áp hay máy lọc [và bộ hạn chế], có tác dụng điều chỉnh ý thức phi vật chất mà chúng ta có được trong những thế giới phi vật chất rộng lớn thành một loại ý thức có dung lượng hạn chế trong hiện thực cuộc sống nhỏ bé này.”
Chính vì vậy, khi ý thức của Eben vượt ra ngoài thân thể, ông đã thu được những kiến thức về thiên nhiên và cấu tạo của vũ trụ vượt trên rất nhiều khả năng hiểu biết trong thế giới này của ông một cách tức thì và vô cùng dễ dàng.
Tiến sĩ Peter Fenwick cho rằng não bộ không tạo ra suy nghĩ; thay vào đó:
“Não lọc, nhận thức và thông dịch một phần rất nhỏ các thông tin mà ý thức nội tại của vũ trụ tạo ra. (The brain filters and perceives only a tiny part of the cosmos’ intrinsic “consciousness.”)”
Nhưng không chỉ có Eben Alexander và Peter Fenwick phát hiện rằng vai trò của não bộ khác với những điều mà giới khoa học hàn lâm vẫn từng tin tưởng. Nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới từ lâu cũng đã tiết lộ điều này.
Nikola Tesla: Bộ não của tôi chỉ là một cỗ máy tiếp nhận
Nikola Tesla là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20 với hơn 1000 phát minh khoa học, trong đó có những phát minh vô cùng quan trọng như động cơ điện xoay chiều, liên lạc vô tuyến, điều khiển từ xa, đèn huỳnh quang, máy tạo tia X… Khi nói về nguồn gốc những phát minh của mình, Tesla đã khiến cho giới khoa học kinh ngạc:
“Tôi không phải tác giả của những ý tưởng đó […] Bộ não của tôi chỉ là một cỗ máy tiếp nhận, trong vũ trụ có một trung tâm cốt lõi mà từ đó chúng ta nhận được tri thức, sức mạnh và niềm cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập được vào những bí mật của trung tâm này, nhưng tôi biết nó tồn tại.”
Tesla cho biết ý thức của ông đã tiếp cận tới những thế giới khác, cũng hiện thực và quý giá như thế giới hiện thực thông thường. Bất kể lúc nào Tesla cũng có thể thoát khỏi thế giới bên ngoài thông thường để thâm nhập vào cái thế giới riêng biệt đó của ông. Từ thế giới ấy, ông đã có thể đưa ra các mô hình phát minh của mình mà không cần đến toán học, không cần đến các phương trình.
“Tôi có thể nghe thấy tiếng tictac của đồng hồ ở cách tôi 3 căn phòng, tiếng con ruồi đậu xuống bàn. Trong bóng tối tôi có được sự nhạy cảm của con dơi và có thể phân biệt được vị trí của các đồ vật nhờ giác quan đặc biệt… Một đốm lóe sáng xuất hiện như một mặt trời nhỏ. Chân lý mở ra trước mắt. Một trạng thái hạnh phúc tuyệt đối. Các ý nghĩ cứ tràn ra như một dòng chảy khiến tôi phải cố gắng lắm mới kịp ghi lại chúng…”
Thomas Edison: Tôi thu nhận các ấn tượng từ Vũ trụ và xử lý chúng
“Đối thủ” của Nikola Tesla, Thomas Edison, một nhà phát minh vĩ đại khác của Hoa Kỳ với hơn 1900 bằng phát minh được đăng ký, trong đó có những phát minh lớn như bóng đèn sợi đốt, máy quay đĩa, máy ghi âm… Thomas Edison cũng tin rằng nguồn gốc kiến thức của ông đến từ các lực lượng vô hạn trong Vũ trụ. Năm 1911 Thomas Edison viết:
“Mọi người nói tôi đã tạo ra mọi thứ. Tôi chưa bao giờ tạo ra bất cứ điều gì. Tôi thu nhận các ấn tượng từ Vũ trụ rộng lớn và xử lý chúng, nhưng tôi chỉ là một bản trong bộ hồ sơ hoặc một thiết bị tiếp nhận – điều mà bạn [cũng] có.”
Vợ Thomas Edison cũng từng bình luận: “Ông ấy tin rằng những phát minh đi qua ông từ những lực lượng vô hạn của Vũ trụ – và hiệu quả nhất là khi ông thư giãn.”
Dường như khi Thomas Edison ở trạng thái thư giãn và thả lỏng một cách vô thức, tức là khi não của ông không có hoạt động tư duy thì các phát minh sẽ đến. Điều này giống với thừa nhận của nhiều nhà toán học, vật lý học, hóa học và các nhà phát minh khác như Jules-Henri Poincaré, Carl Gauss, Einstein, Dmitri Mendeleev, Niels Bohr, Elias Howe… về quá trình sáng tạo hoặc phát minh của họ: có một số người trong trạng thái thả lỏng tư duy thì sáng tạo đến, một số người ngủ mê thì nhìn thấy phát minh được thực hiện ra sao.
Vậy bộ não của chúng ta thực sự có tác dụng gì?
Vai trò của não bộ: như một nhà máy gia công ý thức và thực hiện các chức năng sinh lý
Tiến sĩ Bruce Greyson, thuộc Khoa Tâm thần & Khoa học Thần kinh, Trường Y, Đại học Virginia cho rằng: Các nghiên cứu trải nghiệm cận tử đã cho thấy “não bộ không phải là nguồn gốc của tinh thần của chúng ta, mà nó là một bộ lọc hay bộ chuyển đổi suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, giống như một chiếc máy thu thanh hoặc máy thu hình, nhận tín hiệu từ nguồn bên ngoài và chuyển chúng thành một dạng năng lượng mà chúng ta có thể nghe và nhìn thấy.”
Năm 1897, William James (1842-1910), nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ khi giảng bài tại Đại học Harvard đã cho biết: “…rất có khả năng, bộ não sẽ không tạo ra tâm trí, mà sẽ đóng vai trò là phương tiện phát hiện, chỉnh hướng, lọc thô, lọc tinh, chuyển đổi, truyền dẫn hoặc cho phép biểu hiện tinh thần, ý thức, cảm xúc, ý chí, trí tưởng tượng, v.v… Tâm trí tương tác với bộ não vật chất nhưng theo cách bảo tồn thực tại riêng biệt của nó. Theo mô hình này, yếu tố tinh thần “tồn tại trước” bộ não mà nó vận hành và xuyên qua.”
Như vậy, về góc độ nhận thức, não bộ của con người không sản sinh ra ý thức. Nó hoạt động như một cỗ máy để tiếp nhận một cách giới hạn, xử lý và gia công các thông tin nhận được từ ý thức, sau đó biến đổi những thông tin nhận được thành các tín hiệu phù hợp để điều khiển hoặc tương tác với các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể và thực hiện các chức năng sinh lý của não. Khi giao tiếp, não cũng sẽ xử lý các tín hiệu thành ngôn ngữ, cử chỉ, ánh mắt… để biểu đạt ý nghĩa.
Không chỉ có vậy, các nhà khoa học còn phát hiện rằng các suy nghĩ và cảm giác có thể thay đổi cả chức năng và cấu trúc của não bộ.
Nói đơn giản, não bộ chỉ là một cỗ máy thừa hành và thực thi các chỉ lệnh được yêu cầu bởi ý thức. Nhiều người cho rằng bộ não giống như “phần cứng” còn ý thức thì giống như “phần mềm” của một chiếc máy tính. Nhưng không hẳn vậy, bộ não có thể được coi là một chiếc “máy tính” được cài đặt sẵn phần mềm, còn ý thức thì như một thực thể có tri thức giống như con người, nhập các thông tin vào “chiếc máy” tính để nó thực hiện một công việc nào đó.
Não bộ chỉ giống như một cỗ máy gia công, xử lý các thông tin đến từ ý thức (Ảnh: Shutterstock)
Cho đến nay, hiểu biết tường tận về ý thức và vai trò của não bộ vẫn còn là vấn đề nan giải của khoa học. Tuy nhiên, những phát hiện bên trên đã hé mở cho chúng ta thấy vai trò thực sự của não bộ trong mối quan hệ với ý thức là khác hoàn toàn với những điều mà các nhà khoa học hiện nay vẫn thường đề cập.
Khi các nhà khoa học có thể vượt khỏi cái khung lý thuyết đã được đóng cứng bởi những người đi trước thì có thể một chân trời tri thức mới với những bước đột phá không thể hình dung sẽ chờ đợi họ ở phía trước.
Nguồn: TTN