Áo giáp da 2.700 năm tuổi tiết lộ bí mật chuyển giao kỹ thuật thời cổ đại

Bộ áo giáp da này được tìm thấy trong ngôi mộ của một kỵ sĩ ở nghĩa địa Yanghai, gần thành phố Thổ Lỗ Phiên (Trung Quốc).
 

Các nhà khoa học xác định chiếc áo giáp vảy da này khoảng 2.700 năm tuổi.

Theo đó, các nhà khoa học tại Đại học Zurich (Thụy Sĩ) đã nghiên cứu một bộ áo giáp vảy bằng da độc đáo được tìm thấy trong ngôi mộ của một kỵ binh ở nghĩa địa Yanghai, gần thành phố Thổ Lỗ Phiên, Tây Bắc Trung Quốc.

Đáng chú ý là các chi tiết về thiết kế và chế tạo cho thấy bộ áo giáp này có nguồn gốc từ đế quốc Tân Assyria vào giữa thế kỷ thứ 6 và 8 trước Công nguyên (TCN), sau đó nó mới được mang đến Trung Quốc.

Vào năm 2013, các nhà khoa học đã tìm ra chiếc áo giáp vảy bằng da gần như hoàn chỉnh trong một ngôi mộ của kỵ binh khoảng 30 tuổi. Đây là một phát hiện chưa từng có. Bởi chiếc áo giáp da này vẫn tồn tại qua nhiều thiên niên kỷ nhờ khí hậu cực kỳ khô hạn của khu vực này.

Thông tin này đã cung cấp cho nhóm chuyên gia tại Đại học Zurich những hiểu biết mới về sự phổ biến của công nghệ quân sự trong thời kỳ lúc bấy giờ.

Áo giáp vảy da giúp bảo vệ các bộ phận quan trọng của binh lính khi chiến đấu. Điều này giống như một lớp da bổ sung nhưng không hạn chế khả năng vận động của binh lính. Những chiếc áo giáp này làm từ các tấm hình khiên nhỏ xếp thành hàng ngang và được khâu vào lớp lót bên trong.

Đế quốc Tân Assyria phát triển trong giai đoạn lịch sử bắt đầu từ 934 TCN và kết thúc năm 609 TCN.

Do được làm từ vật liệu đắt tiền và quá trình sản xuất cũng tốn nhiều công sức, nên những chếc áo giáp vảy da rất quý giá. Việc mặc chúng được cho là đặc quyền của tầng lớp ưu tú thời cổ đại. Thực tế hiếm khi những chiếc áo giáp này được chôn cùng với chủ.

Tuy nhiên, nhờ sự xuất hiện của các quốc gia hùng mạnh cùng với những đội quân lớn trong thế giới cổ đại đã dẫn đến sự phát triển của những loại áo giáp kém quý giá hơn nhưng vẫn mang lại hiệu quả. Nhiều loại áo giáp được làm bằng da, đồng hoặc sắt cho những binh lính bình thường.

Áo giáp thời cổ đại: Độc đáo từ cách chế tạo
Các chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Zurich đã tiến hành sử dụng phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon. Theo đó, tuổi của chiếc áo giáp này được xác định là khoảng từ năm 786 TCN đến năm 543 TCN.




Chiếc áo giáp đặc biệt được làm từ 5.444 miếng vảy nhỏ và 140 miếng vảy lớn, các sợ dây da và lớp lót nặng từ 4 – 5 kg. Thoạt đầu, áo giáp này trông giống như một chiếc áo gile giúp bảo vệ phần trước của thân, hông, hai bên mình và phần thắt lưng của cơ thể.

Chiếc áo giáp này được thiết kế để người sử dụng có thể mặc một cách nhanh chóng mà không cần đến sự trợ giúp của người khác; đồng thời phù hợp với những người có tầm vóc khác nhau.

Việc tìm thấy chiếc áo giáp này cho thấy sự chuyển giao kỹ thuật quân sự từ Tây sang Đông trong thời cổ đại.




Ông Patrick Wertmann, người dẫn đầu nhóm chuyên gia tại Viện Nghiên cứu châu Á và phương Đông thuộc Đại học Zurich, cho biết: “Áo giáp được sản xuất chuyên nghiệp với số lượng lớn. Với việc chiến xa được sử dụng ngày càng nhiều trong chiến tranh Trung Đông, một loại áo giáp đặc biệt dành cho kỵ sĩ đã được phát triển từ thế kỷ thứ 9 TCN”.

Sau đó, những chiếc áo giáp này đã trở thành một phần trong trang bị tiêu chuẩn cho các đội quân thuộc đế quốc Tân Assyria, kéo dài từ các vùng thuộc Iraq ngày nay đến Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Mặc dù không có sự tương đồng, liên hệ trực tiếp nào với bộ áo giáp 2.700 năm tuổi ở Yanghai (thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc), nhưng một chiếc áo giáp cùng niên đại, không rõ nguồn gốc, tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, vẫn có một vài điểm tương đồng về kiểu dáng và công dụng.

Loại áo giáo đặc biệt dành cho kỵ sĩ đã được phát triển từ thế kỷ thứ 9 TCN.

Hai bộ áo giáp này có thể được dùng làm trang phục cho hai đơn vị khác nhau của cùng một đội quân. Cụ thể, áo giáp ở Yanghai cho kỵ binh, còn áo giáp ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan là dành cho bộ binh.


Theo các nhà nghiên cứu, có thể áo giáp được tìm thấy ở Yanghai thuộc về một binh lính nước ngoài phục vụ cho quân đội của Assyria và được người này sau đó mang về quê nhà. Hoặc chiếc áo giáp này thuộc về một người khác từng đến khu vực này.

Chuyên gia Wertmann, nhận định: “Mặc dù chúng tôi không thể tìm ra đường đi chính xác của áo giáp vảy da từ Assyria đến Tây Bắc Trung Quốc, nhưng phát hiện này vẫn là một trong những bằng chứng thực tế hiếm hoi về việc chuyển giao kỹ thuật Tây – Đông qua lục địa Á – Âu trong thiên niên kỷ đầu tiên TCN”.

Nguồn:SH – Theo Scienmag, Sciencedaily

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *