Bao Thanh Thiên là vị quan mặt sắt, thiết diện vô tư để lại tiếng thơm muôn đời. Nhưng bạn có bao giờ tò mò tự hỏi hậu duệ của vị quan thanh liêm này là người như thế nào?
CUỘC HỘI NGỘ BẤT NGỜ
Năm 1984, một vị doanh nhân nổi danh toàn thế giới đã quay lại Ninh Ba – nơi chôn rau cắt rốn của mình để thăm người thân sau quá nửa đời người phiêu bạt và lăn lộn trên thương trường.
Khi về đến cố hương, “người đàn ông thép” trên thương trường này lại không khỏi bồi hồi xúc động đến nỗi rơi nước mắt.
Ông dành thời gian để đi thăm thú những địa điểm nổi tiếng của thành phố Ninh Ba và một trong số đó là thư viện cổ kính cất giữ nhiều cuốn sách quý của thành phố này – Thiên Nhất Các.
Bao Ngọc Cương từ chức phó tổng giám đốc một ngân hàng để khởi nghiệp với tàu biển. (Ảnh: Baidu).
Người quản thư nhận ra ông, liền lập tức đem cuốn sách quý “Gia phả Bao Thị” được thư viện lưu giữ ra cho vị doanh nhân này xem. Vị doanh nhân lúc bấy giờ tóc đã bạc trắng, cầm lấy cuốn sách mà tự hào, phấn khích đến nỗi reo lên như một đứa trẻ: “Tôi là con cháu của Bao Thanh Thiên!”
Đúng vậy, vị doanh nhân được nhắc tới bên trên chính là cháu đích tôn đời thứ 29 của Bao Chửng. Ông cũng chính là vị “vua tàu biển” nổi danh toàn thế giới, là huyền thoại trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển của Trung Quốc. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, tờ “Thời báo New York” của Mỹ đã đưa tên ông vào danh sách 7 vị “vua tàu biển” của thế giới. Tên ông là Bao Ngọc Cương.
“VUA TÀU BIỂN” MỘT TAY GÂY DỰNG CƠ ĐỒ KHIẾN NGƯỜI ĐỜI KÍNH NỂ
Bao Ngọc Cương sinh năm 1918 tại Triết Giang, Ninh Ba. Từ nhỏ ông đã theo bố vào Nam ra Bắc làm ăn và bộc lộ tài năng vượt trội trong lĩnh vực kinh doanh. Ngoài ra, ông còn có niềm đam mê mãnh liệt với ngành vận tải đường biển. Tuy nhiên, do một số biến động về chính trị trong thời kỳ đó, Bao Ngọc Cương không thể theo học ngành tàu biển như mình mơ ước mà phải rẽ hướng sang làm trong lĩnh vực ngân hàng.
Mặc dù ngân hàng không phải lĩnh vực ông yêu thích nhất nhưng với tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực tài chính – kinh doanh, Bao Ngọc Cương thăng tiến rất nhanh và làm đến chức phó tổng giám đốc một ngân hàng tại Thượng Hải vào năm 1946 khi mới 28 tuổi. Tuy nhiên, ngành vận tải tàu biển vẫn luôn là đam mê cháy bỏng nung nấu bên trong vị doanh nhân
Bao Ngọc Cương khi còn trẻ (Ảnh: Baidu).
Như một hệ quả tất yếu, năm 1949, Bao Ngọc Cương từ bỏ vị trí giám đốc ngân hàng, tới Hong Kong – đặc khu hành chính của Trung Quốc để khởi nghiệp. Tại đây, Bao Ngọc Cương góp vốn với vài người bạn cùng tham gia kinh doanh ngành xuất nhập khẩu. Ông cung cấp dịch vụ vận tải vật liệu thép, bông, dược phẩm và các nhu yếu phẩm tới các địa phương có nhu cầu. Năm 1955, ông thành lập Công ty TNHH Hoàn Cầu (tiếng Trung: 环球有限公司), chuyên vận chuyển than đá giữa Ấn Độ và Nhật Bản.
Năm 1956, nhờ việc Ai Cập lấy lại kênh đào Suez, phí vận chuyển tăng mạnh, doanh nghiệp của Bao Ngọc Cương lãi lớn. Ông dùng tiền lãi mua tàu vận tải và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Những năm tiếp theo, ông hợp tác với các doanh nghiệp đóng tàu, doanh nghiệp tài chính của Nhật Bản và ngân hàng HSBC (tiếng Trung: 香港汇丰银行), từng bước chinh phục lĩnh vực vận tải đường biển.
Đến năm 1970, công ty ông đổi tên thành Tập đoàn Cổ phần TNHH Vận tải tàu biển Hoàn Cầu (tiếng Trung: 环球航运集团股份有限公司). Tiếp đến năm 1972, Bao Ngọc Cương thành lập thêm Công ty TNHH Tài chính quốc tế Hoàn Cầu (tiếng Trung: 环球国际金融有限公司) và đích thân làm Tổng Giám đốc điều hành. Năm 1978 là thời kỳ mà “vương quốc trên biển” của Bao Ngọc Cương phát triển tới đỉnh cao. Ông trở thành một trong 7 vị “vua tàu biển của thế giới”, doanh nghiệp của ông trở thành 1 trong 10 tập đoàn tài chính lớn nhất tại Hong Kong. Tạp chí Fortune và Newsweek của Mỹ cũng gọi ông là “người thống lĩnh biển cả” và “ông vua tàu biển”
Năm 1978 được coi là mốc son đánh dấu thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của Bao Ngọc Cương (Ảnh: Baidu).
Thế nhưng cuộc đời cũng giống như con thuyền ra khơi, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Vào những năm 80, việc kinh doanh của ông gặp nhiều khó khăn do bị giới tư bản nước ngoài chèn ép. Để đương đầu với khó khăn này, ông đã bắt tay với nhà đầu tư Lý Gia Thành thu mua tập đoàn vận tải nghìn tỷ Wharf (tiếng Trung: 九龙仓 集团) để giữ chỗ đứng của mình trên thị trường vận tải.
Lý Gia Thành bán rẻ cổ phiếu của mình trong tập đoàn Wharf cho Bao Ngọc Cương để ông thành công thâu tóm tập đoàn vận tải khổng lồ trên. Cuộc chiến thương mại này từng khiến bao người phải sững sờ bởi Bao Ngọc Cương đã huy động được hơn 2 tỷ NDT (khoảng hơn 7.000 tỷ VND) trong vỏn vẹn ba ngày, đây gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. Sự kiện này thực sự đã trở thành một huyền thoại trong giới kinh doanh.
Bao Ngọc Cương và Lý Gia Thành bắt tay mua lại tập đoàn vận tải Wharf (Ảnh: Sohu).
Tháng 9 năm 1991, vị “vua tàu biển” tiếng tăm lẫy lừng, cũng là con cháu đích tôn của huyền thoại Bao Thanh Thiên qua đời tại đặc khu hành chính Hong Kong và hưởng thọ 73 tuổi. Tuy Bao Ngọc Cương đã ra đi nhưng sự nghiệp kinh doanh của ông không bị đứt đoạn mà vẫn tiếp tục được con cháu trong nhà kế thừa và phát huy.
Nguồn: SH
- Bao Công có thật sự là vị quan thanh liêm? Lời nhắn kẻ trộm để lại trong lăng mộ ông đã hé lộ sự thật
- Quật mộ Bao Công: Hàng loạt bất ngờ và điều kỳ diệu
- Hé mở bí ẩn về cái chết đầy uẩn khúc của “Đệ nhất phán quan” Bao Công