Hoạn quan duy nhất lịch sử TQ và thế giới được tôn làm hoàng đế danh chính ngôn thuận

Nhiều bộ phim truyền hình Trung Quốc thường chọn hoạn quan làm nhân vật phản diện với tính cách tiểu nhân, xảo quyệt, đặc biệt là luôn nuôi mộng trở thành hoàng đế nhưng cuối cùng thất bại. Tuy nhiên, lịch sử thực sự từng ghi nhận trường hợp hoạn quan trở thành hoàng đế một cách đường đường chính chính, tạo ra tiền lệ chưa từng có.

Tào Đằng – trường hợp hoạn quan được tôn làm vua duy nhất trong lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tào Đằng – ông nội của “gian hùng” Tào Tháo – là hoạn quan quyền lực duy nhất nhận được vinh dự nói trên. Tuy nhiên, các tài liệu lịch sử thời Hán lại ghi chép rất ít ỏi về nhân vật đặc biệt này.

Theo Tam Quốc Chí và Tục Hán thư, Tào Đằng là con trai thứ 3 của một nông dân tên Tào Tiết, quê ở nước Bái. Từ nhỏ, Tào Đằng đã trải qua “tịnh thân” và được đưa vào cung làm hoạn quan. Tục Hán thư ghi lại một câu chuyện nhỏ liên quan đến gia đình Tào Đằng như sau:

Có lần, hàng xóm của Tào Đằng bị mất một con lợn. Người này sang nhà Tào Đằng tìm, sau đó chỉ bừa vào một con lợn béo tốt trong chuồng và khăng khăng nhận là của mình. Cha Tào Đằng thấy vậy, chỉ lặng im không nói gì, mặc người ta dắt lợn về nhà. Đến ngày hôm sau, con lợn đi lạc của người hàng xóm tìm được đường về nhà. Người này xấu hổ mang trả lợn lại. Cha Tào Đằng vui vẻ nhận về.

Câu chuyện trên phần nào hé lộ gia đình của Tào Đằng chỉ thuộc tầng lớp nông dân bình thường. Việc ông phải “tịnh thân” vào cung nhiều khả năng là do sự túng quẫn, nghèo khó.

Bởi lẽ, ở thời nhà Hán, việc “tịnh thân” trở thành hoạn quan mất khả năng sinh nở bị cho là nỗi nhục của nam nhân. Có thể lấy trường hợp của sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên làm ví dụ. Thời nhà Thanh thì ngược lại, nhiều người phải chạy chọt, mong muốn con em trở thành hoạn quan trong cung để chóng giàu sang, đổi đời.

Nhà Hán đi đến diệt vong vì để hoạn quan lũng đoạn triều đình (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)




Tào Đằng vào cung từ thời Hán An Đế (106 – 125) nhà Hán. Vì vậy, có thể xác định Tào Đằng sinh ra trong khoảng thời thời gian này. Theo Hán sử, Tào Đằng làm việc rất cẩn trọng, lại là người có tính trung thực, ham học hỏi nên sớm nổi bật trong đám hoạn quan.

Đặng Thái hậu – mẹ Hán An Đế – thấy Tào Đằng còn trẻ, trạc tuổi thái tử Lưu Bảo nên chọn ông làm người hầu hạ việc đèn sách cho thái tử. Lưu Bảo cũng rất thân thiết với người bạn mới này.

Năm 125, Hán An Đế mất, Lưu Bảo lên ngôi, lấy hiệu là Hán Thuận Đế. Nhớ công phò tá của Tào Đằng, Thuận Đế phong ông làm Trung thường thị – chức quan lớn bậc nhất trong số các hoạn quan thời nhà Hán.

Thời kỳ Tào Đằng làm quan, nhà Hán trải qua rất nhiều biến động. Năm 144, Hán Thuận Đế mất, Thái tử Lưu Bỉnh được lập làm vua, lấy hiệu là Hán Xung Đế. Xung Đế lên ngôi khi chưa đầy 2 tuổi, vì vậy Lương Hoàng hậu (vợ Hán Thuận Đế) và anh trai bà là đại tướng quân Lương Ký nắm đại quyền trong tay.

Năm 145, Hán Xung Đế mắc bệnh qua đời, Lương Hoàng hậu và Lương Ký lập Hán Chất Đế mới 8 tuổi lên ngôi, tiếp tục thao túng quyền lực triều đình. Hán Chất Đế tuy tuổi nhỏ nhưng thông minh hơn người, đặc biệt lại rất ghét Lương Ký. Có lần Hán Chất Đế chỉ thẳng vào mặt Lương Ký mắng: “Ngươi là loại tướng quân ngang ngược”.

Lương Ký cho rằng Hán Chất Đế lớn lên chắc chắn sẽ hại mình, bèn cho người bỏ thuốc độc giết hoàng đế.




Tào Đằng phục vụ qua 5 đời vua Hán, can dự cả chuyện phế lập hoàng đế (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lúc này, hoàng tộc nhà Hán chỉ còn 2 nhân vật có thể chọn làm vua đó là Lưu Chí và Lưu Toán. Lưu Toán bản tính thông minh, ngay thằng nên ban đầu được các đại thần, kể cả Tào Đằng nể phục, muốn lập làm hoàng đế. Tuy nhiên, khi Tào Đằng đến gặp, Lưu Toán thường xuyên tỏ thái độ khinh bỉ hoạn quan “nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ” nên ông đem lòng oán giận.




Trong khi đó, tướng quân Lương Ký lại muốn lập Lưu Chí – người có tư chất kém hơn – để dễ bề thao túng. Dưới áp lực từ các đại thần, Lương Ký còn đang loay hoay không biết lập ai lên ngôi thì Tào Đằng bàn:

“Tướng quân là ngoại thích mà quản lý việc triều đình, không thể tránh khỏi những sai sót. Lưu Toán là người thông minh, nếu lên ngôi thì chuyện tướng quân gặp nạn chỉ là sớm muộn. Chi bằng lập Lưu Chí lên ngôi, như vậy vừa có thể bảo vệ được mình lại tha hồ hưởng vinh hoa phú quý”.

Lương Ký nhận được sự ủng hộ của Tào Đằng – hoạn quan có thế lực nhất trong triều – nên càng hạ quyết tâm. Năm 132, Lưu Chí được Tào Đằng và Lương Ký phò tá lên ngôi, lấy hiệu là Hán Hoàn Đế, mở ra thời kỳ hoạn quan lũng đoạn triều Hán, dẫn đến họa binh đao Tam quốc phân tranh sau này.

Viên Thiệu từng có lần sỉ nhục Tào Đằng – ông nội Tào Tháo (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)




Tào Đằng sau đó cũng được phong làm Phí Đình hầu. Một hoạn quan có thể được phong đến tước hầu là trường hợp đặc biệt hiếm trong lịch sử Trung Quốc. Tuy quyền cao chức trọng, Tào Đằng luôn tỏ ra là người cẩn thận, khiêm nhường. Ông nghiêm cấm họ hàng cậy quyền thế mình để tác oai tác quái như các hoạn quan khác.

Hán sử chép, Tào Đằng phục vụ qua 5 đời vua, trong hơn 30 năm không gây ra lỗi lầm gì đáng kể và nổi tiếng vì tính khiêm nhường.

Theo Sohu, có lần một thái thú gửi tặng cho Tào Đằng món lễ vật, sự việc bị quan Thứ sử Ích châu là Chủng Cảo phát giác. Chủng Cảo tố cáo Tào Đằng với Hoàn Đế, hoàng đế nghe xong phán rằng:

“Lễ vật là do người khác tự mang đến, không phải tội của Tào Đằng”.

Chủng Cảo thấy vậy lấy làm hậm hực. Tuy nhiên, Tào Đằng lại không để bụng về sự việc này, thậm chí còn nhiều lần khen ngợi tài năng của Chủng Cảo trước mặt Hoàn Đế. Chủng Cảo vì vậy được thăng tới chức Tư Đồ. Hành động của Tào Đằng khiến cả Chủng Cảo và nhiều quan lại khác kính phục. Chủng Cảo thường nói:

“Tôi có thể làm tới chức Tư Đồ, tất cả đều nhờ Tào Thường thị”.

Tào Đằng cũng kết thân và tiến cử nhiều người có tài với Hán Hoàn Đế. Ông được cả người trong và ngoài triều coi trọng và khâm phục về đạo đức.




Tuy nhiên, Tào Đằng cũng có lần bị người khác “réo tên”, bêu xấu. Theo Tam Quốc chí của sử gia Trần Thọ, trước khi khởi động chiến dịch Quan Độ, Viên Thiệu từng sai người viết hịch kể tội Tào Tháo, trong đó có nhắc tới người ông là Tào Đằng như sau:

“Ngày nay Tư không Tào Tháo, ông nội là Đằng vốn làm Trung thường thị, cùng với bọn Tả Quán – Từ Hoàng gây tai nghiệt, phóng túng hung ác, tàn ngược dân chúng”.

Sau khi Tào Đằng qua đời, triều đình nhà Hán không còn xuất hiện hoạn quan nào có đủ đức tính trung thành và khiêm nhường như ông. Con Tào Đằng là Tào Tung từng bỏ ra hàng xe tiền để mua lấy chức Thái úy.

Xét về mối quan hệ giữa Tào Đằng và Tào Tung, Tam Quốc chí chép: “Tào Tung là con Tào Đằng, làm đến Thái úy”. Tuy nhiên, báo điện tử Sohu dẫn ý kiến của một số sử gia cho rằng, Tào Tung chỉ là con nuôi của hoạn quan Tào Đằng mà thôi.

Dưới thời Hán Linh Đế (168 – 189), sự hoành hành của nhóm Thập Thường thị – những hoạn quan chuyên quyền, lũng loạn xã tắc – khiến triều đình đổ nát, phản loạn nổi lên ở khắp nơi. Vì vậy, thái độ của xã hội cuối nhà Hán đối với hoạn quan rất không tốt.

Lợi dụng điểm này, Viên Thiệu đã động chạm đến “nòi giống hoạn quan” của Tào Tháo và đánh đồng Tào Đằng với nhóm hoạn quan “phóng túng hung ác, tàn ngược dân chúng”.




Tào Tháo mở ra vương triều nhà Ngụy, Tào Đằng cũng được “thơm lây” (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Dưới sự chuyên quyền, chèn ép hoàng đế của Tào Tháo, thế lực nhà Ngụy ngày càng lớn mạnh. Năm 220, Tào Phi – con trai Tào Tháo – soán ngôi nhà Hán, tự lập làm hoàng đế, mở ra triều đại nhà Ngụy. Tào Phi tôn Tào Tháo là Vũ Hoàng Đế. Tào Duệ – con Tào Phi – sau khi lên ngôi lại tôn hoạn quan Tào Đằng làm Cao Hoàng Đế.




Phần Lưu Diệp truyện trong Tam Quốc chí chép lời bình luận của Tào Duệ về Tào Đằng như sau:


“Trước kia Cao hoàng đế hoà mục với người, nhún nhường sửa đức, hành động sáng suốt, thế nên được trời đất cho hưởng phúc lớn, khi mất vẫn để lại cái vẻ vang cho con cháu về sau. Sáng suốt là ở chỗ nhìn xa, sao cho tiếng khen còn truyền mãi”.

Năm 266, Tư Mã Viêm lật đồ triều Ngụy, lên ngôi hoàng đế, thành lập nhà Tây Tấn. Tây Tấn chủ trương giữ nguyên các đế hiệu của vương triều Ngụy và công nhận tư cách hoàng đế của Tào Đằng. Các triều đại sau của Trung Quốc cũng làm điều tương tự.

Như vậy, Tào Đằng danh chính ngôn thuận trở thành 1 trong 5 hoàng đế của nhà Ngụy. Ông là hoạn quan duy nhất trong lịch sử Trung Quốc và thế giới đạt được danh hiệu chí tôn này.
Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *