Câu trả lời chấn động cho bí ẩn hàng trăm xác ướp vùi trong sa mạc Trung Quốc

Kể từ khi được phát hiện, nguồn gốc của hàng trăm xác ướp được chôn cất trong những chiếc thuyền vùi giữa vùng sa mạc khắc nghiệt ở tây bắc Trung Quốc đã khiến các nhà khảo cổ học đau đầu và tranh cãi.

NHững chiếc thuyền chứa xác ướp vùi mình giữa sa mạc Trung Quốc. Ảnh CNN.

Theo CNN, hàng trăm xác ướp đã được tìm thấy ở lưu vực Tarim ở Tân Cương (Trung Quốc) chủ yếu vào những năm 1990 với thi thể và quần áo còn nguyên vẹn dù đã có niên đại trên dưới 4.000 năm tuổi.

Những xác ướp này được bảo quản hoàn hảo và hoàn toàn tự nhiên bởi không khí khô của sa mạc, có thể thấy rõ qua các đặc điểm trên khuôn mặt và màu tóc của họ.

Diện mạo như người phương Tây, quần áo len dệt thoi và nỉ, phô mai, lúa mì và hạt kê trong những ngôi mộ thuyền kỳ lạ của họ cho thấy họ là những người chăn gia súc đường dài từ thảo nguyên Tây Á hoặc những nông dân di cư từ vùng núi và ốc đảo sa mạc ở Trung Á tới đây.

Một xác ướp nữ trong số này. Ảnh CNN




Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, lần đầu tiên phân tích DNA của 13 xác ướp trong số này đã vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác. 

Phân tích của họ cho rằng, những xác ướp trên không thuộc về những người từ nơi khác đến, mà là một nhóm người địa phương có nguồn gốc từ một nhóm dân cư châu Á thời kỳ Băng hà cổ đại.

“Các xác ướp từ lâu đã thu hút các nhà khoa học lẫn công chúng. Ngoài việc được bảo quản vô cùng hoàn hảo, họ cũng được tìm thấy trong một bối cảnh vô cùng bất thường”, Christina Warinner, một phó giáo sư nhân chủng học tại Đại học Harvard chia sẻ.

Warinner, người cũng là trưởng nhóm khoa học vi sinh vật tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck và là tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature hôm 27/10 cho biết, các xác ướp ở lưu vực Tarim  là hậu duệ trực tiếp của một nhóm người từng phổ biến trong kỷ Băng Hà nhưng phần lớn đã biến mất vào cuối kỷ nguyên đó – khoảng 10.000 năm trước.

Dấu vết của quần thể săn bắn hái lượm này chỉ tồn tại một phần nhỏ trong bộ gene của các quần thể ngày nay, trong đó người bản địa ở Siberia và châu Mỹ có tỉ lệ cao nhất. Việc phát hiện các xác ướp ở lưu vực Tarim, Tân Cương là hậu huệ của quần thể này đã gây bất ngờ cho các nhà khoa học.




Tổ tiên của các xác ướp là ai? Đây chính là câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu dành nhiều năm giải mã. Ảnh CNN

Các nhà nghiên cứu đã xem xét thông tin di truyền từ các xác ướp lâu đời nhất ở lưu vực Tarim với bộ gene đã được giải mã từ hài cốt của 5 người từ lưu vực Dzungarian tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương. Giải mã gene cho thấy, những người từ lưu vực Dzungarian là người lai giữa các quần thể thời kỳ đồ đồng khác nhau trong khu vực. Tuy nhiên, điều bất ngờ là các xác ướp ở lưu vực Tarim lại không có sự trộn lẫn về mặt di truyền, dù vẫn mang tính quốc tế về văn hóa.




Điều này bề ngoài có vẻ “nghịch lý” nhưng Vagheesh Narasimhan, phó giáo sư tại Đại học Texas ở Austin, người đã nghiên cứu các mẫu gen từ khu vực Trung Á cho biết, trên thực tế, một nhóm người trong một khu vực nào đó có thể không bị trộn lẫn về mặt di truyền nhưng vẫn mang tính quốc tế về văn hóa.

“Cho rằng di truyền học luôn đi đôi với sự trao đổi văn hóa hoặc ngôn ngữ là không cần thiết. Người ta vẫn có thể học các kỹ thuật mới, có thể là canh tác hoặc gia công kim loại từ những nhóm người khác, hoặc thay đổi phương thức sản xuất mà không cần di cư hoặc trộn lẫn về mặt di truyền”, Narasimhan nhấn mạnh.


Mặc dù nghiên cứu trước đó cho thấy các xác ướp sống trên bờ ốc đảo trong sa mạc, nhưng vẫn chưa làm rõ lý do tại sao họ được chôn trong những chiếc thuyền phủ đầy da gia súc với mái chèo ở đầu – một thực tế hiếm thấy ở những nơi khác trong khu vực.

“Họ chôn thi thể trong thuyền và không ai khác trong khu vực  làm điều đó. Truyền thống đó xuất phát từ đâu vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của những xác ướp sa mạc này. Đây chắc hẳn là cộng đồng cuối cùng trên thế giới làm điều này”, Michael Frachetti, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington nói.

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *