“Ngọc tỷ truyền quốc” của Tần Thuỷ Hoàng giờ ở đâu?

Ngọc tỷ truyền quốc là quốc bảo, là vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của Hoàng đế Trung Hoa, bắt đầu từ thời Tần Thủy Hoàng và được truyền qua nhiều triều đại. Trải qua những biến cố thăng trầm trong lịch sử, đến ngày nay tung tích của nó đã trở thành một điều bí ẩn.

Hòa thị bích

Ngọc tỷ truyền quốc ban đầu là ngọc của họ Hòa, còn gọi là “Hòa thị bích”. Hòa thị bích là quốc bảo của nước Sở thời Chiến Quốc, sau khi lưu lạc ở các nước rồi mới được Tần Thủy Hoàng dùng để đẽo thành Ngọc tỷ truyền quốc. 

Hòa thị bích có nghĩa “Ngọc bích họ Hòa”, được ghi chép lần đầu tiên trong sách “Hàn Phi tử”. Vào thời xuân thu, nước Sở có một người tên là Biện Hòa, ở dưới chân núi phía đông của Kinh Sơn có một sơn động, bên trong có một khối đá ngọc, cũng chính loại đá bên trong chứa ngọc.

Ông bèn đem khối đá ngọc này hiến tặng cho Sở Lệ Vương, Lệ Vương trong lòng sinh nghi, bèn cho gọi thợ ngọc đến tiến hành giám định. Nào ngờ người thợ ngọc này lại là hạng tầm thường, sau khi xem xong nói đây chỉ là một khối đá bình thường, Lệ Vương cho rằng Biện Hòa phạm tội khi quân, ra lệnh chặt đi chân trái của Biện Hòa.

Sau khi Lệ Vương mất, Sở Võ Vương kế vị, Biện Hòa lại bưng lấy khối ngọc này đi hiến cho Võ Vương. Võ Vương lại cho gọi thợ ngọc đến giám định, thợ ngọc xem qua vẫn nói thứ mà Biện Hòa tặng chẳng qua chỉ là một khối đá bình thường. Võ Vương cũng giống như Lệ Vương, cho rằng Biện Hòa phạm tội khi quân, cho người chặt đi chân phải của ông.

Sau khi Võ Vương qua đời, Văn Vương kế vị, Biện Hòa muốn đi hiến ngọc, nhưng hai chân ông đều đã tàn phế, không còn đi lại được nữa, đành phải ôm lấy đá ngọc trong người, bò đến chân núi Kinh Sơn khóc suốt ba ngày ba đêm. Nước mắt đã chảy hết, từ khóe mắt tràn ra từng giọt máu tươi.

Văn Vương nghe được tin tức Biện Hòa khóc cho đá ngọc, liền phái người hỏi thăm nguyên nhân khóc, nói với ông: “Trong thiên hạ, số người vì phạm tội mà bị đoạn chân rất nhiều, ngươi vì sao khóc đến mức bi thương như vậy!”

Biện Hòa trả lời rằng: “Tôi không phải vì bị chặt đi đôi chân mà buồn khóc, điều khiến tôi đau lòng chính là đá ngọc trân quý như thế bị xem như khối đá tầm thường, người trung thành chính trực bị xem là tên lừa đảo!”.




Biện Hòa 3 lần dâng ngọc quý.

Sau khi Văn Vương biết được, đưa Biện Hòa và khối đá ngọc vào cung, cho thợ ngọc đục mở đá ngọc ra, quả nhiên không sai, bên trong là một khối ngọc xinh đẹp. Sau đó Văn Vương tiến hành chế tác tỉ mỉ, biến khối đá ngọc này thành một khối ngọc bích.

Vụ án oan uổng của Biện Hòa được sửa lại án sai, giải tội rõ ràng, Văn Vương cho đặt tên khối ngọc bích này là “Hòa Thị Bích”, để ghi nhớ lòng trung trinh của Biện Hòa.

Đổi 15 tòa thành lấy ngọc

“Chiến Quốc sách” ghi chép, sau khi trở thành quốc bảo nước Sở trong hơn 300 năm, thời Sở Uy Vương đã đem tặng viên ngọc này cho quan Lệnh doãn Chiêu Dương do công lao đánh chiếm đất đai cho nước Sở. Cũng từ đây Hòa thị bích bắt đầu con đường thăng trầm cùng với lịch sử.

Sau này khi Chiêu Dương đi du ngoạn Xích Sơn thì ngay dưới chân Xích Sơn có cái đầm nước rất sâu. Chiêu Dương là người thích khoe khoang, ông ta liền mở tiệc ở lầu bên đầm nước và lấy Hòa thị bích ra cho mọi người thưởng thức.

Tương truyền rằng, khi đó bất ngờ có con cá to nhảy từ dưới đầm lên và kéo theo một đám cá nhỏ đủ loại. Mọi người thấy lạ liền chạy tới bờ đầm xem cá. Nhưng sau khi mọi người xem xong và quay trở lại thì không thấy Hòa thị bích đâu nữa.

Chiêu Dương nghi người học trò Trương Nghi đã ăn trộm nên tra tấn vô cùng độc ác, hy vọng có thể tìm thấy Hòa thị bích. Kết quả là Trương Nghi sau khi bị hành hạ thì quay lưng lại với nước Sở, vào nước Ngụy. Cuối cùng Trương Nghi lại làm quan nước Tần và chống lại nước Sở. Hòa thị bích thì vẫn không tìm thấy được, còn nước Sở ngày càng có nhiều kẻ thù không đội trời chung.




Chiêu Dương nhân lúc nước Sở đang có thế lực, sau khi bị mất trộm đã treo thưởng ngàn vàng để tìm lại ngọc bị mất. Trong tình hình căng thẳng, kẻ ăn trộm càng phải cất giữ vật báu cẩn thận hơn.

Đến thời Triệu Huệ Văn Vương, Hoà thị bích bất ngờ xuất hiện tại Hàm Đan, thủ phủ nước Triệu. Quan Nội thị là Mậu Hiền chỉ dùng năm trăm đồng vàng để mua lại bảo ngọc này. Sau khi Triệu Huệ Văn Vương biết tin đã nhiều lần ám chỉ muốn Mậu Hiền mang ngọc tặng lại cho mình, nhưng Mậu Hiền tiếc vật báu nên không đưa ra.

Triệu Vương tức tối sai lính đến nhà Mậu Hiền cướp Hoà thị bích. Câu chuyện đến tai Tần Chiêu Tương Vương, ông viết phong thư cho Triệu Vương, yêu cầu dùng mười lăm tòa thành để đổi lấy Hòa thị bích.

Sức hấp dẫn của Ngọc bích họ Hòa khiến Tần Chiêu Tương Vương quyết định dùng 15 tòa thành để đánh đổi.

Thời đó nước Tần đang mạnh, nước Triệu đang yếu, Triệu Huệ Văn Vương tiếc báu vật, không biết phải xử trí như thế nào. Trong cảnh nguy nan, Lạn Tương Như đã hiến kế “hoàn ngọc về Triệu”, dũng cảm mang ngọc đi và mang ngọc về. Sau đó Hòa thị bích đã được cất trong cung đình nước Triệu một thời gian dài. Năm 228 TCN, nước Tần đánh nước Triệu và cướp được Hòa thị bích.

Trở thành Ngọc tỷ truyền quốc từ thời Tần Thủy Hoàng

Tần tiêu diệt Triệu, Hòa thị bích vào tay vua Tần. Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng cho đẽo Hòa thị bích thành ngọc ấn truyền quốc, có khắc 8 chữ Triện “Thụ mạng ư thiên, ký thọ vĩnh xương” (Nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi) do chính Thừa tướng Lý Tư viết. Từ đó, Hòa thị bích trở thành Ngọc tỷ truyền quốc, tượng trưng cho hoàng quyền tối thượng và vương triều chính thống.

Sau khi Triệu Cao giết Tần Nhị Thế thì định mang ngọc tỷ để làm vua nhưng không được quần thần tin phục nên phải lập Tử Anh làm Tần vương. Tử Anh tuy giết được Triệu Cao, nhưng không cứu được cơ nghiệp nhà Tần. Sau khi Lưu Bang vào Hàm Dương, Tần Tử Anh đã giao lại Ngọc tỷ truyền quốc cho Lưu Bang. Đến cuối thời Tây Hán, khi ngoại thích Vương Mãng cướp ngôi trong lúc hoàng đế Nhũ Tử Anh mới hai tuổi, ngọc tỷ lại rơi vào tay thái hậu Hán Hiếu Nguyên.

Theo “Hán thư – Nguyên Hậu truyện”, khi Vương Mãng cho người em Vương Thuấn đến chỗ thái hậu Hán Hiếu Nguyên đòi ngọc, bà quá tức giận đã ném mạnh ngọc tỷ xuống đất, khiến ngọc tỷ bị bể một góc. Về sau, Vương Mãng cho người dùng vàng khảm lại chỗ bể nhưng tì vết vẫn tồn tại từ đó.




Ngọc tỷ thời Tam Quốc

Cuối thời Đông Hán, xảy ra loạn hoạn quan “Thập thường thị” tạo điều kiện cho Đổng Trác đưa quân vào kinh lũng đoạn triều đình. Các lộ chư hầu địa phương họp lại đánh đuổi Đổng Trác. Năm 190, Đổng Trác đốt phá kinh thành Lạc Dương, mang vua Hán Hiến đế dời sang Trường An. Danh tướng Tôn Kiên tiến vào Lạc Dương bắt được ngọc tỷ trong giếng Chân Cung, liền chiếm giữ cho riêng mình.

Năm 191, Tôn Kiên chinh phạt Kinh Châu bị tử trận. Sau, con Tôn Kiên là Tôn Sách dâng ngọc tỷ cho Viên Thuật để đổi lấy vài nghìn binh mã và tướng tài nhằm trở về xây dựng thế lực tại Giang Đông. Thuật có ngọc tỷ, nhân cơ hội xưng đế ở Thọ Xuân (Hoài Nam). Năm 199, Viên Thuật bị Tào Tháo và Lã Bố đánh bại, ốm mà chết. Thủ hạ của Thuật là Từ Lục đem Ngọc tỷ truyền quốc dâng cho Tào Tháo – người đang nắm trong tay Hán hiến Đế, lệnh chư hầu.

Tào Tháo tuy nắm được ngọc tỷ nhưng sợ mang tiếng cướp ngôi nhà Hán nên chỉ xưng vương. Năm 220, con Tào Tháo là Tào Phi lên thay cha, phế vua Hiến Đế lập ra nhà Tào Ngụy, Ngọc tỷ truyền quốc chính thức thuộc về họ Tào.

Số phận “chìm nổi” của Ngọc tỷ truyền quốc

Năm 265, Tư Mã Viêm ép vua Nguỵ là Tào Hoán phải nhường ngôi, lập ra nhà Tấn, ngọc tỷ lại rơi vào tay dòng họ Tư Mã. Nhà Tây Tấn tồn tại 52 năm thì bị diệt vong (316), di xuống Giang Nam, gọi là Đông Tấn. Lưu Thông nước Hán Triệu diệt Tây Tấn, có được ngọc tỷ.

Sau đó Hậu Triệu của người Yết diệt Hán Triệu, ngọc tỷ thuộc về Hậu Triệu của Thạch Lặc. Năm 352, nước Nhiễm Ngụy diệt Hậu Triệu, ngọc tỷ lại vào tay vua nước này là Nhiễm Mẫn. Nhưng ngay năm đó Nhiễm Mẫn đánh Tiền Yên bị tử trận, Thái thú Bộc Dương của Nhiễm Ngụy là Đái Thi đem Ngọc tỷ truyền quốc hiến cho hoàng đế nhà Đông Tấn. Ngọc tỷ trở về tay người Hán.

Năm 420, Lưu Dụ cướp ngôi nhà Đông Tấn, chiếm được ngọc tỷ, lập ra nhà Lưu Tống. Từ đó Ngọc tỷ truyền quốc truyền qua các triều đại Nam triều thời Nam Bắc triều là Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần.

Năm 589, nhà Trần bị nhà Tùy ở trung nguyên tiêu diệt, Ngọc tỷ truyền quốc lọt vào tay nhà Tùy. Năm 617, Tùy Dạng Đế bị Vu Văn Hóa Cập phát động chính biến giết và chiếm được Ngọc tỷ truyền quốc. Vũ Văn Hóa Cập xưng đế, lập ra nước Hứa, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại có một năm, sau bị Hạ vương Đậu Kiến Đức đánh bại, bắt và giết ở Liêu Thành. 




Năm 621, Đậu Kiến Đức bị nhà Đường đánh bại, bị bắt giết ở Trường An, thê tử của ông đem Ngọc tỷ truyền quốc dâng cho Đường Cao Tổ Lý Uyên. Từ đó ngọc tỷ thuộc về nhà Đường.

Năm 907, Chu Ôn cướp ngôi nhà Đường lập ra nhà Hậu Lương, ngọc tỷ vào tay nhà Hậu Lương. Qua thời Ngũ đại Thập quốc tới nhà Tống kế tục, ngọc tỷ thuộc về nhà Tống. Năm 1127, hai vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông bị quân Kim (người Nữ Chân) bắt đưa về Bắc Kinh, ngọc tỷ rơi vào tay nhà Kim. Nhà Nam Tống của Triệu Cấu không có Ngọc tỷ truyền quốc. Năm 1234, nhà Kim bị người Mông Cổ diệt, ngọc tỷ rơi vào tay nhà Nguyên.

Năm 1368, Nguyên Thuận đế bị Minh Thái Tổ đánh đuổi, cầm ngọc tỷ chạy lên Mạc Bắc. Nhà Minh làm chủ Bắc Kinh nhưng không nắm được Ngọc tỷ truyền quốc. Sau này, dòng dõi của Nguyên Thuận đế là Lâm Đan Hãn chết, ngọc tỷ được mang dâng cho vua Hậu Kim của người Nữ Chân là Hoàng Thái Cực – con Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Từ đó đến khi Hậu Kim đổi thành nhà Thanh và tiến vào Trung nguyên diệt nhà Minh, ngọc tỷ trong tay nhà Thanh. Ngọc tỷ truyền quốc truyền đến vua cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi.

Ngọc tỷ truyền quốc xuất hiện thời nhà Thanh.

Ngọc tỷ truyền quốc đang ở đâu?

Rất nhiều ý kiến cho rằng Ngọc tỷ truyền quốc đã bị thiêu hủy khi Hậu Đường Mẫn Đế bị Hậu Tấn Cao Tổ cướp ngôi năm 936 đã cầm ngọc tỷ nhảy vào lửa tự thiêu và ngọc tỷ truyền cho nhà Tống sau này chỉ là ngọc tỷ giả.

Nhưng căn cứ theo sự nghiên cứu của các chuyên gia thì Hoà thị bích dùng để điêu khắc và chế tạo Ngọc tỷ truyền quốc là loại thạch ngọc, thuộc “Trụ Trường Thạch”, có thể chịu một độ nóng đến 1.300 độ, sức nóng của loại lửa thường không đủ sức thiêu hủy nó được.

Cho nên, Ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng khó có thể tiêu tan đi cùng với vua Phế Đế nhà Hậu Đường khi ông này tự thiêu ở lầu Huyền vũ. Cũng có giả thuyết là ngọc tỷ bị Liêu Thái Tông lấy mất khi nhà Liêu xâm chiếm Hậu Tấn và sau đó thất lạc. Tuy nhiên, không có nhiều văn bản ghi chép đáng tin cậy để “giải mã” giả thuyết này.

Sau Cách mạng Tân Hợi (1911), vua Phổ Nghi bị phế, Phùng Ngọc Tường – khi đó là sĩ quan hàng đầu trong quân Bắc Dương của Viên Thế Khải đã lấy ngọc tỷ giao lại cho một ủy viên cơ quan tiền thân của Bảo Tàng Cố cung tại Bắc Kinh. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, ngọc tỷ được trưng bày trong Bảo tàng Cố Cung, sau này được các chuyên gia khảo cổ phát hiện ra rằng không phải bản nguyên mẫu của Ngọc tỷ truyền quốc mà chỉ là một ngọc tỷ qua vài đời vua triều Thanh.


Hiện Trung Quốc có khoảng 6 viên ngọc được coi là Ngọc tỷ truyền quốc nhưng không viên nào trong số đó đích xác là Ngọc tỷ truyền quốc thực sự. Một giả thuyết đáng chú ý cho rằng, Phùng Ngọc Tường đã không giao trả cho Bảo tàng Cố Cung Ngọc tỷ truyền quốc thật mà giữ nó làm của riêng suốt hàng chục năm. Nhưng năm 1948, Phùng Ngọc Tường đã chết trong một vụ tai nạn tàu biển ở biển Đen trên đường đến Liên Xô (cũ).

Tung tích thực sự của Ngọc tỷ truyền quốc mãi mãi chôn vùi kể từ đó.

Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *