Các nhà khoa học đã tìm ra lời giải đáp cho bí mật của thành phố La Mã huyền thoại, Hierapolis, nơi đã từng được mệnh danh như là ‘Cổng vào địa ngục’.
Hierapolis được thành lập bởi vương triều Attalid vào cuối thế kỷ 2 TCN, sau đó khoảng 300 năm thành phố bị người La Mã xâm chiếm. Dưới sự cai trị của La Mã, Hierapolis trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những suối khoáng có khả năng chữa bệnh, các công trình trong thành phố như mái vòm, hàng cột và giảng đường được tu sửa trở nên rực rỡ dưới ánh nắng vàng.
Hình minh họa đấu trường, với khói độc tỏa ra từ cổng vào. (Francesco D’Andria / Đại học Salento)
Tuy nhiên, Hierapolis còn nổi tiếng khắp La Mã vì được cho là “Cổng vào địa ngục”, nơi dẫn đến thế giới của thần Pluto và con chó săn ba đầu Cerberus tỏa ra khí độc trong thần thoại. Người dân từ khắp nơi từng phải hành hương về đây, hiến tế sinh vật cho vị thần cai quản địa ngục trong ngôi đền Ploutonion. Tin đồn lan truyền nhanh chóng khiến Hierapolis được mệnh danh là “thành phố chết chóc”.
Giải mã bí ẩn nghìn năm
Vào thời bấy giờ, nhà văn Pliny the Elder và nhà địa lý Strabo đã mô tả cuộc hiến tế này là cảnh tượng ớn lạnh. Một tu sĩ sẽ đưa vật hiến tế, thường là cừu hoặc con bò đực, vào đền thờ. Như có phép màu của thần linh, con vật sẽ chết ngay lập tức trong khi vị tu sĩ vẫn sống sót bước ra ngoài. “Tôi ném con chim sẻ vào đền và chúng ngã xuống, chết ngay tức khắc”, Strabo viết trong cuốn 13 của bộ sách “Địa lý”.
Ngày nay, hầu hết du khách khi tham quan Ploutonion đều cho rằng đây là huyền thoại làm tăng thêm vẻ huyền bí của thành phố cổ. Tàn tích của đền thờ bao gồm: Một khu vực hình chữ nhật chứa đầy dòng nước trong suốt với bọt khoáng nhẹ nhàng trôi, bên trên là chỗ ngồi dành cho đoàn người hành hương và bức tượng thần Pluto có ánh mắt dịu dàng. “Khi đến Ploutonion, tôi không thể hiểu làm thế nào đây có thể là nơi chết chóc”, Sarah Yeomans, nhà khảo cổ học tại Đại học Nam California, chia sẻ.
Đây cũng là câu hỏi gây tò mò cho Hardy Pfanz, nhà nghiên cứu địa chất thuộc Đại học Duisburg-Essen (Đức). Hardy cho rằng “Cổng vào địa ngục” là một lỗ thông hơi của núi lửa.
Hierapolis được xây dựng trên đứt gãy Pamukkale của vỏ Trái đất
Năm 2013, nhà nghiên cứu người Đức đã đến Hierapolis để kiểm chứng giả thuyết này và nhận thấy xác chết của rất nhiều sinh vật xung quanh lối vào đền thờ như chuột, chim sẻ, bọ cánh cứng, ong bắp cày… “Những câu chuyện liên quan Ploutonion là có thật”, Hardy khẳng định.
Khi Hardy Pfanz kiểm tra không khí bằng máy phân tích khí di động, ông nhận thấy nồng độ CO2 xung quanh ngôi đền lên tới 80%, trong khi chỉ cần tỉ lệ 10% CO2 có thể gây chết người. Từ đây, các nhà khoa học bắt đầu tìm được lời giải đáp cho bí ẩn nghìn năm của thành phố La Mã huyền thoại.
Cổng đấu trường còn lại ngày nay. (Ảnh: Carole Raddato – CC BY-SA 2.0)
Theo đó, Hierapolis được xây dựng trên đứt gãy Pamukkale, loại đứt gãy đang hoạt động dài 35 km, tạo nên các vết nứt ở vỏ Trái đất khiến nước giàu khoáng chất và khí độc hại thoát ra bề mặt tại khu vực đền thờ Ploutonion.
Sarah cho rằng việc lựa chọn vị trí xây dựng Ploutonion có liên quan đến sự tồn tại của lỗ thông hơi trong ngọn núi lửa. “Đền thờ được xây dựng tại địa điểm gắn liền với những huyền thoại về các vị thần La Mã là một phần quan trọng trong yếu tố tôn giáo”, cô giải thích. Tuy vậy, đứt gãy của hoạt động địa chất đã gây ra những trận động đất san bằng Hierapolis. Cuối cùng, thành phố nhanh chóng suy tàn và rơi vào quên lãng.
Tại sao con người vẫn sinh sống được?
Song, nếu Ploutonion là khu vực đầy khí độc, tại sao các tu sĩ trong đền lại không chết? Câu hỏi này khiến Hardy trở lại Hierapolis và nghiên cứu nồng độ không khí các thời điểm khác nhau trong ngày. Ông nhận thấy khí CO2 tan nhanh vào ban ngày khi trời ấm và có nắng. Vào buổi đêm, CO2 nặng hơn không khí sẽ ngưng đọng dưới nền ngôi đền tạo ra hồ khí độc hại. “Những con vật bị chết ngạt vì mũi gần chạm đất, trong khi đó các tu sĩ cao hơn, hít thở lượng CO2 ít hơn nên có thể sống sót”, Hardy kết luận.
Ploutonion là nơi giao nhau giữa thần thoại và thực tại. Sau nhiều thế kỷ, huyền thoại về hơi thở độc hại của chó ba đầu Cerberus đã được giải đáp.
‘Lâu đài bông’
Đứt gãy Pamukkale khiến thành phố Hierapolis sụp đổ, nhưng vô hình trung tạo nên kiệt tác thiên nhiên cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Nằm trong thung lũng sông Buyuk Menderes, Pamukkale là những ngọn núi đá vôi xếp tầng trên sườn đồi, các nhũ đá đóng băng uốn lượn và được bao quanh bởi hàng trăm hồ nước màu ngọc lam lấp lánh trông tựa như những ‘Lâu đài bông’.
Pamukkale là thành tạo hang động, vách đá vôi từ sự sủi bọt của các dòng suối khoáng trong suốt 400.000 năm. Khi nước chảy xuống sườn đồi để lại lượng lớn canxi cacbonat trắng sáng dài gần 3 km và cao 160 m. Đây không phải là địa điểm duy nhất có nhiều travertines, một dạng đá vôi hình sợi lắng đọng xung quanh suối khoáng, nhưng hiện tượng tại Pamukkale là kỳ vĩ nhất trên thế giới. Nhờ đó, Pamukkale và tàn tích Hierapolis đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới hỗn hợp.
Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ của Pamukkale. Ảnh: Arpanu Travel.
Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Pamukkale là điểm tham quan nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, thu hút hơn 2.5 triệu lượt khách mỗi năm. Tại đây, du khách thường lựa chọn ngâm mình trong hồ nước khoáng và thưởng ngoạn khung cảnh ngoạn mục của “lâu đài bông”.
Nguồn: NTDVN
- Các nhà khảo cổ tìm thấy di tích “Cánh cổng địa ngục” ở Thổ Nhĩ Kỳ
- Bí ẩn ở Thổ Nhĩ Kỳ lúc 2 giờ sáng: Cư dân kinh hãi khi chứng kiến bầu trời đột nhiên “nhuốm” màu xanh kỳ lạ
- Phát hiện thành phố ngầm cổ xưa 3000 tuổi sâu hơn 11 tầng tại Thổ Nhĩ Kỳ thách thức công nghệ hiện đại