Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc gần đây phát hiện hóa thạch một con khủng long kỷ Jura ở huyện Lộc Phong, tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc.
Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc mới tìm thấy hóa thạch khủng long tương đối hoàn chỉnh.
Truyền thông địa phương ở Vân Nam hôm 1.6 đã công khai phát hiện đột phá mới. Hóa thạch còn nguyên vẹn tới 70%, thuộc về một con khủng long dài 8 mét.
“Phát hiện hóa thạch khủng long còn nguyên vẹn đến mức này là điều cực kỳ hiếm thấy trên thế giới”, Wang Tao, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Hóa thạch Khủng long ở huyện Lộc Phong, nói.
“Hóa thạch này có thể được coi là báu vật quốc gia, là phát hiện chấn động ngành cổ sinh vật học thế giới nếu chúng tôi tìm thấy hóa thạch phần đầu khủng long trong lần khai quật tới”, ông Wang nói.
Hóa thạch khủng long mới được phát hiện ước tính có niên đại cách đây 180 triệu năm, nằm trong lớp đất tồn tại trong kỷ Jura.
“Dựa trên kết quả phân tích, chúng tôi nhận thấy đây là cá thể thuộc loài khủng long khổng lồ Lufengosauru, sống ở giai đoạn đầu kỷ Jura. Chúng tôi ước tính hóa thạch khủng long trọn vẹn dài 8 mét”, ông Wang nói thêm.
Lufengosaurus có thể phát triển chiều dài tới 9 mét và nặng 1,7 tấn. Chúng có phần cổ dài và các chi ngắn. Lufengosaurus là khủng long ăn cỏ, dù các chi có móng vuốt sắc nhọn và răng nanh.
Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Hóa thạch Khủng long của huyện Lộc Phong đang cố gắng thu thập đầy đủ mẫu hóa thạch được phát hiện bên sườn đồi một cách nhanh nhất có thể, do lo ngại lở đất có thể ảnh hưởng đến công việc khai quật.
Hồi đầu năm nay, các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc cũng phát hiện một phần hóa thạch khủng long con ở Lộc Phong. Đây có thể là một loài khủng long mới vì nó không giống với bất kỳ loại khủng long nào mà con người từng biết đến.
Nguồn: DV
- Tìm thấy hóa thạch khủng long lớn nhất thế giới hơn 77 tấn chấn động giới khoa học
- Sao Hỏa: Phát hiện hóa thạch khủng long?
- Phải chăng con người và khủng long đã từng chung sống? Bộ hiện vật Acambaro