Câu chuyện về chiếc cầu thang xoắn ốc kỳ diệu và người thợ mộc bí ẩn trong nhà thờ Loretto từ lâu đã trở thành ẩn đố đối với nhân loại. Tuy nhiên, đến ngày nay ẩn đố này phần nào đã có lời giải.
Nhà thờ Loretto và chiếc cầu thang xoắn ốc kỳ diệu bên trong (Ảnh: Shutterstock).
Nhà thờ Loretto tọa lạc tại Santa Fe, New Mexico, Hoa Kỳ. Nhà thờ được xây dựng theo lệnh của Giám mục giáo phận Santa Fe lúc đó là Đức cha Jean Baptiste Lamy và 7 nữ tu được giao nhiệm vụ giám sát. Nhà thờ do kiến trúc sư người Pháp là Antoine Mouly thiết kế theo phong cách Tân Gothic với các nguyên vật liệu nhập từ Pháp. Nhà thờ Loretto mang một số nét giống Nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhà thờ Loretto tọa lạc tại Santa Fe, New Mexico, Hoa Kỳ (Ảnh: Shutterstock).
Việc xây dựng toàn bộ nhà thờ mất gần 6 năm để hoàn thành. Năm 1878, khi nhà thờ sắp hoàn thành, những người thợ thủ công bất ngờ phát hiện ra không có cầu thang để lên lầu hát. Nhưng thật không may, nhà thiết kế ông Antoine Mouly lúc này đã qua đời.
Các nữ tu đã tìm đến những người thợ mộc địa phương để nhờ giúp đỡ. Tất cả những người thợ mộc ở đây đều cho rằng diện tích nhà thờ khá nhỏ, nếu xây cầu thang sẽ làm ảnh hưởng đến bố cục kiến trúc của nhà thờ nên khuyên các nữ tu từ bỏ ý định và thay vào đó dùng một chiếc thang để leo lên. Nhưng lầu hát cao tới 6,1m, cao bằng toà nhà hai tầng, làm sao các thành viên dàn hợp xướng với chiếc áo choàng của họ có thể trèo lên được?
Trong lúc rối trí, các nữ tu ngoan đạo đã dâng lễ cầu xin Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu giúp đỡ. Vào cuối buổi lễ, một người thợ mộc cưỡi lừa từ xa đến và mang theo một hộp dụng cụ nhỏ xuất hiện trước nhà thờ. Người thợ mộc lạ mặt nói rằng ông có thể xây cầu thang như mong muốn của các nữ tu. Tuy nhiên, ông đưa ra một điều kiện, đó là ông phải được toàn quyền quyết định mọi việc và việc này cần giữ bí mật tuyệt đối.
Trong suốt 3 tháng, người thợ mộc nhốt mình bên trong nhà thờ với một cây cưa, một cây thước cùng vài dụng cụ đơn giản và không cần người khác giúp đỡ. Sau khi hoàn thành công việc người thợ mộc lặng lẽ ra đi mà không màng đến tiền công, để lại chiếc cầu thang xoắn ốc tuyệt đẹp với 33 bậc có kích thước giống y hệt nhau, tượng trưng cho 33 năm Chúa Giuse sống ở trần gian. Chiếc cầu thang cao khoảng 7m. Các bậc thang không có điểm tựa ở trung tâm, kết thành hai vòng tròn 360 độ. Chiếc cầu thang vừa vặn, kết nối hài hoà với toàn bộ kiến trúc của nhà thờ.
Chiếc cầu thang xoắn ốc trong nhà thờ (Ảnh: Shutterstock).
Vào ngày khánh thành nhà thờ, tất cả mọi người đều đến dự, kể cả những người thợ mộc đã từng cho rằng điều này là bất khả thi. Tất cả mọi người đều kinh ngạc trước chiếc cầu thang xoắn ốc này. Cầu thang được ráp nối bằng 93 tấm gỗ, dài từ 0,9-1,5m, gồm 10 tấm dùng làm sườn phía ngoài, 8 tấm làm sườn phía trong, 33 tấm gỗ là bậc thang, 33 tấm kê giữa 2 bậc thang, phần còn lại dùng làm đoạn vòng dưới chân cầu thang. Kỹ thuật ráp nối rất kỳ lạ. Có thể nói, sự tồn tại của chiếc cầu thang đi ngược lại mọi quy tắc vật lý và hầu như ai mới nhìn thấy cũng nghĩ rằng chẳng sớm thì muộn nó cũng đổ sụp. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại.
Sau đó, nhiều kiến trúc sư và thợ mộc chuyên nghiệp lần lượt đến tìm hiểu nhưng không ai lý giải được vì sao thiếu điểm tựa ở trung tâm và cầu thang không được cố định bằng đinh lại có thể sử dụng bình thường. Cầu thang xoắn ốc của Nhà thờ Laredo dần trở nên nổi tiếng, và sau đó được đưa vào danh sách những bí ẩn chưa được biết đến trên thế giới, với tên gọi “Magic Ladder”.
Có thể đối với các kiến trúc sư phương tây, chiếc cầu thang xoắn ốc này là một bí ẩn. Tuy nhiên, nếu để một người thợ mộc già người Trung Quốc đến thăm nhà thờ này, ông có thể cho chúng ta một số manh mối. Thực chất, cầu thang kỳ diệu này có lẽ được xây dựng với cấu trúc ghép mộng. Ghép mộng là một cách ghép nối các thành phần trong chế biến gỗ truyền thống. Phần nhô ra được gọi là mộng, và phần lõm được gọi là lỗ mộng.
Đặc điểm lớn nhất của đồ gỗ làm bằng kết cấu ghép mộng là bất kể đồ vật lớn đến đâu, dù là cung điện, chùa chín tầng hay cây cầu bắc qua sông, các mối nối giữa các bộ phận khác nhau đều được nối với nhau bằng mối ghép mộng và lỗ mộng, và không cần dùng đinh. Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, đó là một kết cấu gỗ thuần túy, nhưng rất chắc chắn.
Tại sao không cần dùng đinh nhưng lại có thể chắc chắn như vậy? Đầu tiên chúng ta hãy xét đến cấu trúc của mối ghép mộng trông như thế nào. Một mối ghép mộng đơn giản, được sử dụng để cố định một góc vuông.
Mối ghép mộng gồm mộng và lỗ mộng (Ảnh: Shutterstock)
Phần lớn các bộ phận khớp gắn của cấu trúc mộng và lỗ mộng đều là góc cạnh chứ không phải tròn. Bởi vì sau khi gắn các khớp với nhau sẽ hạn chế việc gỗ bị xoắn, do đó toàn bộ kết cấu vẫn ổn định và không bị biến dạng. Còn đinh sắt rất dễ bị hoen rỉ theo thời gian nên nếu cố định các mối ghép bằng đinh sắt, gỗ có lẽ vẫn còn nguyên vẹn, nhưng do đinh dễ bị ăn mòn, toàn bộ cấu trúc có thể sẽ sớm bị đổ vỡ. Gỗ tốt có thể dùng hàng trăm năm, nhưng đinh sắt thì không tồn tại được bao lâu.
Vì vậy, có thể dễ dàng giải thích được kết cấu tạo nên chiếc cầu thang xoắn ốc này bằng cấu trúc mộng và lỗ mộng. Con người đã sử dụng cấu trúc mộng và lỗ mộng trong một thời gian dài trong lịch sử. Phát hiện sớm nhất là tại giếng cổ nằm ở thành phố Leipzig, bang Saxony (Đức), có lịch sử 7.000 năm.
Ở Trung Quốc, các cấu trúc mộng và lỗ mộng được thiết kế tinh xảo mà chúng ta thấy ngày nay về cơ bản đã được hoàn thiện sớm nhất vào thời Xuân Thu ở 2.600 năm trước, chúng đã được sử dụng rộng rãi. Điều đáng ngạc nhiên là những người thợ thủ công cổ đại chưa bao giờ học về hình học, chứ đừng nói đến khái niệm vật lý kiến trúc, làm thế nào họ thiết kế một cấu trúc tuân theo các nguyên tắc cơ học như vậy? Điều này chỉ có thể nói rằng trí tuệ của tổ tiên chúng ta quả thực không như những gì chúng ta có thể tưởng tượng được bây giờ.
Cấu trúc mộng và lỗ mộng tiêu biểu nhất ở Trung Quốc là Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, đã trải qua hơn 200 trận động đất lớn nhỏ, kể từ khi nó được xây dựng cách đây hơn 600 năm. Nhưng sau mỗi trận động đất, Tử Cấm Thành vẫn bình an vô sự. Có thể thấy rằng kết cấu mộng và lỗ mộng rất chắc chắn.
Hiện nay, chúng ta vẫn có thể bắt gặp cách làm này từ một số thợ mộc truyền thống hiếm hoi ở Trung Quốc.
Thời xa xưa khi mọi thứ đều tồn tại lâu dài thì kết cấu mộng và lỗ mộng chiếm một vị trí quan trọng trong ngành xây dựng và nội thất. Những người thợ thủ công cũng rất lành nghề, họ có thể kiểm soát độ chính xác đến 0,01 cm, và những thứ họ làm ra từng khâu đều rất chặt chẽ, tạo cho đồ vật vẻ đẹp ‘liền mạch’. Nhưng để đạt đến cảnh giới như vậy, cần phải có một thời gian dài tôi luyện, trong nền văn hóa hiện đại ngày nay, rất ít người sẵn sàng kế thừa nó.
Dù ai là người đã chế tạo ra chiếc cầu thang xoắn ốc kỳ diệu này thì ông cũng là một nghệ nhân đồ gỗ lành nghề về kết cấu mộng và lỗ mộng. Đáng tiếc, nghề thủ công này đã không được truyền lại ở Bắc Mỹ, và chỉ còn lại tác phẩm tuyệt vời này để các thế hệ đời sau biết đến mà thôi.
Nguồn: DKN
- Uy lực sấm sét của “nỏ thần” nhà Tần: Tầm bắn vượt xa AK47, giúp Tần Vương “bình thiên hạ
- Kinh thánh bác bỏ thuyết tiến hóa khoa học của khủng long?
- Phát hiện thêm một đội quân đất nung, không phải đội quân bảo vệ lăng mộ Tần Thủy Hoàng