Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một cấu trúc đồ sộ mang hình dáng kim tự tháp bị ẩn giấu dưới lớp tàn tích đổ nát có niên đại lên đến hàng chục ngàn năm ở Indonesia. Nếu đây là sự thật, nhận định này có thể buộc chúng ta phải viết lại lịch sử loài người…
Ảnh minh họa tái lập di chỉ cổ đại Gunung Padang. (Ảnh qua Pinterest)
Tiến sĩ địa chất Danny Hilman là một nhà địa chất cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Địa kỹ thuật của Indonesia. Ông cho biết khu cự thạch Gunung Padang tại tỉnh Tây Java, Indonesia được người dân tôn kính vì nơi đây ẩn giấu một ngôi đền cổ được xây dựng từ 9.000 đến 20.000 năm trước, theo Daily Mail.
Khu cự thạch Gunung Padang được phát hiện vào năm 1914 và là địa điểm lớn nhất của loại hình kết cấu này tại Indonesia. Khu vực nằm nép mình giữa những ngọn núi lửa, bụi chuối và các đồn điền trà ở độ cao 885m so với mực nước biển, cách phía nam Jakarta khoảng 120km.
Khu cự thạch Gunung Padang tại tỉnh Tây Java, Indonesia. (Ảnh qua Pinterest)
Những khối đá vụn núi lửa nhô lên từ sườn đồi bậc thang. Người Sundan sống tại đây tin rằng những khối đá này vô cùng linh thiêng.
Theo tiến sĩ Hilman, địa điểm này có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa vì nó là một kim tự tháp cổ được xây dựng từ 9.000 – 20.000 năm trước đây. Ông còn nhận định rằng công trình này có khả năng cao là được xây dựng cho mục đích thờ cúng hoặc để nghiên cứu thiên văn học.
Nếu điều này là đúng, người tiền sử sẽ phải di chuyển các khối đá núi lửa lên các bậc thang được xây dựng trên sườn núi, sau đó xếp chồng chúng lên nhau để tạo nên kim tự tháp. Đây có thể được coi là một kỳ công lớn của kỹ thuật cổ đại.
Tiến sĩ Hilman cho rằng cấu tạo của khối cấu trúc kim tự tháp nằm bên dưới lòng đất.
Ảnh chụp trên không cho thấy đỉnh của ngọn đồi Gunung Padang, ở sâu bên trong đó là cả công trình to lớn được xây dựng từ thời tiền sử. (Ảnh: Danny Hilman Natawidjaja)
Theo tờ ‘Sydney Morning Herald’, sau các cuộc khai quật, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Hilman tuyên bố phần bề nổi của Gunung Padang là “cấu trúc cự thạch lớn nhất tại Đông Nam Á”.
Các cuộc khai quật cũng được chính phủ Indonesia hỗ trợ. Cựu tổng thống Indonesia Yudhoyono cho rằng công cuộc khai quật này là “nhiệm vụ lịch sử, có giá trị quan trọng đối với nhân loại”. Ngoài ra, nó còn giúp ngành khảo cổ thu về được một số đồ tạo tác từ thời xa xưa.
Tiến sĩ Hilman khẳng định: “Mọi người nghĩ rằng thời tiền sử là giai đoạn nguyên thủy kém phát triển, nhưng di tích này đã chứng minh quan niệm đó là sai lầm”.
Ông tin rằng một kim tự tháp như vậy hiển nhiên là do con người tạo ra, và điều này chứng tỏ đã từng tồn tại một nền văn minh cổ đại vô cùng huy hoàng ở Java.
Một số tảng đá ban đầu được kết dính với nhau bằng một dạng keo cổ đại và được định tuổi bằng đồng vị cacbon vào khoảng 7.000 năm TCN.
Các tảng đá có thể đã được kết dính với nhau bằng một loại keo cổ đại. (Ảnh qua Pinterest)
Tiến sĩ Hilman cho biết, các tàn tích ẩn giấu những dãy tường, những căn phòng và cả những bậc thang dẫn từ sân thượng xuống bên dưới, một bằng chứng cho thấy đây là một công trình phức tạp.
Các bậc thang được bao quanh bởi những bức tường chắn bằng đá, lên tới 400 bậc thang với độ cao khoảng 95m. Cấu trúc được bao phủ bởi những khối đá hình chữ nhật khổng lồ có nguồn gốc từ núi lửa. Nhiều cuộc khảo sát địa điện, áp dụng các mẫu thử và phương pháp radar xuyên đất đã được tiến hành.
Từ đây, Tiến sĩ Hilman khẳng định ngọn đồi bậc thang này có độ dày 100m và được tạo nên từ nhiều lớp. Ông cho rằng tính đến nay, các cấu trúc nhân tạo được phát hiện ra đã tới độ sâu 15m dưới lòng đất.
Các chuyên gia xác định độ tuổi của các khối đá nằm dưới bề mặt đất 3m và 4m lần lượt rơi vào khoảng 6.500 năm tuổi và 12.500 năm tuổi.
Mô phỏng địa hình khu Gunung Padang. (Ảnh qua Salik.biz)
Tuy nhiên, những phát hiện của Tiến sĩ Hilman đã vấp phải sự tranh cãi gay gắt từ phía các nhà nghiên cứu khác. 34 nhà khảo cổ học và địa chất học Indonesia đã đệ trình một bản kiến nghị chỉ trích các phương pháp và động cơ của dự án.
Họ cho rằng việc khai quật sẽ đe dọa đến việc bảo tồn trạng thái vốn có của khu vực này, và cảm thấy vô cùng khó chịu khi có sự tham gia của các nhà khảo cổ dân sự trong cuộc khai quật. Nhà nghiên cứu núi lửa Sutikno B Toronto tin rằng cấu trúc này hoàn toàn không phải là một kim tự tháp, mà là phần họng của một ngọn núi lửa cũ, còn những viên đá được khảo sát đã bị phong hóa bởi tự nhiên chứ không phải do con người cắt gọt.
Tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng những bằng chứng về một nền văn minh cổ đại tiên tiến từng tồn tại ở khu vực này vẫn khiến không ít người hoang mang.
Theo thuyết tiến hóa của Darwin, nhân loại có nền văn minh chưa quá 10.000 năm, trước đó thì vẫn còn là người nguyên thủy, chưa tiến hóa và thông minh. Nếu những gì Tiến sĩ Hilman khẳng định là thật, thì đây sẽ là một thách thức rất to lớn đối với học thuyết này, và lịch sử nhân loại có khả năng cần phải viết lại.
Nguồn: TH
- 5 cuốn sách cổ ít người biết đến có thể khiến nguồn gốc và lịch sử loài người cần được viết lại.
- 5 sự thực mà chúng ta không thể giải thích bằng thuyết vô thần
- Kim tự tháp lâu đời nhất trên trái đất nằm ẩn trong lục địa băng giá