Xác ướp Ai Cập cổ đại 2.000 tuổi, được cho là thuộc về một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu ở thành cổ Thebes, ẩn giấu một bí mật gây chấn động.
Ảnh chụp CT cho thấy người phụ nữ được ướp xác khi đang mang thai. Ảnh: Journal of archaeological science
Tờ The Sun hôm 29/4 đưa tin, xác ướp Ai Cập cổ đại có thai đầu tiên trên thế giới đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy sau khi chụp CT một xác ướp 2.000 tuổi.
Theo một nghiên cứu, xác ướp 2.000 tuổi là của một phụ nữ ở độ tuổi 20 – 30 và đang mang thai 28 tuần khi bị ướp xác. Người phụ nữ này thuộc tầng lớp thượng lưu ở thành cổ Thebes, nơi xác ướp của người phụ nữ được tìm thấy trong lăng mộ hoàng gia.
Thi thể người phụ nữ được ướp rất tỉ mỉ, bọc trong lớp vải và được gắn một “lá bùa hộ mệnh”.
Xác ướp Ai Cập cổ đại được chụp CT là một phần hoạt động của dự án Xác ướp Warsaw, nhằm mục đích điều tra những gì ẩn giấu bên trong các xác ướp.
Được triển khai năm 2015, dự án này là một phần của chiến dịch xác định giới tính, tuổi tác và nguyên nhân tử vong của các xác ướp trong viện bảo tàng.
Khi thực hiện chụp X-quang và chụp CT xác ướp, các nhà khoa học kinh ngạc khi phát hiện hài cốt một bào thai trong bụng xác ướp 2.000 tuổi.
Các phép đo và tính toán cho thấy đứa trẻ khoảng 28 tuần tuổi khi người phụ nữ qua đời và được ướp xác.
Hình ảnh xác ướp Ai Cập cổ đại 2.000 năm tuổi. Ảnh: Journal of archaeological science
Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới về một xác ướp mang thai, các nhà khoa học viết trong nghiên cứu hôm 28/4 trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ.
“Đây là lần đầu tiên có phát hiện như vậy”, tiến sĩ Wojciech Ejsmond, nhà khoa học tại Học viện khoa học Ba Lan kiêm tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ với The Sun.
“Không có thi thể cổ đại nào của một phụ nữ mang thai được bảo quản tốt cỡ này”, ông Ejsmond nói thêm.
Nghiên cứu trước đây về xác ướp, được khai quật vào đầu những năm 1800, đã xác định niên đại của nó vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Điều này đồng nghĩa rằng, người phụ nữ thượng lưu này đã sống rất gần thời của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra – khi Ai Cập cổ đại và thành phố Thebes trong giai đoạn thịnh vượng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, một nguyên nhân khiến họ xác định người phụ nữ này là một nhân vật “tầm cỡ” vì loại vải để bọc xác ướp là loại chất lượng và đắt giá.
Xác ướp được đưa đến thủ đô Warsaw của Ba Lan năm 1826 ở thời điểm có nhiều khám phá lớn tại thung lũng các vị vua nổi tiếng thế giới.
Năm 1917 nó được cho mượn tại bảo tàng quốc gia ở Warsaw.
Phát hiện về xác ướp mang thai có thể giúp ích nhiều cho giới khoa học. Ảnh: Journal of archaeological science
Phát hiện về xác ướp mang thai có thể giúp các nhà nghiên cứu về Ai Cập có thể hiểu rõ hơn về các trình tự y học cổ đại.
“Với các nhà nghiên cứu về Ai Cập, đây là một phát hiện chấn động và thú vị vì hiện tại có rất ít thông tin về chu kỳ sinh và trẻ con ở thời kỳ Ai Cập cổ đại”, tiến sĩ Ejsmond.
“Các bác sĩ có thể nghiên cứu mẫu vật ở ruột của thai nhi để có thêm thông tin về sự phát triển của hệ thống miễn dịch ở thời cổ đại.
Họ cũng có thể xác định dấu vết của các trình tự y tế thời cổ đại được thực hiện để cứu người phụ nữ và đứa trẻ”, tiến sĩ Ejsmond nói thêm.
Nguyên nhân dẫn tới cái chết của người phụ nữ vẫn là bí ẩn. Các nhà khoa học cũng chưa biết vì sao bào thai không được tách ra và ướp xác như những đứa trẻ chết lưu khác.
Nguồn: DV
- Phát hiện một xác ướp Ai Cập cổ đại đang mang thai 2.000 năm tuổi
- Những nét đặc sắc của tượng Phật thời kỳ nhà Thanh: sự tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ
- Kỳ tích 3 kiếp nạn của 10.000 bao tải văn vật quý hiếm nhất thế gian, không gì mua nổi từng bị coi giấy vụn