Phát hiện “ngôi nhà” cổ nhất có niên đại 2 triệu năm tuổi

Các nhà khảo cổ tìm thấy “ngôi nhà” cổ nhất trong lịch sử Tông Người (Hominin). Đó là một hang động. Động Wonderwerk tại hoang mạc Kalahari ở miền nam châu Phi. Đáng kinh ngạc là ngôi nhà được sử dụng liên tục trong vòng khoảng hai triệu năm. Hầu hết quãng thời gian đó, con người hiện đại thậm chí còn chưa tồn tại.

Theo báo cáo của các nhà khảo cổ học, gồm Ron Shaar, Ari Matmon, Liora Kolska Horwitz, Yael Ebert và Michael Chazan đăng trên tạp chí Khoa học Đệ tứ (Quaternary Science Reviews), các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng của người cổ đại sinh sống trong hang động Wonderwerk khoảng 2 triệu năm trước, họ biết sử dụng rìu tay hơn một triệu năm trước và biết cách lấy lửa sớm nhất khoảng một triệu năm về trước.

Tại đây, các công cụ bằng đá và dấu vết hoạt động của con người từ 2 triệu năm trước được tìm thấy, nhưng chưa tìm ra bất kỳ dấu tích nào của con người. (Ảnh: Michael Chazan / Hebrew University of Jerusalem)




Báo cáo cho biết, hang động có chiều dài hơn 140 mét, và được các nhà khoa học nghiên cứu trong một thời gian dài. Tại đây, các công cụ bằng đá và dấu vết hoạt động của con người được tìm thấy, nhưng chưa tìm ra bất kỳ dấu tích nào của con người. Nguyên nhân có thể do những kẻ săn mồi tiếp cận hang động dễ dàng.

Năm 2008, một nhóm các nhà khảo cổ học do Michael Chazan thuộc Đại học Toronto phụ trách đã kết luận rằng, các công cụ được tìm thấy trong hang động Wonderwerk có niên đại khoảng hai triệu năm. Thông tin này không phải là duy nhất, các nhà khảo cổ học trước đó đã phát hiện ra những công cụ có niên đại 2,6 triệu năm và một số công cụ khác có niên đại 3,4 triệu năm, nhưng họ không phát hiện ra lượng lớn các hiện vật cổ đại trong bất kỳ hang động nào.

Dữ liệu trên cho thấy, từ hai triệu năm trước, tổ tiên xa xôi của chúng ta đã biết sử dụng những hang động để làm nơi cư ngụ.

Niên đại của những công cụ bằng đá này khiến người ta có thể giả định rằng con người thời đó đã sử dụng chúng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình, trước cả chủng người Homo.




Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về kết luận của Chazan. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khảo cổ học khác, bao gồm cả Michael Chazan, đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết mới về các lớp đá của hang động. Theo nhóm này, các hiện vật được tìm thấy trong hang động Wonderwerk có niên đại từ 1,77 đến 1,93 triệu năm tuổi, những công cụ này được làm trong cùng một hang, không bị nước cuốn trôi từ nơi khác đến.

Kết luận này chỉ ra rằng những cư dân đầu tiên của hang động này có thể thuộc giống người tối cổ Homo habilis hoặc tổ tiên của họ thuộc chi vượn người phương nam (Australopithecus). Hang động này là nơi trú ngụ trong suốt một thời gian dài, các nhà khoa học còn tìm thấy những dấu tích sử dụng lửa có niên đại khoảng một triệu năm. Vị trí của nơi sử dụng lửa cách lối vào hang động ít nhất 30 mét. Điều này có nghĩa là con người thời đó đã nhóm lửa ở đây, chứ không phải là kết quả của một đám cháy tự nhiên.

Con người được cho là đã nhóm lửa tại khu vực từ 2 triệu năm trước này chứ không phải do cháy tự nhiên. (Ảnh: Michael Chazan / Hebrew University of Jerusalem)




Các nhà khảo cổ học trước đây cũng đã phát hiện bằng chứng về các địa điểm sử dụng lửa khác nhau có niên đại từ 1,37 đến 1,46 triệu năm trước, mặc dù một số chuyên gia cho rằng đó là do hỏa hoạn tự nhiên gây ra.

Phia sâu trong hang, các nhà khoa học tìm thấy những mảnh nhỏ của chất nhuộm màu tự nhiên – đất son hay còn gọi là thổ hoàng, đã xuất hiện ở nơi đây từ 500 – 300 nghìn năm, điều này không thể xảy ra một cách tự nhiên, tức là tổ tiên của chúng ta là những người đã mang loại đất này đến hang.

Các nhà nghiên cứu xác nhận rằng các mảnh đất son nhỏ không thích hợp để làm công cụ lao động, nhưng chúng có thể được sử dụng trong trang trí và hội họa, vì chúng có thể được mài và phun bột màu lên một số đồ vật hoặc địa điểm để trang trí, hoặc vẽ trên những bức tường của hang động.


Nhìn chung, việc phát hiện ra những miếng đất son nhỏ tạo màu tự nhiên trong hang động là bằng chứng lâu đời nhất cho thấy con người đã biết sử dụng nó trong các lĩnh vực phi lợi nhuận. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được điều gì đã thúc đẩy tổ tiên của chúng ta làm điều này: hướng tới cái đẹp hay mong muốn làm hài lòng các thần linh. Đây cũng là một biểu hiện tự nhiên của cuộc sống con người thuở sơ khai.

Nguồn: NDTVN/Sciencemag

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *