Tranh Thangka của vùng đất thiêng Tây Tạng mở ra những hình ảnh về thế giới thiên quốc

Thangka (còn được viết là Tangka hay Thanka) hay còn gọi là tranh cuộn, là loại tranh vẽ (hay thêu) treo ở các tự viện hay nơi thờ Phật tại gia đình. Chữ Thang trong Thangka bắt nguồn từ Thang yig, tiếng Tây Tạng có nghĩa là ‘ghi lại’. Tranh Thangka là những câu chuyện ghi lại tỉ mỉ về thế giới Thiên quốc như thế nào?

Câu chuyện cuộc đời các Đức Phật và thiên quốc




(Ảnh: tinhhoa.net)      

Những bức tranh kể lại những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt Ma danh tiếng cùng chư Bồ Tát, thánh thần. Một đề tài đặc biệt phổ biến nữa của tranh Thangka là Pháp luân (bánh xe Pháp). Loại Thangka màu thể hiện thần và nữ thần Hindu cùng các đề tài Phật giáo: Đức Phật tọa thiền, cuộc đời Đức Phật, Pháp luân, Mạn đà la, Dược Sư Phật…

Do chủ thể của bức họa là thể hiện của lòng tôn kính và tín ngưỡng của họa sĩ, nên người xem dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp trang nghiêm và có niềm tin vào điều nhiệm màu phát tỏa ra từ đó. Người ta nói tranh Thangka mang theo nguồn năng lượng huyền bí của miền đất Phật.




Thangka (còn được viết là Tangka hay Thanka) hay còn gọi là tranh cuộn, là loại tranh vẽ (hay thêu) treo ở các tự viện hay nơi thờ Phật tại gia đình. (Ảnh: Latoi.com)

Tương truyền rằng bức tranh Thangka đầu tiên vẽ Nữ thần hộ Pháp Bạch Lạp Mỗ, chính là do người dân tộc Thổ Phiên dùng cái mũi đẫm máu của mình để vẽ nên.

Cũng có nơi nói rằng, tranh Thangka có lịch sử 1.400 năm, từ khi các tu sĩ Tây Tạng đi thuyết pháp đã treo những bức tranh Thangka bằng vải.




Sự đa dạng phong phú của tranh Thangka

(Ảnh: tinhhoa.net)

Hầu hết tranh Thangka đều có dạng hình chữ nhật. Bức bé nhất thì có kích thước bằng một bàn tay, có thể vẽ trên giấy, hoặc trên da cừu; bức lớn nhất có thể che khuất một sườn núi.

Tranh Thangka được thực hiện trên vải hoặc lụa, đôi khi bức tranh là sự kết hợp các mảnh lụa khâu thành tranh, một vài tác phẩm được thực hiện bằng thêu.

Thangka cũng có thể phân loại theo các tiêu chí đặc thù như:

Tranh sơn màu tson-tang. Đây là loại phổ biến nhất.

Tranh khâu: Vật liệu là những mảnh lụa gotang được kết hợp lại tạo nên sắc màu phối hợp hài hòa.

Tranh nagtang được vẽ nét bằng vàng kim trên nền màu đen

Tranh in: Họa sĩ dùng những bản in khắc trên gỗ sau đó thể hiện bằng đường nét trên giấy hoặc trên vải.




(Ảnh: tinhhoa.net)

Tranh thêu, gọi là tshim tang;

Tranh vẽ trên nền màu vàng kim – màu của thế giới Phật quốc, được dùng một cách cẩn trọng để vẽ chư thần và chư Phật đạt trình độ giác ngộ viên mãn;

Tranh nền đỏ: vẽ nét tỉ mỉ bằng màu vàng kim, nhưng thường là dùng nét vàng kim trên màu đỏ son – gọi là martang.




(Ảnh: tinhhoa.net)

Thông thường, tranh Thangka thường có kiểu dáng hình chữ nhật. Loại khổ nhỏ có chiều dài hay chiều rộng khoảng 40 cm đến hơn 100 cm, nhưng cũng có bức có khung rất lớn chiều rộng lớn hơn chiều cao, có thể rộng đến trên dưới 15 mét và cao hơn 7 m, những bức tranh loại này thường được trưng bày ở lễ hội lớn, được khâu kết bằng nhiều mảnh vải/ lụa lại với nhau và vẽ hình tượng trên đó. Thangka cũng hay được treo trên vách tu viện trong những dịp lễ đặc biệt.

Đối với loại tranh trên vải hoặc thêu, Thangka được tạo tác bằng nhiều loại vải sợi khác nhau. Phổ biến nhất là vải bông được dệt với khổ rộng từ 40-58 cm. Loại tranh Thangka rộng hơn 45 cm thường người ta phải nối vải.




(Ảnh: Reddit)

Cầu kì hơn là tranh được vẽ trên nền vải bông hay lụa. Khâu pha màu nước rất công phu, màu được chế tạo từ khoáng và các chất hữu cơ, trộn các loại màu thảo mộc với keo – trong thuật ngữ phương Tây gọi là kỹ thuật vẽ màu keo.

Toàn bộ công đoạn vẽ tranh yêu cầu khả năng thành thạo và sự thấu triệt các nguyên tắc trắc lượng đồ tượng, tức các quy pháp tạo hình và tỉ lệ Phật tượng.

Bố cục của tranh Thangka, thành tố chủ đạo của nghệ thuật Phật giáo, là có tính trang trí hình học. Tay, chân, mắt, mũi, tai và các bửu bối/ trì vật mang tính nghi thức đa đạng đều được bố trí trên một mạng kẻ ô gồm những góc và những đường thẳng giao nhau.

Họa sĩ họa Phật chính là quá trình tu luyện Phật Pháp




(Ảnh: tinhhoa.net)

Một họa sĩ vẽ tranh Thangka đòi hỏi kĩ năng sắp xếp bố cục, kĩ thuật pha trộn màu và phối màu, do vậy quá trình này thực sự rất khoa học, nhưng thường đòi hỏi sự hiểu biết thâm thúy về biểu trưng của hình hoạ trong thực hiện, để nắm bắt được cái cốt lõi, cái tinh thần.

Mặc khác tâm thái người họa sĩ khi thực hiện vẽ tranh Thangka được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự tập trung tư tưởng và năng lượng trí não, đường nét sắc xảo, bức họa không chỉ là đẹp mà họa Phật còn là bức vẽ thể hiện tầng thứ tư tưởng.

Thangka thường tuân theo những biểu tượng đặc trưng, sự ám chỉ và ẩn ý bên trong. Nên người họa sĩ thường là người có trình độ hiểu biết rất sâu về kinh Phật, nắm bắt những quy tắc và biểu tượng hay ẩn ý tôn giáo, từ đó mà mô phỏng và sử dụng những biểu tượng phù hợp để tạo nên một thông điệp hoàn thiện với ý tứ ẩn sâu bên trong.




(Ảnh: tinhhoa.net)

Sự thâm sâu trong một bức họa Thangka chính là chiều sâu về nhận thức kinh Phật của người họa sĩ. Chính vì vậy người nghệ sĩ phải rèn luyện tay nghề và phải có đầy đủ hiểu biết tôn giáo, kiến thức và bối cảnh để sáng tạo nên một bức Thangka chính xác và đạt trình độ mĩ thuật tương ứng với cảnh giới tư tưởng của mình.

Trong nghệ thuật Tây Tạng, người ta coi họa là một loại hình hóa thân cao siêu, cả hình thể và phẩm chất hay quyền uy của từng vị Phật phải được bộc lộ hết thảy, người ta chú ý tới chuẩn tắc riêng trong kinh Phật nói về các bộ phận, hình dáng, màu sắc, vị thế của bàn tay (thủ ẩn) cùng các trì vật để phân biệt chính xác đâu là Phật đâu là chư thần, đâu là đại Phật, đâu là Bồ tát.




(Ảnh: tinhhoa.net)

Chính vì lẽ đó mà người ta nói rằng, họa sĩ họa Phật chính là bước đầu của quá trình tu luyện quy y Phật Pháp, và đây là một con đường học hỏi nghiêm túc và công phu.

Con đường trở thành một họa sĩ Thangka nhất định phải là người tu tâm dưỡng thân trước rồi mới trở thành một chuyên gia họa Phật

Để trở thành một họa sĩ có thể họa Phật, người ta mất 10 năm để học hỏi. Trước khi học vẽ người ta phải tu tâm dưỡng thân.




Con đường trở thành một họa sĩ Thangka nhất định phải là người tu trước rồi mới trở thành một người chuyên gia vẽ Phật. (Ảnh: Pinterest.com)

Trong suốt 3 năm đầu các học viên học vẽ phác họa chư thần, Phật, Bồ tát được nêu ra trong kinh Phật.

Hai năm sau, họ được chỉ dạy cách thức giã nghiền và sử dụng các màu khoáng chất, vàng ròng để vẽ.

Vào năm thứ 6, các học viên được tiếp cận với một kho tàng kinh tạng, nghiên cứu tường tận đến chi tiết kinh Phật và sách tôn giáo để chọn chủ đề cho họa phẩm của mình. Sau khi thông thuộc kinh Phật, nắm được hết thảy mọi giới luật, lúc này học viên cũng như một người quy y Phật Pháp, tâm tính và cảnh giới tinh thần đã được bước đầu xác lập và tôi tạo.




Vào năm học thứ 10 được một bậc thầy giám sát thường xuyên. Sau khóa tu học, các học viên cần từ năm đến mười năm mới trở thành chuyên gia vẽ Thangka.

Người ta nói rằng để vẽ được những tranh Thangka, người học phải là người tu trước sau đó mới được học vẽ. Đây chính là một quy định bắt buộc đòi hỏi con người muốn vẽ được Phật thì thân tâm phải tịnh trí tuệ mới được đả khai, cảnh giới bức họa mới mang theo năng lượng và uy lực của Phật pháp.

Có thể thấy rằng, Thangka là một loại tranh vô cùng đặc biệt, người ta kính trọng nó như thái độ cung kính với chư Thần Phật. Một dòng tranh sống cùng với niềm tin rằng thần linh chính là những vị Thần bảo hộ cho chúng sinh, xua đuổi ma tà và gìn giữ sự thanh cao của giá trị phẩm hạnh con người.


Nếu như người ta biết đến Tây Tạng là vùng đất yên bình không ben chen vội vã, không ồn ào thị phi, con người nơi đây đầy thiện niệm và bao dung. Có lẽ gốc rễ của đánh giá này chính là thái độ và niềm tin bất diệt vào sự tồn tại của đấng linh thiêng, tín tâm nơi Phật Pháp, sự tôn kính và thái độ đối với chư Thần Phật là sự khởi đầu cho những giá trị trường tồn của vùng đất và con người Tây Tạng.




(Ảnh: tinhhoa.net)

Nguồn: ĐKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *