Thiên tài lập dị Nikola Tesla là nhà khoa học tiên phong cho các bước tiến khoa học ấn tượng của nhân loại trong thế kỷ XX, ví dụ công nghệ đài phát thanh, động cơ, điện, và đặc biệt là công nghệ dòng điện xoay chiều đang cung cấp năng lượng cho hầu hết thế giới ngày nay.
Nikola Tesla: “Con người đáng lẽ được hưởng Năng lượng miễn phí và Tàu vũ trụ” (Ảnh: Pxhere)
Nhà phát minh người Mỹ gốc Serbia Nikola Tesla nổi tiếng với những phát kiến phản ánh tầm nhìn tương lai sâu rộng. Tuy nhiên, ông cũng có những phát minh mà người đời không công nhận do thiếu thực tế hoặc kỳ quái, không khả thi trong điều kiện công nghệ tại thời điểm đó, hoặc không thể theo đuổi trong thời gian dài.
Dưới đây là những ý tưởng điên rồ, không thực tế nổi tiếng khiến người ta gán cho ông biệt danh “bác học khùng”.
1. NĂNG LƯỢNG KHÔNG DÂY
Thiết kế Hệ thống năng lượng không dây quốc tế Tesla (Ảnh: Bibliotecapleyades)
Khi làm việc với radio, lò vi sóng và tạo ra cuộn cảm Nikola Tesla, ông đã nghĩ về khả năng tạo ra hệ thống truyền dẫn không dây nhằm phân phối năng lượng trên khoảng cách rộng.
Năm 1901, ông có một bước tiến lớn để đạt được mục tiêu này khi nhận được tài trợ từ nhà tài chính J.P. Morgan để xây dựng một nhà máy điện không dây cao 56m ở Shoreham, Long Island, New York được gọi là Tháp Wardenclyffe.
Ngoài việc có thể truyền tin nhắn qua Đại Tây Dương, ông đã hình dung tòa tháp là một cơ sở viễn thông không dây có thể cạnh tranh với hệ thống điện báo dựa trên radio của Guglielmo Marconi trong khi cũng có thể thắp sáng toàn bộ Thành phố New York.
Tháp Wardenclyffe cao hơn 56m ở Shoreham, Long Island, New York. (Ảnh: Getty).
Thật không may, Morgan đã quyết định ngừng tài trợ cho dự án và vì Tesla không thể tìm kiếm những người tài trợ khác, ông đã phải từ bỏ dự án hoàn toàn chỉ sau vài năm. Tháp Wardenclyffe không thể hoạt động như Tesla dự định.
2. MÁY BAY ĐIỆN VẬN TỐC SIÊU ÂM
Thiết kế máy bay siêu âm chạy điện của Tesla. (Ảnh: Collective Evolution)
Sau thất bại của Wardenclyffe Tower, Tesla đã chú ý đến ngành hàng không, ông hi vọng có thể sử dụng tốt kiến thức của mình về kỹ thuật điện và cơ khí để phát triển một máy bay siêu thanh chạy bằng điện.
Năm 1919, nhà khoa học đã thảo luận trong một bài báo trên tạp chí Reconstruction (Tái thiết) về việc chiếc máy bay này có thể vận chuyển hành khách từ thành phố New York đến London chỉ trong ba giờ. Theo Tesla, việc cung cấp năng lượng cho những chiếc máy bay tốc độ cao là hầu như không giới hạn, vì những chiếc máy bay này sẽ được cung cấp năng lượng điện từ các nhà máy điện.
Về việc cung cấp điện này sẽ được thực hiện như thế nào, Tesla đã lên kế hoạch sử dụng thiết kế truyền năng lượng không dây của mình cho các máy bay trên. Nếu thành công, nó sẽ xóa bỏ hoàn toàn việc phương tiện bay phải mang theo nhiên liệu. Đáng tiếc, dự án cũng không được hoàn thành.
3. ROBOT HÌNH NGƯỜI
Năm 1898, Nikola Tesla tham gia trình diễn tại một triển lãm điện ở Madison Square Garden, New York. Đó là một chiếc thuyền điều khiển từ xa bằng radio, một số người thời đó cho rằng nó có thể là vũ khí điều khiển từ xa đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, Tesla nhìn thấy tiềm năng của chiếc thuyền ở khía cạnh khác. Ông coi đây là bước đầu tiên trong việc phát triển một loại robot tự động có thể thay công nhân làm hầu hết các công việc nặng nhọc. Ông gọi mô hình của mình là “Telautomation” và đề nghị cung cấp phát minh này làm vũ khí cho chính phủ Mỹ, Anh.
Ngày nay, ý tưởng này của Tesla được nhiều người xem là tiên phong cho ngành khoa học robot. Số khác cho rằng ông đã đi quá xa so với thời đại; vài thập kỷ sau đó, ý tưởng này mới có thể ứng dụng trong thực tiễn.
4. CAMERA ĐỌC Ý NGHĨ CON NGƯỜI
Ý tưởng về camera đọc suy nghĩ được cho là xuất phát từ căn bệnh ảo giác lúc nhỏ của Nikola Tesla. (Ảnh: Sciencevibe)
Tại một số thời điểm, Nikola Tesla muốn phát minh ra cỗ máy có thể đọc được suy nghĩ mọi người và chiếu ra dưới dạng phim ảnh.
Trong bài báo xuất bản năm 1933, ông tiết lộ một trong những dự án ông đã thực hiện nhiều năm qua là chế tạo thiết bị chụp ảnh tư tưởng con người. Lần đầu nghĩ ra ý tưởng này vào năm 1893, ông tin rằng hình ảnh đã hình thành trong suy nghĩ được phản ánh trên võng mạc, sau đó có thể được xem hoặc chụp lại. Điều này có thể do ông bị ảo giác từ nhỏ và có thể nhìn thấy những hình ảnh mà mình tưởng tượng ra.
Tesla chưa bao giờ có đủ tiền để chế tạo chiếc máy ảnh tư tưởng như ông nghĩ. Nhưng các nhà khoa học ngày nay đã khám phá ra cách chuyển đổi tín hiệu não thành những hình ảnh.
5. KHAI THÁC TIA VŨ TRỤ
Ý tưởng khai thác năng lượng miễn phí từ các hạt nguyên tử trong vũ trụ (Ảnh: giaoduc.edu.vn)
Nikola Tesla từng nghĩ đến ý tưởng khai thác nguồn năng lượng miễn phí đến từ những hạt nguyên tử – các loại tia đầy rẫy trong vũ trụ. Ý tưởng này bị coi là khoa học giả tưởng với hầu hết các nhà nghiên cứu vì nó không thực tế.
Nhưng Nikola Tesla lại tin rằng có thể thiết kế một chiếc máy để khai thác nguồn năng lượng này và chấm dứt vấn đề khan hiếm năng lượng trên Trái Đất.
Các hạt vũ trụ siêu nhỏ này liên tục rơi xuống mặt đất với tốc độ nhanh hơn ánh sáng; ông nghĩ có thể “bắt” được chúng và chuyển đổi thành năng lượng để sử dụng. Rất tiếc, phát minh của ông không trở thành hiện thực.
6. SÓNG THẦN NHÂN TẠO
Nikola Tesla tin rằng khoa học nắm giữ chìa khóa trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột và chiến tranh trong tương lai (Ảnh: beyondsciencetv)
Năm 1907, New York World tiết lộ, Nikola Tesla đề xuất sử dụng sóng radio kích nổ bom trên biển, điều đó sẽ đồng thời kích hoạt sự hình thành sóng thủy triều lớn có khả năng lật úp hạm đội tàu địch.
Cụ thể, sóng thủy triều nhân tạo sẽ khiến hải quân trở nên vô dụng, giống như những chiếc thuyền giấy trôi nổi trong bồn tắm. Một số người lúc đó coi đây là công cụ giúp nhân loại tiến gần hơn đến hòa bình thế giới. Với tính huỷ diệt khủng khiếp, nó có thể tiêu diệt cả 2 bên tham chiến. Vì vậy, không bên nào dám gây chiến.
Tuy sóng thuỷ triều chưa bao giờ được thực hiện, các nhà khoa học vẫn nuôi dưỡng ý định phát triển vũ khí đủ mạnh để răn đe chiến tranh. Vài năm sau đó, vũ khí hạt nhân đã xuất hiện.
7. TIA TỬ THẦN
Dù có những ý tưởng về vũ khí hủy diệt, Nikola Tesla vẫn mong muốn phát minh của mình góp phần cho hòa bình thế giới. (Ảnh: giaoduc.edu.vn)
Vào những năm 1930, Nikola Tesla khi đó đã 70 tuổi. Chia sẻ với New York Times, ông cho biết đã phát minh ra thứ có thể khiến đội quân hàng triệu người chết trong chớp mắt.
Công nghệ này gia tốc hạt thuỷ ngân nhanh hơn 50 lần so với tốc độ âm thanh trong buồng chân không, tạo ra một chùm tia mạnh mẽ có thể “bắn hạ 10.000 máy bay của đối phương ở khoảng cách hơn 400 km”.
Vũ khí quân sự này được gọi là “Tia tử thần”, nhưng bản thân Tesla vẫn thích gọi là “Tia hòa bình”, vì có thể giúp các nước chống xâm lược.
Ông cố gắng tìm một chính phủ sẵn sàng tài trợ cho việc xây dựng tia tử thần, và quốc gia duy nhất tài trợ cho ý tưởng của ông là Liên Xô. Các cuộc thử nghiệm diễn ra vào cuối những năm 1930, song không rõ có thành công hay không vì ông qua đời không lâu sau đó.
8. ĐỐT LẠNH
Tờ báo về Đốt lạnh năm 1919 (Ảnh: lalung.vn)
Phát minh này hy vọng sẽ thay thế được xà phòng và nước trong sinh hoạt. Tesla muốn thay thế điện với nước vì điện là kẻ thù lớn nhất của vi trùng.
Sự đốt lạnh nghĩa là đốt cháy nhưng không gây bỏng, người ta sẽ đứng trên một tấm kim loại và được phủ trong nguồn điện luân phiên đến 2,5 triệu volt giống như một ngọn lửa trùm lên cơ thể.
Phương pháp này hiệu quả vì da người có tính dẫn điện. Nó còn có tác dụng chữa bệnh vì nguồn điện mạnh có thể sinh ra lượng lớn khí ozon khử trùng có lợi cho sức khỏe.
Vấn đề chi phí và an toàn cho người sử dụng đã biến ý tưởng “đốt lạnh” thành mơ hồ.
KẾT LUẬN
Nhiều người xem Tesla là nhà khoa học điên rồ. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng ông xuất sắc hơn hết thảy những nhà phát minh nổi tiếng khác trong thời đại của mình như Thomas Edison hay Alexander Graham Bell.
Sau khi Tesla qua đời, dư luận vẫn không công nhận những thành tựu khoa học ít được biết đến của ông. May mắn thay, nhiều phát kiến và ý tưởng của ông đã được công bố trong những năm gần đây. Công chúng từ đó đánh giá cao hơn di sản mà cha đẻ dòng điện xoay chiều đã để lại
Nguồn : NTDVN