Hóa thạch tê giác còn nguyên lông và sừng sau 34.000 năm chôn vùi dưới băng tuyết

Con tê giác non vẫn giữ nguyên dáng vẻ và bộ lông dày sau 34.000 năm chôn vùi dưới lớp băng vĩnh cửu.

Theo Siberia Times, xác một tê giác con lông mượt  34.000 năm tuổi được khai quật từ lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở vùng Yakutia , Siberia, vào năm 2014 và mang tên Sasha theo tên người đàn ông phát hiện ra nó. Hiện nó đang được trưng bày tại thủ đô Moscow, Nga  sau khi quá trình ướp chất thơm hé lộ diện mạo thực sự của nó dưới thời Đồ đá cũ.

Xác ướp của tê giác lông mượt con Sasha được trưng bày ở Moscow. (Ảnh: Anastasia Loginova)




Đây là một phát hiện rất độc đáo vì tê giác lông mượt từng tìm thấy trên trái đất chỉ đếm trên đầu ngón tay và chúng ít được nghiên cứu hơn so với voi ma mút. Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đi hết từ bất ngờ này đến bát ngờ khác.
Đầu tiên là màu sắc của lông Sasha, nó có màu hung đỏ, khác biệt hoàn toàn với màu xám đen quen thuộc của tê giác trắng ngày nay tại châu Phi. Điều này trái ngược hẳn với dự đoán màu xám nhạt ban đầu của các nhà nghiên cứu.

Màu sắc lông của con tê giác khác hẳn với tê giác ngày nay. (Ảnh: The Siberian Times)

Tiếp theo là kích thước của Sasha. Theo kết quả phân tích răng cho thấy con tê giác non này chết lúc 7 tháng tuổi, tương đương với kích thước 1 con tê giác 18 tháng tuổi thời hiện đại. Hay nói cách khác, loài tê giác lông mượt đã tuyệt chủng lớn hơn với tê giác ngày nay ở châu Phi. Gốc sừng mới nhú của nó cũng có thể nhìn rõ.




Sasha có kích thước lớn hơn tê giác ngày nay. (Ảnh: The Siberian Times)

Các nhà nghiên cứu chưa biết xác tê giác thuộc giống đực hay giống cái do các cơ quan nội tạng của con vật không còn tồn tại. Trong tiếng Nga, Sasha là tên gọi chỉ một cậu bé hay cô bé.

( Ảnh: Çanakkale Matbuat)

Nhà nghiên cứu Valery Plotnikov cho biết: “Nhờ khám phá này, chúng tôi biết rằng tê giác lông mượt có phần lông phủ rất dày. Trước đây, chúng ta chỉ biết điều này qua những bức tranh đá khắc ở Pháp. Với bằng chứng này có thể kết luận, loài tê giác lông mượt bị tuyệt chủng hoàn toàn thích ứng với kiểu thời tiết lạnh buốt từ khi còn rất nhỏ”.





Về nguyên nhân tử vong của con tê giác, một giả thuyết được nhóm nghiên cứu đưa ra là nó bị chết đuối dưới hồ nước đầy bùn lầy trước khi cơ thể đông cứng. Theo các chuyên gia, nó đã thay lông trước khi chết.

Theo Yevgeny Maschenko, nhà nghiên cứu đến từ Viện Cổ sinh vật học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga chia sẻ: “Chúng tôi thấy điều kiện sống của những sinh vật này khác hơn nhiều so với ngày nay. Cách đây chừng 35.000 năm đến 50.000 năm, khí hậu khô và lạnh hơn, không có các vùng khí hậu như hiện tại. Địa điểm phát hiện xác con vật nay là vùng lãnh nguyên vốn không tồn tại vào thời đó”.

(Ảnh: THE DAILY BRAILLE)

Tê giác lông mượt được cho là tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước. Chúng sống ở châu Âu và phía bắc châu Á trong Thế Canh Tân. Dù sống sót qua thời kỳ băng hà gần đây nhất nhưng loài động vật này đã biến mất do biến đổi khí hậu và bị con người săn bắt.

Nguồn: ĐKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *