Zealandia – Bí ẩn về lục địa thứ 8 của Địa Cầu

Nhiều người cho rằng Trái Đất chỉ có 7 châu lục, nhưng mới đây các nhà khoa học đã tìm thấy Zealandia – vùng đất có thể sớm trở thành lục địa thứ 8.

Đầu năm 2017, các nhà khoa học đã nêu giả thiết về một lục địa thứ 8 gần như chìm hoàn toàn dưới mặt nước ở phía Tây Nam Thái Bình Dương, được gọi là Zealandia, Iflscience đưa tin hôm 4/10.

Từ trước đến nay, chúng ta thường chỉ nghe đến một phần rất nhỏ của nó nhô lên khỏi mặt nước mà thôi: New Zealand. Với diện tích khoảng 5 triệu km vuông, tương đương với 2/3 lục địa Úc, các khoa học gia nói rằng nó đủ tiêu chuẩn trở thành một lục địa và đang thúc đẩy để vùng đất này được công nhận vị thế đó.




Toàn cảnh lục đại Zealandia (Ảnh: Iflscience)

Mảng lục địa có tên Zealandia đã bị phá vỡ trong một vụ va chạm hơn 50 triệu năm trước và chìm xuống biển. Cho đến bây giờ, Zealandia luôn là một câu hỏi bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu địa chất Mortimer của New Zealand cho biết: “Hơi phức tạp đối với các nhà địa chất chúng tôi khi lục địa chìm dưới đáy đại dương. Nếu chúng ta có thể rút hết nước đại dương lên thì sẽ nhận thấy các dãy núi và một lục địa lớn nằm trên đáy của đại dương”.

Lục địa Zealandia nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương (Ảnh: Iflscience)




Để tìm hiểu những bí mật của vùng đất bị chìm sâu dưới biển này, một dự án nghiên cứu kéo dài 3 tháng đã được tiến hành trên tàu thám hiểm JOIDES Resolution.

Các nhà khoa học đã tiến hành khoan thăm dò tại 6 vùng biển khác nhau dọc theo đáy biển của Zealandia. Các mẫu trầm tích nằm ở độ sâu 2.500m dưới mặt nước biển cho phép hé lộ lịch sử 70 triệu năm của lục địa cổ này.

Tàu thăm dò JOIDES Resolution đang nghiên cứu Zealandia (Ảnh: Iflscience)

Trưởng đoàn nghiên cứu Gerald Dickens của Đại học Rice, Texas cho biết rằng có hơn 8.000 mẫu vật đã được thu thập, hàng trăm mẫu hóa thạch đã được xác định. Qua phân tích cho thấy, Zealandia không phải lúc nào cũng chìm dưới nước biển.
Trong quá khứ, địa lý và khí hậu của Zealandia đã bị thay đổi một cách đột ngột. Cách đây 100 triệu năm, Australia, Nam Cực và Zealandia đã từng là một phần của một siêu lục địa. Khoảng 80 triệu năm trước, Zealandia đã bị tách ra khỏi các khu vực trên và chìm xuống biển.




Zealandia, từng là một phần của Australia cách đây 75 triệu năm. Sau đó phần lục địa này bắt đầu phân tách và dịch chuyển dần về phía đông bắc. Sự dịch chuyển này ngừng lại cách đây 53 triệu năm.

Thiết bị khoan thăm dò trên tàu JOIDES Resolution (Ảnh: Iflscience)

Zealandia hội tụ đủ 4 đặc điểm của một lục địa: có độ cao và độ đặc lớn hơn so với lớp vỏ đại dương, có sự hiện diện của 3 loại đá (đá núi lửa, đá biến chất và trầm tích), có diện tích đủ lớn.

Giáo sư Neville Exon, Đại học Quốc gia Australia cho biết chuyến thám hiểm cũng sẽ làm sáng tỏ những thay đổi chính trong hoạt động kiến tạo mảng địa cầu, bắt đầu cùng lúc vành đai lửa Thái Bình Dương hình thành cách đây 53 triệu năm, khi đó lục địa Zealandia được cho là đã ngừng trôi dạt.





Các mẫu vật được tiến hành phân loại và dán nhãn (Ảnh: Iflscience)

Kết quả nghiên cứu cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn các vấn đề về khí hậu, lịch sử hải dương học, các miền khí hậu khắc nghiệt, đời sống dưới đáy biển, kiến tạo địa tầng và các vùng phát sinh động đất, sự vận động của các cung đảo và các rãnh đại dương. 
Các nhà khoa học cũng cho biết, những dữ liệu thu được từ lần thám hiểm này sẽ cho phép xây dựng được một mô hình khí hậu Trái đất chính xác hơn, từ đó có thể dự báo tốt hơn những biến đổi khí hậu trong tương lai.

Ngoài ra, thông qua nghiên cứu chúng ta sẽ có cái nhìn mới và hoàn thiện hơn về Trái Đất, Cùng với đó, lục địa thứ tám sẽ sớm thay thế cho kiến thức thông thường về việc Trái đất chỉ có bảy lục địa mà chúng ta biết hiện nay.
Nguồn: ĐKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *