Bộ trưởng du lịch Ai Cập: Lăng mộ Tutankhamun có phòng chứa bí mật đầy kho báu

Trong chuyến thăm đến Tây Ban Nha gần đây, Bộ trưởng Bộ Du lịch Ai Cập Hisham Zaazou có thể đã sơ suất hé lộ thông tin gây sửng sốt về các cuộc thăm dò một phòng chứa bí mật trong lăng mộ Vua Tutankhamun (một pha-ra-ông Ai Cập thuộc triều đại thứ 18) trước những thông cáo báo chí chính thức dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Tư tới. Ông Zaazou nói rằng căn hầm bí mật được phát hiện này chứa đầy kho báu và sẽ trở thành ‘Vụ Nổ Lớn’ của thế kỷ 21.

(Ảnh: Getty Images)




Theo ABC – tờ nhật báo quốc gia Tây Ban Nha, ông Zaazou đã có những tuyên bố giật gân trong chuyến thăm Tây Ban Nha khoảng vài tuần trước.

“Chúng tôi không biết liệu hầm mộ có phải là của Nữ hoàng Nefertiti hay một người phụ nữ khác, nhưng nó lấp đầy kho báu”, ông Zaazou tuyên bố (theo tờ ABC) … “Đây sẽ là một ‘Vụ Nổ Lớn’, một khám phá của thế kỷ 21”.
Các cuộc thăm dò lăng mộ Vua Tutankhamun
Bộ Di sản Ai Cập đã triển khai phân tích sử dụng công nghệ cao bên trong khu lăng mộ của vị vua trẻ Tutankhamun vào ngày 4/11/2015 sau khi các kết quả chụp quét hồng ngoại ban đầu các bức tường trong khu lăng mộ đã phát hiện được một vùng diện tích nhiệt lớn, dấu hiệu của một phòng chứa bí mật.




Dự án chụp quét được thiết kế để kiểm định giả thuyết của nhà khảo cổ Nicholas Reeves, rằng lăng mộ Vua Tutankhamun có hai phòng chứa bí mật và một trong số đó là nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng Nefertiti. Theo ngài Bộ trưởng, kết quả quét hồng ngoại cho thấy có đến 90% khả năng có thứ gì đó đằng sau những bức tường này.

Tiến sĩ Nicholas Reeves lần đầu tiên nghi ngờ có các phòng chứa bí mật trong lăng mộ Vua Tutankhamun sau khi phân tích chi tiết các bức hình chụp quét hồng ngoại các tác phẩm nghệ thuật trên dãy tường trong lăng mộ của nhóm Factum Arte. Ts. Reeves đã chú ý đến các khe nứt trong bức hình có thể là dấu hiệu tồn tại của hai cánh cửa bị bịt kín ở bức tường phía bắc và phía tây khu mộ.




Ảnh chụp quét bức tường phía bắc của hầm mộ chứa thi thể Vua Tutankhamun đã hé lộ các đặc điểm bên dưới lớp vữa trát được trang trí công phu (phần khoanh đỏ) mà một nhà nghiên cứu tin rằng có thể là một cánh cửa bí mật, có lẽ thông sang hầm mộ chôn cất Nữ hoàng Nefertiti. (Ảnh: Factum Arte)

Điều gì ẩn giấu bên trong căn hầm bí mật?
Theo Ts. Reeves, khu lăng mộ của vua Tutankhamun chưa được hoàn thành khi ông đột ngột qua đời ở tuổi niên thiếu vào năm 1332 TCN. Do vậy, ông đã được chôn cất một cách vội vàng trong lăng mộ của Nữ hoàng Nefertiti, hoàng hậu của Pha-ra-ông Akhenaten. Pha-ra-ông Akhenaten được cho là cha của Tutankhamun với một vương phi khác. Ts. Reeves tin rằng khu lăng mộ của vua Tutankhamun đã chiếm giữ một phần lăng mộ của Nữ hoàng Nefertiti cũng như một số đồ tuẫn táng và không gian trong lăng mộ của bà.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Di sản Ai Cập al-Damati lại có cách nghĩ khác. Theo hãng tin AFP, ông Damati tin rằng xác ướp được chôn trong lăng mộ vua Tutankhamun có nhiều khả năng là Kiya, một vương phi của Pha-ra-ông Akhenaten.




Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Zaazou cho biết cũng có giả thuyết cho rằng căn hầm này trống rỗng. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng giả thuyết này hiện đã bị bác bỏ. “Nó không trống rỗng. Nó lấp đầy kho báu”, tờ ABC trích dẫn lời ngài Bộ trưởng. “Đây sẽ là một khoảnh khắc lịch sử”.

Hình ảnh minh họa vị trí của hai phòng chứa bí mật trong báo cáo của Ts. Reeves. Lần quét radar sắp tới sẽ tập trung tìm kiếm sự tồn tại của chúng (nếu có). (Ảnh: Daily Mail)




Tạp chí Nile đã đặt câu hỏi: Tại sao Bộ trưởng Hisham Zaazou lại bỏ qua các nguyên tắc khi tiết lộ một tin tức quan trọng như vậy trước thông cáo báo chí chính thức, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Tư tới.


“Dĩ nhiên, một người hoài nghi có thể sẽ đặt câu hỏi, tại sao trong một chính phủ khắt khe về nghi thức như Ai Cập, Bộ trưởng Bộ Du lịch lại là người tiết lộ một tin tức quan trọng như vậy, thay vì Bộ trưởng Bộ Di sản. Dường như sẽ là một chuyện lớn khi ông Zaazou sơ ý buột miệng như vậy. Hay liệu có khả năng ngài Bộ trưởng về cơ bản đang bịp bợm, với hy vọng tạo ra một cú hích cần thiết cho ngành du lịch nước nhà?” Tạp chí Nile Magazine đặt câu hỏi. 




“Tuy nhiên, điều thú vị là Nicholas Reeves – nhà Ai Cập học người Anh – người khởi xướng giả thuyết về phòng chứa bí mật, hiện đang ở Luxor (Ai Cập). Điều may mắn là, chúng ta sẽ không phải chờ đợi quá lâu để biết được [câu trả lời]. Tháng 4 sẽ đến trong chớp mắt”.

Nguồn: ĐKN – Theo April Holloway, Ancient Origins.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *