Có những bằng chứng kỳ lạ cho thấy khủng long có thể mới chỉ biến mất từ vài nghìn năm trước. Một trong những bằng chứng đó là bộ hiện vật Acambaro, hiện nay đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Julsrud tại Acambaro, Mexico.
Viện bảo tàng Julsrud tại Acambaro, Mexico
Waldemar Julsrud là một chuyên gia khảo cổ học người Mexico gốc Đức. Ông đã phát hiện những bức tượng đất nhỏ được chôn dưới chân núi El Toro ở vùng ngoại ô của Acambaro, Guanajuato, Mexico vào năm 1945. Khi nói chuyện với các nông dân địa phương, ông được biết rằng họ thường tình cờ bắt gặp những bức tượng này trong những cái hố nông, trên cả dải đất rộng của vùng chân núi El Toro, mỗi hố có từ 20 đến 40 bức tượng. Thế là ông bắt đầu thu thập những bức tượng này, và sau này còn khai quật cả ở khu đất phía chân núi El Chivo phía bên kia thành phố. Cuối cùng ông đã có một bộ sưu tập gồm hơn 30.000 bức tượng! Các hiện vật tương tự tìm thấy trong khu vực được xác định là thuộc về nền văn hóa Chupicuaro cổ xưa sống cách nay khoảng 2.800 – 1.800 năm. Ông đã viết cuốn sách “Những bí ẩn Del Pasado” mô tả về cuộc khai quật và khám phá của mình.
El Toro và El Chivo, nơi Waldemar Julsrud khai quật được các bức tượng.
Kỳ lạ thay, trong bộ sưu tập khổng lồ của Julsrud có tới hàng ngàn bức tượng khủng long! Những người ủng hộ thuyết tiến hóa luôn tin rằng loài khủng long đã bị tuyệt chủng 65 triệu năm trước, rằng con người chỉ mới biết về chúng trong vòng 200 năm trở lại đây, và nếu vậy thì người ta không thể thấy và chế tác tượng khủng long từ 2.500 năm trước được.
Những bức tượng khủng long Acambaro
Trong những năm 1945 – 1946, Carlos Perea là Giám đốc Khảo cổ học vùng Acambaro, thuộc Bảo tàng Quốc gia về Nhân chủng học ở thành phố Mexico City, Mexico. Khi được phỏng vấn, ông mô tả cuộc khai quật Julsrud là trái phép, giống như những cuộc khai quật tương tự của nông dân địa phương vào thời gian đó, nhưng ông biết chắc những phát hiện đó là hoàn toàn xác thực. Vào thời điểm Julsrud khai quật, ông có trách nhiệm mô tả và ghi chép các phát hiện khảo cổ học này. Julsrud thường làm cho Carlos Perea tức giận vì Julsrud chẳng mấy quan tâm tới việc xin giấy phép khai quật. Carlos Perea khi đó đã kiểm tra các bức tượng nhỏ mà trong số đó có cả tượng khủng long, từ các địa điểm khai quật khác nhau. Ông cũng đã có mặt khi Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ chính thức tiến hành khai quật, và họ cũng đã tìm thấy nhiều bức tượng tương tự như của Julsrud.
Carlos Perea đã từng là Giám đốc Khảo cổ học vùng Acambaro vào thời Julsrud khai quật được các bức tượng
Năm 1954 chính phủ Mexico đã gửi bốn nhà khảo cổ học nổi tiếng đến đây nghiên cứu. Một địa điểm khác ở gần đó đã được lựa chọn và người ta bắt đầu khai quật kỹ lưỡng. Sâu dưới mặt đất gần 2m, họ đã tìm thấy nhiều bức tượng tương tự. Sau khi nghiên cứu cẩn thận, họ kết luận rằng phát hiện của Julsrud là xác thực. Tuy nhiên, 3 tuần sau đó họ lại tuyên bố phủ nhận chính những gì đã nói trước đó, đơn giản là vì người ta phát hiện ra trong số các tượng có nhiều tượng mô tả cảnh con người và khủng long đang chung sống.
Nhà tội phạm học Erle Stanley Gardner điều tra xem xét một bức tượng Acambaro
Năm 1955, Charles Hapgood, giáo sư tiến sỹ Nhân chủng học tại Đại học New Hampshire đã tiến hành một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng, có sử dụng cả phương pháp xác định niên đại bằng phóng xạ C14 và phương pháp nhiệt phát quang. Cùng với Hapgood còn có Erle Stanley Gardner, một nhà tội phạm học rất giỏi và là tác giả của bộ sách “Perry Mason” lừng danh. Họ đã điều tra nghiên cứu, và chứng minh rõ ràng Julsrud không làm giả các bức tượng đó.
Mayor Altimarino là cảnh sát trưởng của thành phố Acambaro vào thời Hapgood và Gardner tiến hành cuộc điều tra nghiên cứu. Với các kỹ năng thám tử của mình, Gardner đã thuyết phục được cảnh sát trưởng Altimarino cho phép họ khai quật ngay dưới nền móng phòng khách của nhà cảnh sát trưởng, vốn đã được xây dựng 25 năm trước khi Julsrud đến Mexico định cư. Đáng kinh ngạc thay, họ cũng đã tìm thấy nhiều mảnh của 43 bức tượng tương tự cùng loại với những bức tượng của Julsrud! Đích thân Cảnh sát trưởng Mayor Altimarino đã tiến hành một cuộc điều tra trong 3 tháng, phỏng vấn người dân ở khu vực để điều tra xem những bức tượng đó có phải đã vừa mới được sản xuất và đem chôn dưới nền móng nhà mình hay không. Ông cuối cùng đã đi tới kết luận là giả thuyết đó không thể xảy ra.
Charles Hapgood và Erle Stanley Gardner đã gửi đi 3 mẫu lấy từ các bức tượng đó để đi giám định niên đại bằng phương pháp cacbon phóng xạ C14 tại New Jersey, nước Mỹ. Các kết quả C14 cho thấy các bức tượng có niên đại 1.640 năm trước Công nguyên, 4.530 năm TCN và 1.110 năm TCN. 18 mẫu khác được xét nghiệm nhiệt phát quang của Đại học Pennsylvania, và đều cho kết quả niên đại khoảng 4.500 năm trước. Nhưng cũng giống như lần trước, tất cả các kết quả này sau đó đều bị phủ nhận ngay khi người ta hay tin các mẫu xét nghiệm đó được lấy từ các bức tượng khủng long kể trên.
Bản vẽ cuộc khai quật ngay dưới nền nhà của cảnh sát trưởng Mayor Altimarino của thành phố Acambaro, Mexico
Kết quả xác định niên đại C14 đo được tại Liên hợp Phòng thí nghiệm phóng xạ ở New Jersey, Hoa Kỳ:
Mẫu 1 (I-3842) 3590 + – 100 (khoảng năm 1640 TCN)
Mẫu 2 (I-4015) 6480 + – 170 (khoảng năm 4530 TCN)
Mẫu 3 (I-4031) 3060 + – 120 (khoảng năm 1110 TCN)
Hapgood đã mô tả chi tiết quá trình điều tra nghiên cứu của ông trong cuốn sách “Bí ẩn Acambaro”. Độc giả quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách này tại đây.
Carlos Julsrud con trai của Waldemar cũng đã khai quật được rất nhiều bức tượng nhỏ tương tự. Carlos đã giữ gìn cẩn thận bộ sưu tập của cha mình cho đến tận lúc qua đời. Charles Hapgood và Erle Stanley Gardner đã phỏng vấn Carlos khá nhiều trong quá trình điều tra nghiên cứu.
Gardner, Hapgood, và Carlos Julsrud (con trai của Waldemar Julsrud)
Carlos Julsrud đệ nhị là cháu nội của Waldemar, cũng khai quật được một số tượng khủng long tương tự tại Acambaro.
Carlos Julsrud II bên cạnh mộ ông nội, Waldemar Julsrud
Bức tượng khủng long mà Julsrud Carlos II khai quật được
Các nhân chứng khác
Bác sỹ J. Antonio Villia Hennejon sống tại Guadalajara, nhưng thường xuyên tới Acambaro vào cuối tuần để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông say sưa kể về hàng trăm bức tượng mà mình khai quật được cùng với Julsrud khi còn bé. Ông đã phác thảo một vài trong số hàng chục tượng khủng long mà ông và Julsrud đã đào được. Tất nhiên, vào thời điểm đó ông không biết gì về khủng long. Đối với ông khi ấy chúng chỉ là những con vật kỳ lạ mà thôi.
Bác sỹ J. Antonio Villia Hennejon
Ernesto Narrvete Marines đã từng là cảnh sát trưởng của một khu vực rộng lớn bao gồm cả Acambaro trong những năm cuối thập niên 1980. Ông từng được đào tạo tại Cục điều tra tội phạm của cảnh sát London. Điều tra viên này đã từng tịch thu khoảng 3.000 bức tượng từ những người khai quật bất hợp pháp bị bắt quả tang tại một địa điểm gần Acambaro. Ông mô tả các bức tượng ấy là cùng một loại với những bức tượng của Julsrud. Những người khai quật bất hợp pháp này bị giam tại Trại giam Liên bang ở Mexico City.
Cựu Trưởng Cảnh sát Liên bang Mexico, Ernesto Narrvete Marines
Tiến sỹ Dennis Swift là một nhà điều tra giỏi, đã viếng thăm Acambaro nhiều lần và nghiên cứu kỹ lưỡng các bức tượng Acambaro. Ông đã xem xét hàng ngàn hiện vật và phỏng vấn nhiều nhân chứng. Độc giả quan tâm có thể tìm đọc báo cáo chi tiết của ông ở đây.
Tiến sỹ Dennis Swift xem xét các bức tượng Acambaro
Tiến sỹ Don Patton đã nghiên cứu và xem xét hàng ngàn bức tượng. Ông đã đích thân điều tra nghiên cứu, đến tận nơi phỏng vấn nhiều nhân chứng ngay tại nhà họ và tại các địa điểm khai quật, từ đó chắc chắn rằng các bức tượng Acambaro là xác thực và khủng long chỉ mới tuyệt chủng vài ngàn năm gần đây mà thôi.
Tiến sỹ Don Patton
Tất cả những ai quan tâm đến chủ đề bí ẩn khoa học và lịch sử nhân loại sau một thời gian tìm tòi nghiên cứu say mê đều phát hiện ra một sự thật bất ngờ. Đó là việc các khám phá khảo cổ học chân chính sau khi trải qua điều tra nghiên cứu cẩn thận đều được xác nhận theo đúng tinh thần khoa học thực nghiệm, nhưng, nếu sau đó người ta cảm thấy các khám phá ấy không có lợi cho thuyết tiến hóa thì ngay lập tức các tuyên bố xác nhận trước kia đều bị gạt bỏ mà không cần lý do, cũng không có lấy nửa lời giải thích hay xin lỗi. Điều này trước đây gây khó khăn rất lớn cho những người muốn tiếp cận thông tin về các khám phá kỳ bí ấy nhưng không có điều kiện tự tiến hành điều tra nghiên cứu chuyên sâu.
Tuy nhiên, thời đại internet cho phép tất cả mọi người tiếp cận được ở chừng mực nào đó, tuy có lẽ không bao giờ là đủ đối với những tâm hồn khát khao sự thật và lẽ phải.
Xem video Tiến sỹ Don Patton chia sẻ về cuộc hành trình khám phá những bức tượng khủng long Acambaro:
Nguồn: ĐKN